Cảnh báo hiện tượng “lách luật” để vay ưu đãi

Thứ ba, 16/07/2013, 14:03
Gói kích cầu 30 nghìn tỉ đồng có hiệu lực từ 1/6/2013, song theo tổng hợp của các công ty môi giới bất động sản, chỉ một số ít chủ đầu tư và người dân có nhu cầu có thể tiếp cận với nguồn vốn này do thủ tục rất phức tạp. Thậm chí, còn có tin đồn, phải là doanh nghiệp “thân cận” với cơ quan hữu quan mới có thể vay được tiền từ gói này.

Thông tin phải minh bạch

Trả lời cho câu hỏi này, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, Bộ đã đề xuất danh mục đợt đầu gồm 30 dự án xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) và dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang NƠXH để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại cổ phần xem xét, cho vay vốn từ gói 30 nghìn tỷ đồng.

Trong số đó, có 15 dự án đầu tư xây dựng NƠXH đã đăng ký vay vốn đầu tư trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 02; 12 dự án đăng ký vay vốn sau khi có Nghị quyết 02 và 3 dự án chuyển đổi công năng sang NƠXH. Bộ Xây dựng phân trần: “Trong danh sách các dự án được Bộ xây dựng đề xuất vay vốn đợt đầu, chỉ có 4 dự án của DN Nhà nước, còn lại là các dự án của các DN tư nhân, DN cổ phần...”

bất động sản

Nhà ở xã hội còn ít nên khối lượng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng vẫn thấp.

Đại diện NHNN cho biết, đây là chính sách hướng tới người dân, hỗ trợ lãi suất thấp nên nhiều người quan tâm. Vì thế, tất cả đều cần thông tin minh bạch, rõ ràng.

Dự kiến, chương trình sẽ giải ngân trong 3 năm nên trong giai đoạn đầu người dân nên tìm hiểu kỹ, chuẩn bị hồ sơ, lựa chọn ngân hàng để làm thủ tục xin vay...

Đại diện một doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi cho biết, đây là lần đầu tiên các hộ gia đình được hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi để mua nhà. Nếu khách hàng hấp thụ hết gói hỗ trợ này, thị trường bất động sản sẽ ấm lên, tạo ra việc làm mới và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng...

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng là một chương trình dài hạn, hướng tới số đông người dân có thu nhập thấp, trung bình và có nhu cầu thực về nhà ở. Nếu nhìn vào nhu cầu NƠXH, so sánh với gói 30.000 tỷ đồng thì rõ ràng gói hỗ trợ tín dụng là nhỏ. Tuy nhiên, sức lan tỏa của gói hỗ trợ sẽ không chỉ dừng lại ở 30.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói: “Vốn cho  doanh nghiệp và người dân vay sẽ là vốn mồi để hấp dẫn các nguồn lực đối ứng của doanh nghiệp hay đang tiềm ẩn của người dân. Ngoài 5 ngân hàng tham gia vào gói hỗ trợ, các ngân hàng thương mại cũng phải cạnh tranh, hạ lãi suất, các doanh nghiệp xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng cũng sẽ ứng vốn và hàng hóa vào các dự án”.

Ngăn chặn gian lận

Khẳng định việc xây NƠXH sẽ phải kéo dài nhiều năm, với những chính sách phù hợp để giải quyết từng bước, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói: “Chúng ta không hy vọng với quy mô gói 30.000 tỷ đồng sẽ đáp ứng hoàn toàn nhu cầu NƠXH cho người dân mà chỉ để tạo cú hích ban đầu, còn lâu dài phải kết hợp các nguồn lực của Nhà nước, DN, người dân”.

Trước ý kiến lo ngại về việc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ chủ yếu rơi vào túi DN thay vì ưu tiên cho người dân vay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, phát triển NƠXH không có lợi nhuận cao nên không phải DN nào cũng mặn mà, cần phải động viên, hỗ trợ họ tham gia.

Ông trấn an: “Nếu DN được vay nhiều thì cũng không thể quá 30% trong gói tín dụng. Đây là gói tín dụng cho vay trung hạn, không phải đưa ra là làm ngay, phải có NƠXH rồi người dân mới mua, mới cho người dân vay, hoặc có nhà thương mại dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 nhiều lên thì mới có nhiều người vay, mua nhà. Hiện nay, khối lượng nhà còn ít nên chưa thể giải ngân được ngay”.

Bộ trưởng khẳng định, mục tiêu là phải đến đúng người tiêu dùng, đúng người dân khó khăn về nhà ở. Nếu giải ngân được nhiều nhưng chệch đối tượng thì không đạt được mục tiêu đề ra. Ở đây, ngân hàng phải chịu trách nhiệm chính, cho vay phải bảo toàn vốn nên họ cũng có điều kiện để quản lý chặt nguồn tín dụng này.

Trước câu hỏi về hiện tượng “lách luật” để hưởng lợi từ chính sách, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói: “Bộ Xây dựng có nghe những thông tin như vậy và đang phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra. Chúng ta không thể để xảy ra tình trạng lợi dụng gói 30.000 tỷ đồng để làm lợi cho cá nhân hay một bộ phận nào. Quan điểm của tôi là gói tín dụng này phải đến đúng đối tượng. Ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Việc xử lý những vi phạm, nếu có, sẽ theo quy định của pháp luật”.

Theo ANTĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích