Giảm thuế, tăng ưu đãi cho doanh nghiệp xây nhà xã hội
Nên hiểu câu chuyện biến nhà thương mại thành nhà xã hội thế nào, thưa bộ trưởng?
Giải cứu thị trường bất động sản (BĐS) phải gắn việc thực hiện tháo gỡ khó khăn với thực hiện chiến lược nhà ở. Làm vậy vừa được trước mắt, vừa được lâu dài.
Nhà thương mại hiện nay cần phải cơ cấu lại dự án, theo hướng tăng cơ cấu nhà xã hội trong dự án. Thậm chí còn phải điều chỉnh quy mô căn hộ để phù hợp với nhu cầu nhiều người dân.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng. |
Chúng ta cần sản phẩm hướng tới người tiêu dùng, chứ không phải mình làm được gì thì làm. Phải biết túi tiền của người ta có bao nhiêu để hướng tới.
Người dân cũng cần được sở hữu và có nhà ở đủ tiêu chuẩn, đảm bảo cuộc sống chất lượng hơn, chứ không phải tiền tôi có ít thì chỉ được ở nơi xập xệ, ngược lại có tiền mới được ở đẹp. Điều này được nhấn mạnh trong chiến lược nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội-đây là loại nhà ở thị trường phi hàng hóa.
|
Biến nhà thương mại thành nhà xã hội là giải pháp trước mắt để tháo gỡ khó khăn cho người dân có nhà ở. Bên cạnh đó, do BĐS đang tồn kho nên giải quyết nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế vì BĐS liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất khác. |
|
Trong chiến lược nhà ở lần này, nhà xã hội đặc biệt được nhà nước quan tâm. Nhà ở xã hội hay nhà ở phi hàng hoá khác với nhà ở thương mại (nhà ở thị trường) ở chỗ: Cùng loại nhà như nhau, nhưng nhà xã hội rẻ tiền hơn do nhà nước hỗ trợ (không thu tiền sử dụng đất, ưu đãi tín dụng, có chính sách giảm thuế; người mua được vay với lãi suất ưu đãi trung dài hạn để mua hoặc thuê nhà; nhiều ưu đãi cho người dân mua nhà mà giá thấp hơn so với giá trị thực của người ngôi nhà).
Thị trường BĐS đóng băng có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do lệch pha cung-cầu. Nhà ở quy mô lớn cho người giàu thì quá nhiều, nhưng nhà cho người nghèo lại ít.
Để xử lý hàng tồn kho BĐS, một trong những giải pháp là cơ cấu lại căn hộ thương mại, như chia nhỏ căn hộ.
Bộ Xây dựng vừa đề nghị Thủ tướng xem xét một số ưu đãi mới với người mua nhà xã hội: Nới rộng điều kiện từ thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng lên dưới 9 triệu đồng/tháng, từ dưới 5m2/người lên 8m2/người; người mua được bán nhà sau 5 năm sử dụng; chủ đầu tư được kinh doanh theo giá thương mại 20% số nhà trong dự án để giảm giá nhà ở xã hội.
Vậy phải có cơ chế nào để tạo điều kiện cho nhà thương mại thành nhà xã hội, thưa ông?
Khuyến khích cho phép, nhưng không phải dự án nào cũng chuyển đổi sang nhà xã hội. Bộ Xây dựng vừa đề ra nhóm giải pháp về chính sách tài khoá và thuế lên Chính phủ và Quốc hội xin miễn, giảm thuế như sau:
Giảm 50% thuế VAT đầu ra với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà xã hội (đang là 10%, giảm xuống còn 5%); áp dụng thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất với thuế suất 10% (hiện là 25%); giảm 50% VAT đầu ra với căn hộ dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; gia hạn nộp VAT trong 12 tháng; nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán sản phẩm...
Như vậy, giá nhà sẽ rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân, nhà đầu tư sẽ có lợi, đồng thời giải quyết được hàng tồn kho. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành cũng ủng hộ giải pháp này.
Liệu có xảy ra chuyện hàng loạt nhà thương mại vì lợi nhuận ưu đãi nên đua nhau xin chuyển thành nhà xã hội?
Không dễ xảy ra chuyện này. Bởi các nhà đầu tư không mặn mà với việc chuyển đổi này vì nhà thương mại nếu tiêu thụ được thì lợi nhuận cao hơn nhiều, còn nhà xã hội do nhà nước kiểm soát giá thành và nhà đầu tư chỉ được hưởng lợi nhuận tối đa 10%.
