Hải quân Peru thông báo, hàng ngàn động vật giáp xác vừa được tìm thấy đã chết ở ngoài khơi bờ biển thủ đô Lima (Peru) sau sự kiện cá heo và chim bồ nông chết hàng loạt ở nước này.
Bà Gladys Triveno - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thủy sản Peru cho biết trong một thông cáo báo chí, “Nguyên nhân cái chết của hàng ngàn con động vật giáp xác đang được điều tra. Sẽ còn quá sớm để đưa ra một lý do giải thích cho hiện tượng này”.
Nhà sinh vật học Yuri Hooker, làm việc tại Đại học Cayetano Heredia (Peru) nói, động vật giáp xác chết nêu trên thuộc một loài nhuyễn thể có màu đỏ (giống tôm) với chiều dài cơ thể khoảng 3cm, chúng chết và bị dạt vào bãi biển Pucusana - nằm cách thủ đô Lima khoảng 37km về phía Nam.
Loài nhuyễn thể màu đỏ này sống dọc theo bờ biển của Chile đến tận bờ biển phía Bắc của Peru. Ông Hooker giải thích, “Có thể đó là do hiện tượng ấm lên của vùng biển Thái Bình Dương, làm chúng - động vật giáp xác thường sống xa bờ phải di chuyển vào khu vực sát bờ biển -nơi chúng đã chết”.
Những con nhuyễn thể màu đỏ chết hàng loạt tại một bờ biển ở Peru trong những ngày qua.
Trước đó, chính phủ Peru vừa đưa ra kết luận về sự kiện chết hàng loạt của gần 900 con cá heo trong tháng 4 và 5 là do “nguyên nhân tự nhiên”. Bà Gladys Triveno cho biết, “Cá heo ‘chết tập thể’ xảy ra một cách định kỳ, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra ở Peru, mà trước đó đã từng diễn ra ở Úc, New Zealand và nhiều nước khác”.
Ngày càng có nhiều loài động biển chết hàng loạt. Gần đây nhất trong năm 2012 là có hơn 1.500 con chim biển (chủ yếu là bồ nông) chết tại khu vực bờ biển Lambayeque và Lima (Peru) và có ít nhất 2.300 con chim biển chết dọc theo các bãi biển Cartagena và Playa de Santo Domingo (Chile).