Lâm vào cảnh chợ chiều với hàng tồn kho nhiều, chi phí vốn cao, sức mua kém nên với nhiều công ty địa ốc, thưởng Tết gần như là xa xỉ.
Chủ tịch HĐQT một công ty địa ốc đang tồn kho hàng nghìn tỷ đồng chia sẻ với PV: "Tôi chạy lương từng tháng đã quá mệt mỏi nên chưa dám nghĩ đến chuyện thưởng Tết. Bây giờ đi bước nào tính bước đó. Năm nay mức thưởng chắc chắn sẽ thấp hơn so với 3 cái Tết trở lại đây".
Vị lãnh đạo này tiết lộ, hiện doanh nghiệp có một số công ty con đang rất khó khăn, đứng bên bờ vực phá sản nếu xoay sở không xong các vướng mắc pháp lý và những khoản nợ. Doanh nghiệp bất động sản này thậm chí dựa hẳn vào nguồn thu từ ngành nghề tay trái, chủ yếu là thủy điện để trả lương nhân viên vì doanh số bán nhà xuống rất thấp.
"Năm 2012 đã quá nhọc nhằn rồi nhưng chẳng được nghỉ ngơi. Phải xoay sở vượt qua năm 2013 nữa thì mới mong có cơ hội sống sót", lãnh đạo công ty bất động sản này bi quan.
Thị trường bất động sản ngắc ngoải khiến thưởng Tết ngành này cũng èo uột. |
Trong khi đó, Giám đốc Công ty Lê Thành, Lê Hữu Nghĩa tiết lộ, thưởng Tết năm nay của doanh nghiệp giảm 50% so với năm ngoái và thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Ông Nghĩa giải thích, lý do mức thưởng thấp vì doanh thu năm 2012 của Lê Thành giảm 50%. Ông Nghĩa dự kiến năm 2013 bất động sản cũng chưa thể kỳ vọng có lợi nhuận, nhiều khả năng khó khăn sẽ kéo dài. Dù doanh thu sụt giảm nhưng công ty vẫn duy trì thưởng Tết để chăm lo đời sống nhân viên, bảo toàn lực lượng.
"Người lao động làm 12 tháng trời, cuối năm phải ăn Tết, không có tiền thưởng họ biết trông cậy vào đâu? Lo thưởng cho 500 nhân viên trong thời điểm này là một sức ép lớn nhưng doanh nghiệp buộc phải gồng gánh", ông nói.
Với ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, dù may mắn bán được hàng nhưng thưởng Tết cũng chẳng khả quan. "Dự án đã bán được 90% sản phẩm và nhiều khách hàng đã nộp đủ tiền, vào nhận nhà. Thế nhưng 2 năm qua lãi suất cao, chi phí tài chính quá lớn khiến doanh nghiệp mất sức nên vẫn vô cùng khó khăn", ông bộc bạch.
Ông Đực tiết lộ, công ty phải thu tiền chỗ này để đắp vào chỗ kia. Khách còn nợ tiền sẽ phải nhận nhà chậm, người đóng đủ tiền được bàn giao nhà trước. Lấy khoản thu của người này bù vào các khoản thiếu hụt của người kia, doanh nghiệp phải căng sức mới hoàn thành dự án. "Vì vậy, bán hàng xong rất mệt mỏi, chúng tôi chỉ có thể thưởng 1 tháng lương cho nhân viên ăn Tết. Đã 2 năm rồi chỉ có thể duy trì ở mức khiêm tốn này, đành phải liệu cơm gắp mắm vậy", ông Đực nói.
Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn nên chưa thể hoàn thiện dự án, không kịp bàn giao nhà càng làm ứ đọng nhiều vốn trong công trình dở dang. |
Tổng giám đốc Công ty địa ốc chuyên phân phối đất nền tại Long An và Đồng Nai chia sẻ: "Năm ngoái còn có thể lo thưởng rình rang vài tháng thu nhập cho nhân viên nhưng năm nay phải cắt giảm nhiều. Thị trường khó khăn, tồn tại được đã quá vất vả nên chỉ có thể cố được tháng lương thứ 13".
Lãnh đạo công ty này cho hay, để bán được hàng, doanh nghiệp phải huy động thêm lực lượng, tăng 40% so với năm ngoái. Chi phí nhân sự tăng hơn 35% đã nuốt đi không ít lợi nhuận. Thêm vào đó, lợi nhuận thu về phải chia cho số đông nên anh em không được thưởng nhiều.
Tuy nhiên, không phải công ty địa ốc nào cũng chật vật lo thưởng Tết. Vẫn có doanh nghiệp dự trù dành tiền tỷ để thưởng cho nhân viên sau một năm bội thu.
Bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Kim Oanh cho biết, tính đến quý III/2012, doanh nghiệp đã bán 8 dự án với gần 3.000 sản phẩm đất nền giá vài trăm triệu đồng. Vì doanh số và lợi nhuận tăng lên so với năm ngoái nên năm nay chia thưởng khá hơn.
"Chúng tôi dự trù trích 5-7 tỷ đồng lo thưởng Tết cho nhân viên để khích lệ tinh thần anh em và giữ lửa cho đội ngũ quản lý, bán hàng. Người có đóng góp nhiều sẽ nhận được mức thưởng và đãi ngộ tốt hơn năm ngoái", bà Oanh cho hay.
Theo VnExpress