Người nghèo bị phó mặc
Vậy dự kiến sẽ có bao nhiêu nhà thương mại thành nhà xã hội?
Cái này chưa cụ thể được do hiện mới khuyến khích. Có những doanh nghiệp mong muốn làm, nhưng cũng có doanh nghiệp chẳng mặn mà. Chưa kể nhà thương mại không phải cái nào cũng điều chỉnh được.
Ví dụ nhà cao tầng đầu tư căn hộ cao cấp không thể chuyển sang nhà xã hội được, vì chi phí dịch vụ quá lớn.
Một dự án nhà xã hội-niềm mơ ước của nhiều người nghèo. |
Đã có khảo sát về nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp ở các thành phố lớn chưa, thưa ông?
Khảo sát sơ bộ là rất lớn, riêng ở Hà Nội, khoảng 100 nghìn hộ có nhu cầu cải thiện nhà ở, TP.HCM còn lớn hơn nhiều, chưa nói công nhân tại các khu công nghiệp.
Hiện nay, bình quân nhà ở là 21m2/người ở đô thị. Nhưng chênh lệch về diện tích ở rất lớn, có những nhà rộng 15m2 3-4 người ở. Căn hộ nhỏ ở các nước cũng có rất nhiều. Người ta chỉ có mức tiền như thế nên mua được diện tích nhỏ, khi nào có đủ tiền lại đổi sang nhà lớn hơn.
Trước đây có nhiều ý kiến khác nhau về căn hộ 25m2 phù hợp túi tiền đa số người dân, vậy thực tiễn việc này thế nào?
Hiện nay, còn nhiều gia đình ở khu công nghiệp sống trong phòng trọ dưới 20 m2. Cho nên việc xây dựng thí điểm căn hộ 25m2 khép kín, đảm bảo chất lượng là đòi hỏi thực tế. Tuy nhiên, khi đầu tư xây dựng phải căn cứ nhu cầu thực tế để quyết định. Hiện nay, các doanh nghiệp cũng mong muốn được đầu tư căn hộ nhỏ.
Nhà xã hội tuy được hưởng nhiều ưu đãi nhưng giá lại cao hơn, quan điểm của ông ra sao?
Tôi có thể khẳng định với chất lượng như nhau, ở cùng địa điểm, cùng chiều cao, cùng điều kiện hạ tầng thì không thể có giá nhà thương mại thấp hơn nhà xã hội.
Nhà xã hội rẻ hơn vì nhà xã hội không phải nộp tiền sử dụng đất, được ưu tiên tín dụng, ưu tiên thuế nếu như sắp tới có chính sách thuế. Đâu đó có doanh nghiệp làm nhà thương mại bán rẻ hơn nhà xã hội chắc chắn sẽ bị lỗ.
Có trường hợp nhà xã hội được bán cho cán bộ có tiền (khu Việt Hưng-Long Biên-Hà Nội), như thế có phải bị sử dụng sai mục đích?
Cái đó cần phê phán, chính quyền địa phương bán theo tiêu chuẩn thế nào. Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Nhà xã hội phải bán đúng đối tượng. Điều này không phải phổ biến, cần lên án nhưng không phải vì thế mà ta không làm nhà xã hội.
Nhà xã hội nhiều lên, sẽ không có tình trạng này. Nếu ta cung cấp đủ sẽ không có hiện tượng đem nhà xã hội sử dụng sai mục đích, trong khi người nghèo trầy trật với chỗ ở. Phải tăng cường quản lý, tăng cường hậu kiểm và lưu ý tới những phát hiện của người dân để xử lý những trường hợp trên.
Bộ trưởng dự báo thị trường BĐS năm 2013 thế nào?
Sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng từng bước ấm dần lên. Hiện, không ngành nào có thể làm một mình được. Không chỉ có Chính phủ hay Bộ Tài chính, Ngân hàng, Bộ Xây dựng, mà cần cả sự vào cuộc của Quốc hội, sự quyết liệt các địa phương…
Bộ trưởng làm thế nào để tránh lợi ích nhóm khi triển khai những giải pháp nói trên?
Để tránh lợi ích nhóm phải khắc phục bằng cách công khai, minh bạch trên cơ sở xây dựng chính sách, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát của xã hội và cơ quan chức năng và có chế tài xử nghiêm những trường hợp vi phạm.
Cám ơn ông!
Theo Tiền Phong