“Dân tiếc hơn 400 ngàn không mua BHYT, khi vào viện hết mấy triệu thì lại kêu chúng tôi khó khăn. Hạn chế chính ở chỗ người dân chưa hiểu về lợi ích BHYT. Thực tế chỉ bỏ vài trăm ngàn nhưng có những ca bệnh ung thư được BHYT chi trả tới 600 triệu”.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ về lợi ích của thẻ BHYT đối với người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo.
Lợi cả trăm đường!
Theo Bộ trưởng Tiến, một hạn chế dễ nhận thấy đó là người dân chưa nhận thức được quyền lợi của BHYT. Như các nước, trước khi đi du lịch, họ tìm mua bảo hiểm thân thể để phòng rủi ro.
Họ luôn ý thức mua thẻ BHYT để khi vào viện không phải lo lắng về tài chính, viện phí. Người Việt Nam thì ngược lại, nhiều người dân vì tiếc mấy trăm ngàn mua bảo hiểm, khi không may bị bệnh vào viện điều trị hết tiền triệu thì lại kêu chúng tôi khó khăn.
Người bệnh được BHYT “gánh” rất nhiều chi phí KCB, đặc biệt là những bệnh nan y.
Giá dịch vụ y tế điều chỉnh, những người có thẻ BHYT được thụ hưởng nhiều nhất. “Rõ ràng, trước kia khám giá 3 ngàn, nay tăng lên 10 ngàn rõ là chất lượng tốt hơn. Ngày xưa nằm giường 2 ngàn/ngày chỉ có nằm giường sắt, chiếu manh, nay có giường inox, khăn đệm. tủ inox… rõ ràng thụ hưởng tốt hơn”, bà Tiến nói.
Riêng với những đối tượng người nghèo đã được nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ BHYT.
Còn người cận nghèo, nếu không khéo thì họ thành người nghèo. Vì thế, Bộ Y tế đã trình chính phủ sẽ thực hiện theo hướng mỗi người cận nghèo được cấp thẻ BHYT đã được chính phủ hỗ trợ 70% mệnh giá, khi không may bị bệnh, người cận nghèo vào viện khám bệnh chỉ phải đóng thêm 100 ngàn là được thụ hưởng thẻ BHYT.
Theo bà Tiến, với những đối tượng khác phải mua thẻ BHYT thì chi phí cũng không khó Bởi mệnh giá thẻ BHYT VN quá rẻ, chỉ khoảng 30 USD (gần 500 ngàn) trong khi giá thẻ BHYT các nước trên thế giới đều trên 100 USD.
“Mức giá này quá ít ỏi so với những dịch vụ y tế mà người bệnh được BHYT chi trả, có những y tế 5 triệu, thậm chí can thiệp tim mạch được thanh toán 40 triệu, có những người điều trị ung thư tới 600 triệu mà quỹ bảo hiểm chi”, bà Tiến nói.
“Chỉ có BHYT toàn dân mới mang lại nền tài chính vững bền. Khát vọng cháy bỏng của ngành y tế chúng tôi, mong muốn thời gian sớm nhất lộ trình bảo hiểm toàn dân được thực hiện”.
Dịch vụ xã hội hóa: Thu thêm là đúng!
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, việc các bệnh viện mở khoa dịch vụ, điều trị theo yêu cầu là hoàn toàn đúng với chủ trương xã hội hóa y tế của nhà nước. So với giá trong thông tư 04 được BHYT thanh toán thì mức giá thỏa thuận này được tính đúng, tính đủ (cả 7 yếu tố cấu thành giá viện phí) nên có cao hơn giá được BHYT thanh toán.
Bảng giá dịch vụ xã hội hóa được áp dụng tại BV Bạch Mai.
“Trong điều kiện cơ sở vật chất bệnh viện còn trật hẹp, nếu bắt người có điều kiện phải nằ mghép thì không hợp lý. Vì thế khoa dịch vụ gia đời đáp ứng những đối tượng này, giảm việc người Việt ra nước ngoài chữa trị. Mà hiện giờ, ngay cả khu vực xã hội hóa cũng quá tải, bởi thực tế, dù là dịch vụ nhưng mức giá vẫn rất khiêm tốn so với thế giới”, bà Tiến nói.
Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế cho phép các bệnh viện thực hiện một số hoạt động dịch vụ để đáp ứng nhu cầu xã hội. Do đó, các bệnh viện đều có khoa khám bệnh theo yêu cầu. Giá thu của các khu vực này có cao hơn giá thu của các khu vực khám chữa bệnh khác do được tính đúng, tính đủ.
“Bệnh viện được phép triển khai khám dịch vụ, khám theo yêu cầu nhưng phải báo cáo bộ y tế và mức chi phí được duyệt. Toàn bộ số thu này phải tổng hợp, theo dõi hoạch toán riêng, có nộp thuế…”, ông Nam Liên khẳng định.
“Các bệnh viện như BV Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu, BV Nội tiết, BV Tai mũi họng nâng cấp, sửa mới thêm giường cho người bệnh nhưng không hề được cấp chi phí 100% mà họ phải vay ngân hàng có trả lãi, Bộ y tế chỉ cấp 30% số đó để xây mới.
Những cái gì nhà nước không lo được thì phải xã hội hóa để tạo nguồn kinh phí cho bệnh viện, nếu không lấy đâu ra kinh phí để nâng cấp, mở rộng bệnh viện khang trang phục vụ người bệnh”, bà Tiến nói.
Liên quan đến chất lượng khám chữa bệnh, thái độ y đức bác sĩ khi giá viện phí đã điều chỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, sau sau khi điều chỉnh giá viện phí, Bộ đã chỉ đạo các bệnh viện rất sát sao, đặc biệt là khâu cải tạo khu vực khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi, thay đổi thái độ ứng xử của nhân viên y tế.
“Cái người bệnh khó chịu nhất khi nằm viện là phải nằm ghép chắc chắn sẽ giảm dần. Bởi tất cả các bệnh viện đều đang phải đầu tư, phải dành tối thiểu 15% nguồn kinh phí thu được từ viện phí để đầu tư, nâng cấp bệnh viện. Chắc chắn, tình trạng nằm ghép sẽ dần giảm”, Bộ trưởng khẳng định.