Gần đến Rằm tháng Tám, thị trường bánh Trung thu càng trở lên sôi động. Tuy nhiên, do tác động chung bởi kinh tế khó khăn, sức mua chỉ tăng nhẹ và tập trung vào một số phân khúc sản phẩm trung cấp hoặc bình dân.
Ngay từ tháng Bảy âm lịch, tại Hà Nội và TP HCM đã ngập tràn sắc đỏ, các quầy bán bánh trung thu mọc lên ở nhiều con phố. Theo nhiều chủ cửa hàng, năm nay, nhu cầu đặt mua bánh để làm quà tặng, biếu đối tác bạn hàng của nhiều cơ quan công sở sớm hơn bình thường.
"Sức mua không giảm nhiều so với dự đoán ban đầu. Có thể, kinh tế khó khăn, nhiều người chọn mua bánh truyền thống giá bình dân hơn là chọn sản phẩm cao cấp", chủ quầy hàng trên đường Phạm Hùng, Hà Nội chia sẻ.
Thị trường bánh Trung thu sôi động với nhiều hương vị, mẫu mã.
Chị Hải, chủ một quầy bán bánh Trung thu trên phố Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội cũng cho biết từ mùng một đến nay, số lượng khách tới mua bánh về cúng, biếu tăng cao. Tuy chưa phải thời điểm "vàng" nhưng mỗi ngày, chị bán lẻ được gần 40 hộp bánh các loại. "So với năm ngoái, doanh số bán ra của cửa hàng tôi đã cao hơn 20%", chị Hải hồ hởi nói.
Anh Mai, chủ một hiệu bánh Trung thu trên đường Bà Triệu, Hà Nội cũng tiết lộ: "Từ đầu tháng đến giờ hầu như ngày nào cửa hàng tôi cũng bán được 20-30 hộp bánh. Các sản phẩm năm nay có rất nhiều chủng loại, từ bình dân đến cao cấp. Khách đến mua hàng thường hỏi sản phẩm của Kinh đô, Hải Hà...".
Tại TP HCM, thị trường bánh trung thu cũng được hâm nóng. Các tuyến đường như Ba Tháng Hai, Lê Văn Sỹ, Phạm Văn Hai, Cách Mạng Tháng 8, Hoàng Văn Thụ... tràn ngập sắc đỏ. Nhiều quầy bánh giăng băng rôn và đèn lồng sáng rực khắp cả con đường.
Thị trường hiện có khoảng 40-60 loại bánh Trung thu, trong đó ở TP HCM, chiếm thị phần nhiều nhất vẫn là sản phẩm của các doanh nghiệp có thương hiệu, như Kinh Đô, Bibica, Hỷ Lâm Môn…
Tại đại lý bán bánh trên đường Ba Tháng Hai, TP HCM, chị Trần Thị Thu Trang cầm lên đặt xuống một vài hộp bánh cao cấp có giá từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Đắn đo một hồi, chị Trang quyết định mua hộp bánh bài trí khá bắt mắt, giá mềm hơn, 1,1 triệu đồng.
Chị cho biết những năm trước đứng trước quầy bánh như thế này, có thể trả cho hộp bánh 2-3 triệu đồng. "Năm nay, mọi thứ đắt đỏ, chi tiêu tốn kém, tôi cũng không thể thả phanh, dù biết là mỗi năm chỉ có một lần", chị Trang nói.
Theo chị Trang, kinh nghiệm khi đi mua bánh là phải chú ý ngay đến hạn sử dụng, thông tin liên hệ, tiếp đó là mẫu mã và thương hiệu sản phẩm. "Tôi luôn chọn mua những loại bánh của hãng có uy tín lâu năm như Kinh Đô, Vinabico bởi sản phẩm đa dạng vừa có thể mua làm quà biếu, vừa mua cho gia đình thưởng thức với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo", chị chia sẻ.
Các loại bánh Trung thu cao cấp được nhiều người lựa chọn đem biếu bởi mẫu mã đẹp, hương vị đặc biệt.
Chị Trịnh Hoài, chủ một tiệm bánh ở quận 1, TP HCM cho hay xu hướng tiêu dùng của người Sài Gòn năm nay là chọn lựa các sản phẩm giá cả phải chăng. Những khách hàng mua bánh cao cấp có giá bán từ 1 triệu đến 3 triệu đồng không nhiều như những năm trước.
Thông thường, họ mua để biếu đối tác, bạn hàng hoặc khách quan trọng. Các hộp quà này không chỉ có bánh mà còn được kèm theo một hộp trà hay chai rượu vang cho thêm phần long trọng.
Theo chị Hoài, Trung thu 2012 có sự quay trở lại của nhiều loại bánh truyền thống. Trong đó, nhiều loại có giá cả bình dân, từ 150.000 đồng đến 800.000 đồng, một hộp, tùy số lượng bánh đi kèm. Năm nay, người tiêu dùng có xu hướng chọn mua các sản phẩm của thương hiệu có tên tuổi. Vì thế, những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, lập lờ về nhãn mác, thương hiệu sức mua bị giảm đáng kể.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Trâm, nhân viên bán hàng tại một gian hàng bánh Trung thu Kinh Đô trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, TP HCM cho biết nhiều người sẵn sàng bỏ tiền triệu mua những hộp bánh cao cấp làm quà tặng cho người thân trong dịp này.
"Mỗi ngày cửa hàng tiếp nhận nhiều khách đặt mua hàng của công ty với số lượng lớn để tặng nhân viên hoặc làm quà biếu. Những người mua về cho gia đình thường chọn loại bánh truyền thống, giá cả phải chăng", chị Trâm nói.
Năm nay, các hãng sản xuất dự kiến tung ra thị trường lượng bánh tăng hơn so với năm 2011, khoảng 10% - 20%. Đồng thời, doanh nghiệp cũng gửi thông điệp ngay từ đầu vụ, giá bán sẽ tăng bình quân 5% - 10% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Nguyên nhân tăng giá được người bán hàng lý giải là do giá nguyên liệu tăng cao. Cụ thể, so cùng kỳ năm trước, giá thịt lợn tăng khoảng 70% (từ 70.000 đồng lên 120.000 đồng một kg), giá đỗ xanh tăng 40%, trứng vịt muối cũng tăng 40% (từ 23.000 đồng một chục lên 33.000 đồng)…
Ông Trần Quốc Việt, Tổng giám đốc Kinh Đô Miền Bắc tiết lộ, tính đến ngày 19/9 (Mùng 4 tháng 8 âm lịch), sản lượng tiêu thụ bánh trung thu của Kinh Đô đã đạt 90% so với kế hoạch, trong đó sản lượng tiêu thụ của khách hàng khối cơ quan xí nghiệp, phục vụ việc biếu tặng đối tác, nhân viên… tăng 15% so với cùng kỳ.
Phân khúc khách hàng lẻ cũng tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với đặc thù của Trung thu, thị trường này sẽ sôi động nhất vào thời điểm từ mùng 1/8 đến rằm tháng Tám. "Về sức mua, dòng cao cấp như Trăng Vàng khá hút hàng nhờ sự vượt trội về chất lượng cũng như hình thức mẫu mã sang trọng đáp ứng nhu cầu biếu tặng cao cấp của khách", anh Việt nói.
Khẳng định kinh tế khó khăn không ảnh hưởng nhiều đến doanh số bán ra của Kinh Đô, ông Việt dự báo, sản lượng bánh công ty tiêu thụ trong dịp Trung thu này tăng khoảng 10-20% so với năm ngoái.