Giết con vì bị trầm cảm sau sinh

Thứ ba, 08/05/2012, 09:04
Bị trầm cảm sau sinh, một bà mẹ lén giết con mình. Những triệu chứng mệt mỏi, buồn chán, cáu gắt sau khi sinh rất dễ trở thành rối loạn tinh thần dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được gia đình chia sẻ.


Vũ Thị Gái phải nhận án 15 năm tù giam sau khi tước đi mạng sống của con gái
 

Nhiều sản phụ sau khi “vượt cạn” thường bị rơi vào trạng thái thoắt vui, thoắt buồn, hay lo âu, mệt mỏi, dễ xúc động. Đây là biểu hiện sớm của chứng trầm cảm sau sinh. Nếu gia đình không kịp thời phát hiện, điều trị, hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng...

Đau đớn bi kịch giết con

Sau một lần sảy thai, niềm vui cũng đến với vợ chồng chị Chu Thị Huệ và anh Chu Đình Hiệp (SN 1978, ở Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội) khi chị Huệ sinh cháu Chu Đình Hoàng vào tháng 10/2011. Thế nhưng đó cũng là lúc chị Huệ có những triệu chứng tâm lý bất ổn: Chỉ ngồi câm lặng một chỗ, ánh mắt vô hồn, không làm việc gì, thỉnh thoảng lại gào thét, đập phá đồ đạc.

Cháu Hoàng từ khi sinh cũng không được mẹ cho bú một giọt sữa. Thậm chí, chị Huệ đã hai lần lấy dây điện thắt vào cổ con trai của mình nhưng may bố mẹ chồng kịp thời phát hiện và ngăn cản. Thấy biểu hiện bệnh của con dâu ngày nặng hơn, gia đình đưa đến bệnh viện khám. Sau khi theo dõi triệu chứng và khám thần kinh, bác sĩ đã kết luận chị Huệ đang lâm vào hội chứng trầm cảm sau khi sinh và do không điều trị kịp thời đã dẫn đến chứng loạn tinh thần sau sinh.

Các bác sĩ nói chị Huệ có thể bình phục nhưng phải mất một thời gian dài điều trị bằng thuốc kết hợp phương pháp tâm lý. Mặc dù bác sĩ khuyên vậy, nhưng gia đình chị Huệ vẫn quyết định đưa con dâu về nhà sau một tuần điều trị để rồi nhận kết cục bi thảm.

Ngày 16/3 vừa qua, trong lúc nửa đêm, Huệ đã lén bế con trai của mình ra hiên nhà và sát hại em bé. Nghe tiếng kêu ré của con, anh Hiệp vội vàng tỉnh giấc, chạy ra hiên nhà thì kinh hoàng khi thấy thảm cảnh. Gia đình vội đưa em bé đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, cháu đã tử vong ngay sau đó.

Trước đó, chị Vũ Thị Gái (SN 1982, Chương Mỹ, Hà Nội) cũng xuống tay với con vì stress sau sinh. Chỉ vì muốn được nghỉ ngơi yên tĩnh sau khi sinh con nhưng chồng và mẹ chồng lại "ngứa mắt" khi thấy chị Gái nằm bẹp nên bắt chị dậy làm việc nhà. Trong lúc cạn nghĩ, chị Gái muốn tự tử và quyết định đưa con đi cùng.

Chị Gái đã dùng dao đâm 7 nhát vào con gái rồi tự đâm mình 3 nhát. Đau đớn thay, chỉ có đứa con vô tội chết. Chị Gái vẫn sống và phải chịu mức án 15 năm tù giam cho hành vi giết con của mình.

Rất nhiều bà mẹ bị trầm cảm sau sinh, tuy chưa đến mức tước đoạt mạng sống của con nhưng lại không cho con bú và cáu gắt một cách vô cớ như trường hợp của chị Nguyễn Minh Tâm, 29 tuổi (Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội).

