Ngày 18/1, UBND TP.HCM ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 với 2 giai đoạn, trước hết tập trung cho phục hồi hoạt động sản xuất, ổn định đời sống của người dân, các giải pháp gắn kết vai trò, vị trí của thành phố với liên kết vùng, đặt trong tổng thể chung của cả nước.
Trong đó có nhiều giải pháp tận dụng nguồn lực của TP, một trong số này là việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất khu đô thị (KĐT) Thủ Thiêm.
Ảnh minh họa.
Cơ quan chức năng cũng tiếp tục thực hiện giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư, trong đó tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất KĐT Thủ Thiêm để thu về nguồn ngân sách cho TP.
Đồng thời triển khai chương trình hành động thu hút vốn trung dài hạn trong và ngoài nước thông qua dự án kêu gọi đầu tư, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, kết nối giữa trung tâm tài chính hiện hữu tại quận 1 và trung tâm tài chính đặt tại Thủ Thiêm.
TP.HCM cũng triển khai chương trình phát triển TP.Thủ Đức trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, là động lực tăng trưởng thật sự cho TP.
TP.HCM cũng sẽ tiếp tục trình Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2023 - 2026 trên cơ sở giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 21% như hiện nay hoặc tăng lên 23 - 25%.
Để thực hiện việc này, UBND TP.HCM giao Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM phối hợp với Sở Tài chính tính toán lại Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2026 - 2030 để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương và tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững.
Trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2021, tỷ lệ điều tiết ngân sách các khoản thu phân chia giữa TP.HCM với Trung ương là 18%. Tỷ lệ này được nhiều chuyên gia kinh tế, ĐBQH và lãnh đạo TP.HCM đánh giá là quá thấp, không đủ nguồn lực để thành phố đầu tư phát triển khi hàng loạt bất cập về hạ tầng ngày càng lộ rõ.
Trước đó, hôm 13/11/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022, trong đó đồng ý tăng tỷ lệ điều tiết để lại ngân sách cho TP.HCM lên 21% thay vì 18% như giai đoạn 2016 - 2021, tương ứng gần 6.000 tỷ đồng.
Năm 2021, TP.HCM thu ngân sách vượt mức dự toán, đạt hơn 381.531 tỷ đồng; trong đó thu nội địa đạt trên 263.823 tỷ đồng và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hơn 117.600 tỷ đồng. Năm 2022, Trung ương giao tổng thu ngân sách cho TP.HCM hơn 386.568 tỷ đồng, chiếm gần 25% tổng dự toán thu ngân sách cả nước.
Theo VTC News