>> 'Nhà gái' kể chuyện về đám cưới đồng tính
>> “Sao” phim “Chuyện ấy là chuyện nhỏ” kết hôn đồng tính
>> Ông Obama công khai ủng hộ kết hôn đồng tính
Chỉ trong một thời gian ngắn, dư luận liên tục bị sốc khi hay tin một số đám cưới đồng tính được tổ chức công khai, tấp nập đông vui chẳng khác gì ngày vu quy của những đôi uyên ương bình thường khác.
Hình ảnh cô dâu, chú rể đều là nữ hoặc nam cùng cắt bánh, uống rượu hợp cẩn làm không ít người lo lắng xu hướng kết hôn đồng giới gia tăng. Nhiều ý kiến cho rằng, các đám cưới này đang vi phạm thuần phong mỹ tục và đi ngược với quan niệm hôn nhân truyền thống.
Đám cưới đồng tính nam tại TP HCM của cô dâu và chú rể có tên thân
mật trên FB là Pin và Nel.
Gần đây nhất, ngày 16/5, đám cưới giữa chú rể Nguyễn Hoàng Bảo Q. và “cô dâu” Trương Văn H. diễn ra tại phường Bình San, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) đã thu hút đông đảo người dân hiếu kỳ kéo đến xem. Cả một đoạn đường dài quanh nơi diễn ra đám cưới bị ách tắc, người đến xem đông gấp nhiều lần khách được mời tham dự.
Đám cưới của hai nam thanh niân tại Hà Tiên, Kiên Giang.
Trước đó, đám cưới của cặp đồng tính nữ tại Hà Nội cũng làm giới trẻ “sốt xình xịch” với những bức ảnh cưới vô cùng lãng mạn. Chủ nhân của lễ kết hôn là cặp đồng tính nữ 9X, “chú rể” làm nghề kinh doanh, “cô dâu” là sinh viên năm thứ nhất.
Đám cưới đồng tính đầu tiên gây chấn động Việt Nam là của Ngô Quang Minh
(tên khai sinh là Ngô Diễm Huyền) và Thùy Linh.
Trái với sự ngại ngùng, bối rối của phụ huynh, các nhân vật chính lại rạng ngời hạnh phúc trong lễ cưới và liên tục trao cho nhau những cử chỉ âu yếm, thân mật. Hầu hết người trong cuộc chia sẻ, họ chỉ muốn thực hiện tâm nguyện của bản thân và sống cho chính mình.
Vì đây là hiện tượng mới nên chính quyền địa phương ở những nơi có đám cưới đồng tính rất bối rối, không biết xử lý ra sao cho đúng mực. Có nơi làm ngơ nhưng cũng có nơi yêu cầu giải tán và xử phạt hành chính các gia đình.
Theo lời chủ tịch phường Bình San, Hà Tiên (Kiên Giang), chính quyền đã mời Nguyễn Hoàng Bảo Q. và Trương Văn H. cùng gia đình hai bên lên phường để giáo dục và xử phạt hành chính. Trước đó, một đám cưới đồng tính nữ ở Cà Mau cũng không được êm xuôi vì bị chính quyền thị trấn tiến hành lập biên bản xử lý.
Không ít người tỏ ra quan ngại, đám cưới đồng tính được tổ chức công khai sẽ làm nở rộ kết hôn đồng giới. Từ trước đến nay, kết hôn đồng giới ở Việt Nam là một vấn đề nhạy cảm và còn nhiều tranh cãi trong xã hội. Trong khi nhiều người ủng hộ và cho rằng nên sớm có Luật hôn nhân cho người đồng giới để đảm bảo quyền bình đẳng và tự do yêu đương của họ thì một số khác lại phản đối.
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, TS. Lê Quang Bình, viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết: “Sự phát triển của internet giúp cộng đồng người đồng tính tìm đến, làm quen và hiểu rõ hơn về xu hướng giới tính của mình. Người đồng tính làm đám cưới chính là họ đang cam kết sẽ gắn bó suốt đời với nhau. Theo tôi đó là một xu hướng tích cực. Trong trường hợp đám cưới ở Hà Tiên, nếu như hai người này không dám chấp nhận sự thật về giới tính của mình mà cố đi lấy hai người phụ nữ thì chẳng phải họ sẽ khiến mình và người khác đau khổ?.Tôi nghĩ đã đến lúc Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, các nhà làm luật nên có những cuộc thảo luận nghiêm túc về vấn đề này để có những định hướng tích cực cho người đồng tính”.