Sau khi sinh được 2 tuần, chị Tâm thường thấy buồn, chán, không muốn nói chuyện, tiếp xúc với ai. Không chỉ không ôm ấp, bế ẵm con, cáu gắt vô cớ mà chị còn quyết không cho con bú, dù em bé khóc lạc cả giọng. Thấy vợ có biểu hiện không bình thường, gia đình bèn ép chị Tâm đến bệnh viện khám, bác sĩ kết luận chị bị trầm cảm sau sinh. Sau khi điều trị, chị Tâm đã vui vẻ cho con bú trở lại khi em bé được 5 tháng tuổi.

Khó kiểm soát hành vi khi trầm cảm

Theo TS. Ngô Thanh Hồi - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), một số sản phụ sau sinh thường có những biểu hiện chợt vui, chợt buồn hoặc tự nhiên khóc không lý do, lo âu, dễ bị kích thích, khó tập trung… Hiện tượng này thường xuất hiện từ ngày thứ 3 - 6 sau sinh, được gọi là “cơn buồn thoáng qua sau sinh” và được xem là một phản ứng bình thường. Nhưng nếu tình trạng trên kéo dài hơn 10 ngày hoặc các triệu chứng ngày càng nặng hơn thì có thể bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm sau sinh.

Theo TS. Ngô Thanh Hồi, nguyên nhân là do sau sinh sản phụ không biết cách chăm sóc con, ít được người thân giúp đỡ trong việc chăm sóc bản thân và em bé...

Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương đã từng tiếp nhận trường hợp trầm cảm sau sinh kèm hoang tưởng. Người mẹ nghĩ rằng con mình bị ma quỷ nhập vào, con mình chắc chắn sẽ có số phận bi thảm nên đã có những hành động làm hại con. Trường hợp bị trầm cảm được người thân phát hiện kịp thời thì dễ trị liệu, nhưng trong nhiều trường hợp, người bị trầm cảm cố tìm cách che giấu, hoặc không có ai để chia sẻ nên khi lâm vào tình trạng căng thẳng quá sức chịu đựng, họ sẽ có những hành vi nguy hiểm, mất kiểm soát.

BS. Nguyễn Minh Tuấn - Phó giám đốc Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (BV Bạch Mai) cho rằng, chuyện những phụ nữ gặp trầm cảm sau sinh do không được quan tâm chăm sóc, do người chồng gây nên hay chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng có một thành viên mới trong gia đình khiến những người làm vợ, làm mẹ này nảy sinh hành vi tiêu cực hiện không phải là ít.

Những căng thẳng, bế tắc kéo dài thậm chí khiến người phụ nữ không những giết con như những trường hợp đã nêu ở trên mà còn có ý định giết chồng - hành vi bột phát chứa nhiều cảm xúc hơn là lý trí. "Những người thần kinh yếu, kém sức chịu đựng, kém lý trí dễ rơi vào khủng hoảng, stress hơn vì họ sống ảnh hưởng nhiều bởi cảm xúc. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, những người này nếu không tìm được cách giải quyết rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật" - BS. Tuấn cho biết.

Để điều trị chứng trầm cảm sau sinh, ngoài việc phối hợp thuốc liệu pháp tâm lý, các thành viên trong gia đình cần tạo ra một bầu không khí chan hoà tình cảm, cùng nhau chăm chút cho em bé để người mẹ cảm thấy yên tâm, không bị cảm giác tủi thân, lo lắng cho sức khỏe của bản thân mình và đứa con bé bỏng.

Thoát khỏi trầm cảm sau sinh

- Nếu có dấu hiệu bất thường về tâm lý thì đừng cố gắng chống lại hiện tượng mệt mỏi này mà hãy nghỉ ngơi, thư giãn càng nhiều càng tốt.

- Gia đình cần quan tâm chăm sóc cho sản phụ.

- Chuẩn bị "bước đệm" khi sinh con bằng cách tham gia một khoá huấn luyện về chăm sóc bé sơ sinh trước khi “vượt cạn”.

Theo xa luan

Các tin cũ hơn