Thời gian vừa qua, nhiều địa phương như Đồng Nai, Đắk Lắk, Quảng Nam, Vĩnh Phúc... đã liên tục ra văn bản khẩn chỉ đạo rà soát quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản khi địa phương xuất hiện các hiện tượng ‘thổi giá’ đất và có dấu hiệu hoạt động đầu cơ, mua đi bán lại đất đai gây “sốt ảo” trên thị trường.
Trả lời chất vấn nhiều đại biểu Quốc hội mới đây liên quan đến các vấn đề đấu giá đất, ‘thổi’ giá, đầu cơ, “lướt sóng” bất động sản... Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, những hành vi “nay mua đi mai bán lại”, “lướt sóng”, đầu cơ, găm đất để kiếm lời trên thực tế không mang lại giá trị kinh tế cho xã hội.
Vì thế, Bộ trưởng cho rằng, cần đánh thuế cao với các trường hợp đó; công cụ thuế có thể làm cho những người đang “ôm” đất sẽ từ bỏ, giá đất đang cao có thể sẽ thấp xuống.
Theo chuyên gia, đánh thuế cao sẽ triệt tiêu hiện tượng “lướt sóng”, đầu cơ đất, nhưng giá bất động sản khó có thể giảm. (Ảnh: Minh Thư)
Đồng ý với quan điểm trên của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, chia sẻ với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay: Sắc thuế là công cụ cả thế giới sử dụng để điều tiết các hiện tượng và bình ổn mọi vấn đề của thị trường, của nền kinh tế. Rõ ràng đây là công cụ hiệu quả nhất mà thế giới đang sử dụng nhưng chúng ta lại chưa sử dụng.
Theo ông Đính, đất đai là tài nguyên phải được sử dụng đúng với nguồn lực, chức năng, quy hoạch của nó; đất có thể sử dụng đầu tư sản xuất nông nghiệp, trồng rừng hoặc làm đô thị, nhà ở... nhưng nếu không được sử dụng mà cứ găm giữ, để hoang hóa là lãng phí, không tạo ra giá trị mà chỉ có sinh lợi cho người giữ đất khi họ tìm mọi cách làm tăng giá đất.
“Sắc thuế sẽ điều tiết, dừng việc găm giữ, đầu cơ, thổi giá đất. Nếu đánh thuế cao thì hiện tượng lướt sóng, đầu cơ đất sẽ không con và sẽ không ai dám đầu tư vì mua xong bán luôn sẽ bị tính thuế nặng hơn. Đánh thuế sẽ triệt tiêu, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực của xã hội. Thuế sẽ trở thành công cụ điều tiết các hành vi sử dụng tài sản có lợi hay không có lợi cho xã hội”, ông Đính nói.
Ông Đính cũng cho rằng, khi không còn đầu cơ thì giá bất động sản sẽ không còn bị “đẩy giá”, “thổi giá”; thị trường sẽ trở về giá trị thực.
“Cầu của thị trường phải là cầu thật, không phải cầu ảo; nhưng nhiều nhóm chỉ mang tiền vào bất động sản để tìm cách sinh lợi, có lãi chứ không có nhu cầu sử dụng, các nhu cầu đó là nhu cầu ‘bong bóng’; mà thị trường muốn ổn định, bền vững phải là nhu cầu thật. Gạt bỏ những người đầu cơ đất sẽ càng tốt cho thị trường”, ông Đính cho biết thêm.
Ở góc nhìn khác từ nhà đầu tư, chia sẻ với PV Infonet, ông Trần Minh, chuyên gia tư vấn đầu tư bất động sản cá nhân cho hay, đầu tư và đầu cơ là khác nhau; do đó nếu đánh thuế sẽ giảm được hiện tượng ‘lướt sóng’, giảm đầu cơ; còn các nhà đầu tư gần như không ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo ông Minh, để ra được những quy định của luật thuế cần rất nhiều thời gian lấy ý kiến của các bộ, ngành khác nhau, của xã hội và Quốc hội thông qua... Hơn nữa, việc đánh thuế bất động sản bỏ hoang, đánh thuế mua nhà thứ 2, thứ 3... không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng nhưng thực tế ở nhiều nước đã cho thấy giá bất động sản cũng không giảm.
“Nếu ra được quy định luật thuế cũng khó giảm giá đất. Chỉ có thể giảm được hiện tượng ‘lướt sóng’, giảm đầu cơ; còn với những nhà đầu tư thì thường đầu tư với tầm nhìn dài hạn cũng gần như không ảnh hưởng. Những người đầu cơ, lướt sóng thường dựa vào thông tin, nên chỉ cần minh bạch thông tin về quy hoạch, về giá đất thì cũng sẽ không còn hiện tượng đầu cơ, lướt sóng”, ông Minh nói.
Theo quan điểm của ông Minh, việc đánh thuế nếu có áp dụng có thể sẽ giảm được hiện tượng ‘lướt sóng’, giảm đầu cơ còn giá bất động sản thì khó giảm.
Theo Infonet