>>Sưa được mặc "quần" bê tông, trộm vẫn xử
>>Mặc "váy" bê-tông cho sưa
Trong lúc Đội bảo vệ Vườn hoa Phủ Lý (Hà Nam) sử dụng hình thức “đổ bê-tông” quanh hơn 20 gốc sưa gần chục năm tuổi để ngăn chặn đám “sưa tặc” tấn công, nhiều địa phương trên khắp cả nước cũng... sôi sục các giải pháp bảo vệ cây quý.
"Mặc quần bê-tông" để bảo vệ sưa ở Vườn hoa Phủ Lý
Cây sưa cổ thụ hàng trăm năm tuổi có đường kính gốc một người ôm không xuể ở đền Chóa (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) được các cụ trong BQL Di tích đền Chóa thành lập hẳn một… đội “tự vệ đỏ” hàng ngày, hàng đêm túc trực 24/24 để canh cây quý.
Biện pháp dùng sức người này đã được thực hiện được vài năm nay, khi một cành cây khá lớn của cây sưa cổ thụ bị kẻ xấu nhằm một đêm mưa to gió lớn đến cưa trộm.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, BQL Di tích đền Chóa rốt ráo thực hiện biện pháp bảo vệ này. Lực lượng bảo vệ thôn, xóm được huy động được giao nhiệm vụ đặc biệt này, được hưởng chế độ tính theo thóc/người hàng tháng.
Trước đó, theo lời kể của một cụ trong BQL, nhiều tư thương từ làng nghề Đồng Kỵ đã dẫn thương lái Trung Quốc đến ngỏ ý trả tiền tỷ để mua cây sưa quý này.
Chung câu chuyện với các cụ ở đền Chóa, đền thờ Chử Đồng Tử (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cũng có vài ba cây sưa cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Những cây sưa ở đền thờ Chử Đồng Tử cũng đã từng bị bọn trộm viếng thăm, đốn hạ.
"Đai sắt" quanh gốc sưa ở đền Chử Đồng Tử (Khoái Châu, Hưng Yên)
Đối với người dân, những cây cổ thụ trồng trong đền trước tiên là những cây cho bóng mát, và linh thiêng vì đồ vật sống lâu đều có thần, hơn nữa, “của đình của chùa” chẳng ai dám nhòm ngó, vì mạo phạm tới thần linh kiểu gì cũng bị báo ứng…
Chỉ khi những vụ trộm sưa táo tợn diễn ra, và chính những cây cổ thụ trong đền cũng bị chặt trộm, dân làng mới giật mình lo lắng phòng bị.
Những thanh sắt phi 6 dài chừng 2 mét được dựng quanh gốc cây, được hàn lại với nhau thành một cái đai bảo vệ.
Chưa biết, với sáng kiến này có khiến bọn sưa tặc từ bỏ ý định hay không, nhưng ít nhất, nếu có táo tợn muốn quay trở lại lần nữa, ít nhất chúng cũng phải chừa lại phần thân được bảo vệ bởi phần đai sắt, nếu không cũng phải mang thêm thiết bị… cắt sắt!!!
Hà Nội cũng “sôi sục”
Những vụ trộm sưa táo tợn xảy ra đầu tiên tại Hà Nội: kẻ xấu dám “xông” thẳng vào Khu di tích Gò Đống Đa để đốn hạ một cay sưa cổ thụ vài năm về trước.
Sau đó, hàng chục vụ việc chặt trộm những cây sưa ở địa bàn thành phố cũng liên tục xảy ra, khi người dân phát hiện và cơ quan chức năng đến thì… chỉ còn gốc và những đoạn cành vứt bỏ lại hiện trường. Rất nhiều giải pháp, dù tức thời và cục bộ, đã được Hà Nội áp dụng.
"Mặc giáp sắt" cho hàng sưa trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy (HN) vào tháng 7/2011,nhưng ngay sau đó, giải pháp này được dỡ bỏ vì lý do gây mất mỹ quan đô thị
Tháng 7/2011, quận Cầu Giấy tiên phong trong việc đưa ra sáng kiến bảo vệ những cây sưa trên đường Xuân Thủy: “mặc áo giáp sắt”, quấn thép gai quanh thân cây…
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, sáng kiến này được dỡ bỏ vì bị cho rằng mất mỹ quan thành phố, và không khác gì “chỉ điểm” cho kẻ trộm biết những chỗ nào có sưa.
“Nhẹ nhàng” hơn, tại Công viên Bách Thảo, nơi có rất nhiều gốc sưa cổ thụ được trồng, lực lượng chức năng đã tiến hành… quấn rào thép xung quanh thân cây. Ít nhất, với biện pháp này, kẻ trộm sưa trước khi có ý đồ có lẽ cũng “nản” đôi ba phần.
Chằng dây thép gai quanh gốc sưa ở Vườn Bách thảo
Gò Đống Đa, những cây sưa cổ thụ xanh tươi trên gò vẫn được “thả rông” hoàn toàn tự nhiên mà không bị tác động trực tiếp gì tới cây.
Một bảo vệ cho biết: sau vụ việc cây sưa cổ thụ ở gò bị cưa trộm, lực lượng bảo vệ đã được tăng cường gấp đôi, gấp ba: ban ngày có tới chục bảo vệ, ban đêm cũng gần bằng ngần ấy để chốt giữ 24/24.
Ngoài những giải pháp mang tính tình thế kể trên, một giải pháp bao trùm mà bọn “sưa tặc” không tìm hiểu cũng biết, đó là những chế tài xử lý theo quy định pháp luật, và sự lên án của dư luận xã hội.
Theo VietNamNet