Tại một quán nhậu ven đường, một đứa trẻ khoảng 7-8 tuổi đang nhẫn nại đứng trước mặt khách, chìa ra bịch kẹo cao su và khăn giấy, năn nỉ khách mua giùm. Đứa trẻ còi cọc còn địu thêm một đứa bé khoảng 3 tháng tuổi đang nhắm nghiền mắt mê man ngủ. Trước hình ảnh ấy, nhiều vị khách đã móc hầu bao dù họ không có nhu cầu mua đồ.
Ảnh minh họa
"Đầu tư" vào lòng trắc ẩn
Hình ảnh như hai đứa trẻ như trên, không còn hiếm và không mấy mới mẻ đối với một thành phố rộng lớn như TP.HCM. Dường như, người lớn quá mệt mỏi trong bài toán quẩn quanh mấy chữ cơm áo gạo tiền nên đành bấm bụng cho đám con nít ăn chưa no, lo chưa tới lao vào tính thay.
Không hiếm những ông bố bà mẹ chăn dắt chính con ruột của mình vào guồng quay kiếm sống. Bên cạnh đó, nhiều kẻ chây lười không muốn lao động cũng sáng suốt nhận ra, không gì bằng cách "đầu tư" vào lòng trắc ẩn.
Một giỏ đầy vài chục bao kẹo cao su và hơn chục gói khăn giấy nhỏ chưa đến 50.000 đồng, nhưng mỗi đêm thu về cho những kẻ chăn dắt ít nhất 200.000 đồng. Nếu khách mua hàng thì bọn trẻ bán với giá đã được căn dặn kĩ lưỡng, gấp đôi, gấp ba giá thị trường.
Hòa vào những vị khách đi ăn lẩu trên đường Dương Tử Giang, quận 5, TP.HCM, chúng tôi có dịp trải nghiệm cảm giác đối diện mấy đứa trẻ được chăn dắt bán hàng rong ở đây. Dù rất tỉnh táo và thừa biết những mánh khóe mà mấy đứa trẻ được người chăn dắt xúi bảo, nhưng chúng tôi cũng đành cắn răng mua một bao kẹo cao su với giá 8.000 đồng.
Tôi định hỏi han đứa bé vài câu nhưng nó vội vã nhìn ra ngoài đường với ánh mặt sợ sệt. Chưa kịp trả lời câu nào, đứa bé lách thật nhanh vào sâu trong quán và tiếp tục mời khách mua hàng.
Ở bên ngoài, một người phụ nữ đứng khoanh tay đang quan sát chúng. Dù cố nghiêng ngó chỗ này chỗ khác để mọi người khỏi chú ý nhưng người phụ nữ ấy vẫn không giấu được ánh mắt đay nghiến khi thấy đứa nhỏ ngồi nghỉ. Quệt tay lau mồ hôi, sắp xếp lại hàng theo kiểu cách mà mấy đứa con nít chơi đồ hàng, thằng bé không quên sờ soạng khắp người đứa em vì thấy em chẳng hề động đậy dù tiếng ồn trong quán át cả tiếng xe.
Dọc theo các quán ăn, quán nhậu trên đường Dương Tử Giang, Phạm Hùng, Thành Thái, khu vực hồ Con Rùa đâu đâu cũng thấy mấy đứa bé con tay khệ nệ hàng rong, vai vác theo đứa em nhỏ. Đứa bán kẹo cao su, khăn giấy, đứa bán hoa, đứa bán cóc, ổi, trứng cút. Đứa có người già dẫn, đứa tự đi, đứa phải bồng bế theo đứa em nhỏ. Nhưng tất thảy, đứa nào cũng có người chăn dắt đứng ngoài xa chờ gom từng đồng bạc mà mấy đứa nhỏ vừa lấy sự ngây thơ đổi lấy từ lòng trắc ẩn của người đời.
