Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Trước thông tin cử tri phản ánh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đang diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương, Bộ Xây dựng khẳng định thời gian tới sẽ xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý, xử lý không kịp thời, hoặc có hành vi dung túng, bao che cho hành vi vi phạm.
Ngoài ra, qua thanh tra, đánh giá tình hình xử lý vi phạm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Bộ Xây dựng sẽ chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.
Vi phạm về xây dựng còn phức tạp
Từ cuối tháng 7/2020 đến nay, Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã liên tiếp chuyển kiến nghị của cử tri các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, phản ánh công tác quản lý trật tự xây dựng tại nhiều địa phương đang bộc lộ bất cập, dẫn đến nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép gần hoàn thiện mới phát hiện.
Ngoài ra, việc phân lô, bán nền tràn lan cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Điều này khiến cử tri các tỉnh lo ngại sẽ làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai và phá vỡ quy hoạch phát triển của từng địa phương.
Chính vì thế, cử tri đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần có biện pháp mạnh để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm, tránh tình trạng “việc đã rồi.”
Trong phần trả lời cử tri bằng văn bản mới đây, Bộ Xây dựng cho hay thời gian vừa qua, công tác quản lý trật tự xây dựng đã từng bước đi vào nền nếp, trách nhiệm, ý thức công vụ của cán bộ, công chức cũng như ý thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại một số địa phương tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng còn diễn biến phức tạp, chưa được xử lý nghiêm túc, thiếu kiên quyết, dứt điểm, còn xảy ra tình trạng như cử tri đã phản ánh.
Đơn cử như vi phạm tại dự án Hinode City (201 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng làm chủ đầu tư. Mặc dù chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan chức năng, nhưng chủ đầu tư dự án Hinode City đã bàn giao, đưa nhà, công trình xây dựng vào sử dụng; thực hiện hành vi thi công, lắp đặt không đúng theo kế về phòng cháy chữa cháy.
Với các hành vi vi phạm trên, chủ đầu tư dự án Hinode City đã bị cơ quan chức năng xử phạt số tiền 103 triệu đồng; phải khắc phục vi phạm trong 30 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt vi phạm hành chính (từ ngày 24/6/2020)...
Tương tự, tại dự án Phương Đông Green Park (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư Phương Đông làm chủ đầu tư. Dự án này dù mới khởi công lại sau thời gian nằm “đắp chiếu” vì xây dựng không phép, nhưng gần đây lại tiếp tục xây dựng các khối nhà ở thấp tầng sai phép, sai thiết kế.
Với sai phạm trên, ngày 10/8/2020, Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư Phương Đông 40 triệu đồng và yêu cầu trong 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm, nếu chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm.
Xử lý nghiêm cán bộ bao che vi phạm
Trước thực trạng nêu trên, phía Bộ Xây dựng cho biết thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước thực thi nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng.
Đơn cử, ngày 27/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, trong đó quy định đối với hành vi vi phạm về trật tự xây dựng có thể bị phạt tiền đến 60 triệu đồng.
“Trường hợp hành vi vi phạm đã bị xử phạt theo quy định mà tái phạm thì có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng đối với dự án đầu tư xây dựng và bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm,” Bộ Xây dựng dẫn quy định.
Gần đây, trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tăng cường chấn chỉnh trong công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Trong đó yêu cầu “tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương.”
Trên tinh thần đó, phía Bộ Xây dựng khẳng định trong thời gian tới sẽ nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo; tập trung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, cấp phép, quản lý theo quy hoạch, giấy phép được cấp; xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm đối với vi phạm.
“Qua thanh tra phân tích, đánh giá tình hình xử lý vi phạm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định,” văn bản của Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng sẽ tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, cán bộ được giao quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn trong công tác kiểm tra, giám sát các công trình ngay từ giai đoạn khởi công đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.
Đặc biệt là xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý, xử lý không kịp thời, không triệt để hoặc có hành vi dung túng, bao che cho hành vi vi phạm.
Theo TTXVN