Thủ tướng yêu cầu thu hồi đất sai mục đích của các “ông lớn”

Thứ bảy, 03/08/2013, 08:15
Các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước phải tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, vốn, tài sản và lao động tại các doanh nghiệp nhà nước.

Đó là nội dung đáng chú ý trong chỉ thị vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 29/7.

Theo đánh giá của Thủ tướng, các doanh nghiệp nhà nước hiện đang quản lý, khai thác và sử dụng nhiều tài nguyên, vốn, tài sản thuộc sở hữu Nhà nước.

Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp, việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên còn lãng phí, chưa tiết kiệm nhất là tài nguyên đất đai, khoáng sản; tình trạng nợ nần với hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng cao; đầu tư ra ngoài ngành còn lớn nhưng tình hình thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang gặp rất nhiều khó khăn; việc tuyển chọn, sử dụng lao động, bố trí cán bộ quản lý còn bất cập; trả lương, thưởng chưa gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

thu hoi du an
Nhiều khu đất thuộc quản lý của các doanh nghiệp nhà nước để hoang nhiều năm nay.

Với thực tế, đó, nhằm tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, vốn, tài sản và lao động tại doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước rà soát tình hình sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước để xác định và kịp thời xử lý những bộ phận, đơn vị đang sử dụng lãng phí, không tiết kiệm.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cương quyết xử lý, thu hồi các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định pháp luật; sử dụng đất sai quy hoạch, lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và đất lấn chiếm trái quy định của các doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép và quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản; đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản của các doanh nghiệp gây lãng phí hoặc không bảo đảm đúng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó là phải cắt giảm, loại bỏ các dự án kém hiệu quả, không cần thiết

Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp rà soát các quyết định đầu tư, góp vốn mở rộng kinh doanh phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp; không đầu tư dàn trải gây lãng phí, thất thoát vốn của nhà nước.

Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp và lộ trình để khẩn trương thoái vốn đã đầu tư vào các ngành nghề không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư của các chủ đầu tư và công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng đối với các dự án đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện nghiêm túc công tác công khai việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước như: công khai các định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã ban hành; công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính được giao; công khai việc mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công; công khai quy hoạch, kế hoạch, danh mục các dự án đầu tư, nguồn vốn đầu tư.

Một nội dung quan trọng trong chỉ thị của Thủ tướng là yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế, tiêu chuẩn về tuyển dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ trong doanh nghiệp; rà soát, sắp xếp lại cơ cấu cán bộ quản lý, chủ chốt trong doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm gọn nhẹ, có hiệu lực, hiệu quả và đúng số lượng theo quy định.

Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo công khai, dân chủ theo đúng quy định của Nhà nước về tuyển dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ; chỉ tuyển dụng thêm lao động, bổ nhiệm cán bộ khi thực sự có nhu cầu.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý kỷ luật, miễn nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đối với những cán bộ, lao động có hành vi không tiết kiệm, gây lãng phí; kiên quyết xử lý các trường hợp trả lương, thưởng không đúng đối tượng, không gắn với năng suất lao động và kết quả sản xuất kinh doanh.

Theo Vneconomy

Các tin cũ hơn