Tiền người lớn được, tủi nhục trẻ con mang
Khi những quán nhậu dọc theo kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè mọc lên ngày càng nhiều, trẻ em được chăn dắt về đây bán hàng ngày cũng càng đông. Bán hàng cho những vị khách có hơi men thì cực khổ vô cùng, người dễ tính mua mau lẹ còn người khó chịu lên tiếng chửi bới, ngoa nguýt mấy lời khó nghe.
Bé Tâm, bán hàng rong thường xuyên ở quán Mười Trí trên bờ kè kênh Nhiêu Lộc, e dè kể tôi nghe: "Đôi khi con đến mời mua hàng, người ta sợ con ăn cắp đồ, vội vã thu vén đồ đạc, mò mẫm lại xem còn ví không. Lúc đó, con chỉ muốn chạy đi thật nhanh nhưng trông ra thấy bà ta khoanh tay đứng nhìn thì con lại cắn răng mời khách mua trứng cút, mua xoài".
Tôi đưa ly nước ngọt cho bé Tâm uống vội, như chỉ chờ có thế, nước mắt bé đã ngấn nơi đuôi mắt, Tâm thỏ thẻ: "Đi bán, con đói bụng lấy một hai cái trứng cút ăn cũng bị la bị đánh, lén lấy xoài ăn thì xót ruột suốt cả buổi, đêm về không ngủ được". Thức khuya bán hàng, dầm sương dãi nắng là chuyện đứa trẻ bán hàng rong nào cũng phải chịu đựng, khác chăng là chúng đi làm vì ai.
Mấy nhân viên quán lẩu 80 trên đường Dương Tử Giang ai cũng biết hoàn cảnh của cậu nhóc bế theo đứa em mấy tháng tuổi bán hàng rong.
Chị N., nhân viên quán nói: "Cái bà đứng ngoài đường trông chừng nó là mẹ ruột đó. Có hôm cha nó chở xe đạp tới, bỏ nó ở đó rồi đi nhậu, hôm nào mẹ trông thì nó phải bán hàng đàng hoàng hơn. Ở quán, ai cũng biết và thương nó, nhưng cho tiền mãi thì không biết lấy đâu cho đủ, nên thôi thoải mái cho nó bán hàng ở đây".
Không phải đứa trẻ bán hàng rong nào cũng may mắn được cha mẹ chăn dắt, phần đông những trẻ này bị chăn dắt bởi những người chuyên dắt trẻ ở quê lên hay thu nhặt vài đứa trẻ lang thang ngoài đường về. Những người này cho bọn trẻ ăn vài bữa ngon, rồi sau đó là chuỗi ngày tháng lao động khổ sai để "đền đáp ơn nghĩa".
Đang nói chuyện với chị nhân viên, chúng tôi thấy một đứa trẻ khệ nệ bế thêm đứa em đứng mời mọc người phụ nữ sang trọng mua khăn giấy. Người phụ nữ này đi cùng chồng và đứa con gái khoảng 6 tuổi, bà này tỏ vẻ khó chịu và lấy tay xua bọn trẻ đi. Nhưng chúng vẫn cố lì lợm mời mọc. Bực tức, người phụ nữ lớn tiếng: "Cô không mua mấy đứa đi đi, mấy đứa đứng đây làm em nó khó chịu và rủi mấy đứa lây bệnh cho con gái cô nữa thì biết bắt đền ai".
Mấy đứa trẻ quay mặt đi, người phụ nữ quay sang vỗ về con gái. Có lẽ nước mắt sẽ không rơi, vì mấy đứa trẻ này đã quá quen với cảnh bị người khác rẻ rúng nhưng chắc bọn trẻ đang ước gì mình là con gái của người phụ nữ này. Dù bà hơi cay nghiệt nhưng cũng chỉ để bảo vệ con gái mình, cái cảm giác mà mấy đứa nhỏ này chưa bao giờ có được.
Theo Người đưa tin