Bản báo cáo đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư và giới truyền thông Việt Nam vì có 2 doanh nghiệp lớn đã được điểm mặt trong báo cáo là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Theo báo cáo, hoạt động đầu tư của 2 công ty này đang phá hủy môi trường cũng như xâm hại đến người dân địa phương.
Vài ngày sau khi báo cáo được tung ra, giá cổ phiếu của HAGL và Công ty Cao su Đồng Phú, một công ty thành viên của VRG, đã giảm xuống. Điều này cho thấy nhà đầu tư lo ngại trước triển vọng của 2 công ty này.
Từ sau câu chuyện của HAGL và VRG, Global Witness đã có bài viết gửi đến NCĐT, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư có trách nhiệm. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, việc đầu tư có trách nhiệm, có cân nhắc đến tác động môi trường và xã hội càng trở nên quan trọng. Vì nếu không, cái họ mất không chỉ là tiền bạc, danh tiếng mà còn là cơ hội tiếp cận các thị trường vốn quốc tế.
Nhiều cây gỗ ở Lào đã ngã xuống, nhường đất cho cao su. |
Hiện nay, chính phủ ở nhiều nước đang phát triển đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực đất đai mà không đánh giá đầy đủ các rủi ro về môi trường và xã hội. Trong khi việc này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển ổn định không chỉ của quốc gia đó mà còn của cả thế giới.
Đầu tư vào đất đai trên toàn thế giới đã tăng mạnh kể từ năm 2000 và hiện ước tính tổng cộng lên tới 67,5 triệu ha. Những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các hoạt động đầu tư này thường là những nước nghèo dưới mức trung bình. Luật pháp tại các nước này lại chưa rõ ràng về quyền sở hữu đất và 24% trong tổng số các giao dịch về đất đai là rơi vào những vùng có rừng.
Đất lại là một lĩnh vực thiếu sự giám sát và quản lý chặt chẽ của chính phủ. Mặc dù việc đầu tư vào nông nghiệp tại châu Á và châu Phi thường được khuyến khích (vì có thể giúp một quốc gia xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ phát triển kinh tế) nhưng thực tế các mô hình hiện tại chưa khai thác tối đa những cơ hội mang lại. Và việc thành lập, điều hành các đồn điền lớn thường gặp khó khăn do không lường được tính chất phức tạp của nó.
Chuyển nhượng đất đai ở Campuchia và Lào là những ví dụ điển hình cho thấy các khoản đầu tư đang ngày càng gây ra căng thẳng và bất ổn xã hội, thường là do thiếu tính minh bạch và chưa rõ ràng về quyền sở hữu, sử dụng đất đai.
Ngoài tác động tiêu cực về xã hội và môi trường, các hoạt động đầu tư như vậy mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, các hợp đồng chuyển nhượng đất đã ký hoàn toàn có thể trở thành vô hiệu lực. Trong năm 2012, đã có 4 hợp đồng chuyển nhượng đất tại rừng Prey Lang của Campuchia đã bị chính phủ nước này hủy bỏ do vấp phải sự phản đối của người dân.
Global Witness cũng chứng kiến một trường hợp khác đang diễn ra tại nơi này. Theo đó, một công ty nước ngoài đã đề nghị bồi thường 1,5 triệu USD cho 250 hộ dân nằm trong 300 ha, tương đương 5.000 USD/ha. Một ví dụ nữa là ở Tanzania. Cụ thể, một công ty Anh bị yêu cầu bồi thường cho cư dân địa phương gần 350.000 USD vì lấy đất làng.
Trong khi đó, vào tháng 12/2012, một báo cáo ước tính chi phí điều hành trung bình trên toàn cầu của một khoản đầu tư 3 năm với trị giá 10 triệu USD có thể gấp tới 29 lần so với mức bình thường nếu dự án đó buộc phải dừng do người dân địa phương phản đối.
Do đó, tại những quốc gia có cơ chế điều hành và khung pháp lý chưa hoàn thiện như Lào, Campuchia và Myanmar, các công ty cần phải chuẩn bị kỹ để tránh những rủi ro như trên. Ngoài việc tuân thủ luật pháp nước sở tại, doanh nghiệp nên làm cho nhà đầu tư yên tâm bằng cách thực hiện các quy trình kiểm tra, thẩm định, đánh giá đối với việc quản lý đất đai. Điều này không chỉ cho thấy dự án của họ có thể mang lại lợi ích cho địa phương và quốc gia mà họ đầu tư. Điều quan trọng hơn là cho thấy doanh nghiệp tuân thủ nguyên tắc không gây hại.
Đối với những công ty đầu tư vào lĩnh vực có rủi ro cao như đất đai, có thể tham khảo những bộ nguyên tắc quốc tế để giúp họ có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Chẳng hạn, bộ nguyên tắc hướng dẫn về quyền của con người và doanh nghiệp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Hay bộ hướng dẫn tự nguyện về quản lý có trách nhiệm đối với việc sở hữu đất, ngư trường và rừng được Ủy ban An ninh Lương thực thế giới áp dụng.
Tựu trung, các bộ nguyên tắc này nhấn mạnh 3 điều quan trọng khi doanh nghiệp đầu tư ra nuớc ngoài.
Thứ nhất, phải đảm bảo việc ra các quyết định liên quan đến đất đai phải cụ thể, rõ ràng, minh bạch và có trách nhiệm. Nhiều bằng chứng cho thấy các công ty hưởng lợi rất lớn từ việc nâng cao tính minh bạch và có tham khảo ý kiến của công chúng trong suốt giai đoạn đầu tư. Hoạt động minh bạch cũng giúp doanh nghiệp tránh được những chỉ trích từ dư luận mà có thể ảnh hưởng đến hình ảnh và danh tiếng của doanh nghiệp, khiến cho những cuộc thương thảo đầu tư trong tương lai và thu hút tài trợ cho dự án gặp nhiều khó khăn hơn.
Thứ hai, cần lường trước những tác động về môi trường và xã hội bằng việc thực hiện bản đánh giá tác động dựa theo những tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ ba, phải có được sự đồng tình ủng hộ của cư dân địa phương trong việc phát triển dự án trên đất của họ. Một sai lầm mà các nhà phát triển dự án thường mắc phải là cứ cho rằng họ biết điều gì mà người dân địa phương cần. Người dân trong khu vực phát triển dự án cần được cung cấp đầy đủ thông tin để có thể đưa ra các quyết định chính xác liên quan đến quyền lợi của họ.
Trung Quốc là một ví dụ. Doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng bành trướng đầu tư ra nước ngoài. Vì thế, để tránh những rủi ro như trên, Chính phủ Trung Quốc gần đây đã ban hành bộ nguyên tắc hướng dẫn về hợp tác và bảo vệ môi trường. Từ trước đến nay, đây là bộ tiêu chuẩn đầu tiên được tung ra để các doanh nghiệp Trung Quốc dựa vào đó mà hành xử khi làm ăn ở nước ngoài.
Quay trở lại với câu chuyện HAGL và VRG. Sau khi báo cáo “Các ông trùm cao su” được công bố, VRG và HAGL đều đồng ý đánh giá lại tình hình môi trường xã hội liên quan đến các đồn điền của họ tại Campuchia và Lào, sau đó báo cáo lại với Global Witness và cùng tiếp tục làm việc với nhau. HAGL và VRG đang thực hiện các giải pháp để tránh những tác động tiêu cực về môi trường và xã hội.
Theo NCĐT