Luật sư Nguyễn Văn Tú, giám đốc công ty luật Fanci, cho biết: “Theo điểm 5, điều 10, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định cấm kết hôn giữa những cùng giới tính. Luật này dựa trên quan điểm cho rằng những người cùng giới tính có quan hệ yêu đương, tình dục là một loại bệnh và nếu có bệnh thì phải chữa bệnh chứ không thể dùng pháp luật để coi đó là hành vi đúng. Tuy nhiên hiện nay với sự tiến bộ của khoa học về giới và tâm lý, người ta đã hiểu đó không phải là một loại bệnh mà chỉ là một xu hướng tình dục. Theo quan điểm của tôi pháp luật nên thừa nhận kết hôn đồng giới là một quyền và không nên phân biệt đối xử, định kiến, gây áp lực với những người đồng tính”.
TS Lê Bạch Dương, viện trưởng viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho rằng: “Chúng ta không nên lo lắng về việc giới trẻ sẽ a dua làm đám cưới đồng tính. Bởi không phải ai muốn thì cũng sẽ trở thành người đồng tính. Hiện nay nước ta chưa cho phép kết hôn đồng giới tuy nhiên về lâu dài các nhà làm luật cũng cần phải nghiên cứu để thay đổi cho phù hợp với thực tế. Còn việc xử phạt các cặp đôi đồng tính làm đám cưới là điều không cần thiết và gây phản cảm”.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng: “Hiện nay trên thế giới chỉ có một số nước cho phép những người đồng tính kết hôn với nhau. Theo nghiên cứu của những nước này, độ bền vững của hôn nhân đồng tính và dị tính không khác nhau nhiều. Có những cặp chung sống với nhau suốt đời, có những cặp được mấy năm nhưng cũng có cặp chỉ được vài ba tháng. Ngoài ra, cách họ yêu thương, ghen tuông, giận hờn không khác gì những cặp vợ chồng bình thường. Tuy nhiên, điều khiến hôn nhân đồng tính kém bền vững là các cặp đôi này không có con. Họ không có một sợi dây ràng buộc nào khi con thuyền gia đình gặp sóng gió”.
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, bác sỹ Hoàng Tú Anh, giám đốc trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cho biết: “Vì sao chúng ta lại coi người này có quyền kết hôn còn người kia thì không?. Mọi người cần được bình đẳng trước pháp luật. Pháp luật là để bảo vệ công dân chứ không phải để hạn chế họ. Nếu không cho phép người đồng tính đến với nhau thì sẽ có nhiều trường hợp nam nữ bị ép kết hôn không theo ý muốn, không dựa trên tinh thần tự nguyện. Điều này lại vi phạm chính Luật hôn nhân và Gia đình. Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên xem xét việc sửa đổi luật để đáp ứng nhu cầu chính đáng của công dân là người đồng tính”.
Trong một lần trao đổi với PV Người đưa tin, PGS, tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình bày tỏ quan điểm: "Hiện ở nước ta, người đồng tính vẫn chưa được xã hội thừa nhận. Ngay các chuyên gia y tế vẫn còn chưa thống nhất với nhau về bản chất của hiện tượng này, có ý kiến cho rằng đó là ảnh hưởng của việc đua đòi, a dua. Cũng vì thế đa số người đồng tính không dám công khai thân phận của mình, chưa nói gì đến việc làm đám cưới với người cùng giới. Đám cưới này chỉ là cách vuốt ve cái tự ái, cái "quyền tự nhận'' của những người thuộc "giới tính thứ ba". Nói cách khác, họ tự dọn về sống với nhau, cùng nhau xây dựng cuộc sống, ở chung một mái nhà, họ tự phân công với nhau "kẻ làm chồng" "người làm vợ"; đấy là hành vi "ngoài vùng phủ sóng" của pháp luật, rất khó xử lý. "Bài giải" cho các trường hợp này, theo tôi cách hiệu quả nhất là phân tích cho họ thấy họ đã ngộ nhận, đã đua đòi... rồi từ đó, dần dần kéo họ quay về".
Theo Nguoiduatin