Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi kết luận hội nghị trực tuyến về gỡ khó cho bất động sản sáng 17/2.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản đã rơi vào khủng hoảng gần một năm nay với số doanh nghiệp phá sản tăng 40%. Những ông lớn đầu ngành cũng liên tục "kêu cứu" và chấp nhận nhiều biện pháp "đau thương" như thu hẹp quy mô, giảm nhân sự, dừng hoặc bán bớt dự án để sống sót.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị tháo gỡ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, ngày 17/2. Ảnh: VGP
Thủ tướng đánh giá những bất cập của thị trường vừa qua, như cung - cầu lệch pha khi tập trung phân khúc cao cấp, ít phân khúc trung bình, thu nhập thấp. Giá bất động sản không hợp lý, không phù hợp với thu nhập bình quân đầu người.
Thị trường còn gặp vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn khó khăn, nhưng phản ứng chính sách của các chủ thể liên quan (cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng) còn chậm. Cán bộ nhiều nơi còn sợ trách nhiệm, không dám làm. Mặt khác, chủ thể quan trọng của thị trường - các doanh nghiệp bất động sản - cũng chưa linh hoạt, xử lý kịp thời các vướng mắc do mình gây ra.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, việc tháo gỡ khó khăn phải tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu. Ông nhấn mạnh tinh thần tháo gỡ khó khăn thị trường phát triển an toàn, bền vững, "không ai giải cứu cho ai". Vì thế, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng, khách hàng phải đoàn kết, cùng xử lý các vấn đề.
"Tinh thần ở đây là lợi ích hài hòa, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp", ông nói và nhấn mạnh, cấu trúc này nếu không hài hòa thì sẽ không ổn định, không ai phát triển được.
Bất động sản bình đẳng với các ngành nghề, lĩnh vực khác, vì thế cần tìm điểm cân bằng, dung hòa của cung cầu thể hiện ở giá. Giá bất động sản phải là động lực để thúc đẩy, chứ không phải triệt tiêu sự phát triển.
Về giải pháp cụ thể, Thủ tướng giao các cơ quan quản lý tăng rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch, giám sát, kiểm tra, giải quyết các vấn đề nổi lên. Các tổ chức ngân hàng, tài chính phải khơi thông dòng vốn, giải quyết các vấn đề tín dụng.
Với các doanh nghiệp bất động sản, Thủ tướng đề nghị, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do mình gây ra vì đã dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt, đầu tư vốn không hiệu quả. Các doanh nghiệp theo đó phải cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa.
"Lúc làm ăn có lãi bù trừ với lúc làm ăn thua lỗ, không thể lúc nào cũng có lãi được, không thể khó khăn cũng đòi có lãi, không có ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng, phải góp phần vì cái chung", Thủ tướng nói.
Các ngân hàng được ông yêu cầu tiết giảm chi phí đầu vào, giảm lãi suất huy động để giảm lãi vay, phí, lệ phí và cơ cấu lại các nhóm nợ. "Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng mới phát triển được", ông nói thêm.
Chính quyền các cấp được giao tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, đẩy nhanh xây dựng các quy hoạch; thực hiện nghiêm quy hoạch, điều chỉnh kịp thời các dự án trên địa bàn phù hợp điều kiện, tình hình địa phương. Thủ tướng cũng lưu ý đến việc bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng.
Ông nói thêm, sau hội nghị hôm nay Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết để các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bất động sản.
Chính phủ sẽ có đề án riêng về phát triển nhà ở, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp. Chính phủ sẽ xem xét gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này mà Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước nêu ra.
Theo VNE