Bi hài “dân công trường” lũ lượt “xét AIDS” sau ngày góa phụ chết
Thứ sáu, 21/09/2012, 07:45
Người vợ bị lây nhiễm HIV/AIDS từ chồng nhưng không hề hay biết. 4 năm sau, góa phụ này đột ngột tử vong. Hàng chục công nhân tại một công trường tại địa phương từng có “dính líu” với chị hớt hải lũ lượt kéo nhau đến trung tâm y tế xét nghiệm HIV/AIDS.
Câu chuyện bi hài trên xảy ra tại thôn Kế Võ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
“Bóng ma HIV” phủ xóm nghèo
Đại diện chính quyền xã Vinh Xuân cho biết, người phụ nữ từng gây ra câu chuyện chấn động trên tên đầy đủ Vũ Thị Na (SN 1971). Bố chồng chị Na kể lại, trước đây gia đình ông vốn sinh sống tại Đắk Lắk, con trai ông sinh năm 1970 làm nghề mộc, còn con dâu sống nhờ nghề buôn bán nhỏ.
Năm 1998, người chồng đột ngột đổ bệnh, thân hình lở loét và được người nhà đưa về quê gốc tại thôn Kế Võ để chữa trị. Tuy nhiên, cũng trong năm đó bệnh nhân này qua đời. “Bốn năm sau vợ nó cũng ngã bệnh rồi qua đời luôn, để lại hai con nhỏ nheo nhóc”, người cha kể lại. Có lẽ vì lý do tế nhị, cũng có thể vì không biết nên ngày đó gia đình này cho rằng con trai, con dâu mình bị bệnh gì đó như ung thư dẫn đến tử vong.
Thế nhưng sự thật không ai muốn tin, đó là cặp vợ chồng này tử vong do bị nhiễm HIV. Thông tin này được ông Trần Văn Đê, Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân xác nhận: “Cặp vợ chồng này xuất hiện những triệu chứng của bệnh HIV/AIDS, cơ quan y tế trên tỉnh có về khám và khẳng định như trên. Sau khi các bệnh nhân qua đời, cơ quan chuyên môn đã tiến hành khâm liệm theo đúng quy trình đối với tử thi nhiễm bệnh xã hội”.
Trở lại với câu chuyện đôi vợ chồng nhiễm HIV/AIDS rúng động miền quê ven biển, những người dân địa phương cho hay trước đây họ chỉ nghe mang máng ba chữ HIV là bệnh “hát hát” gì đó, chứ thực sự không hay HIV/AIDS là căn bệnh gì.
“Khi hay tin trong thôn có người mắc “hát”, ai nấy đều sững sờ lo lắng, ai đời chốn hẻo lánh này lại có người bị “si đa” cơ chứ”, một phụ nữ nói.
Dân làng kể lại, ngày đó hàng chục công nhân khai thác Titan ở công trường đóng trên địa bàn địa phương phải lén lút lên tỉnh khám bệnh xem có nhiễm bệnh HIV không. Những công nhân này sợ hãi có lẽ vì họ từng “tòm tem” với goá phụ Na.
Đem câu chuyện bi hài này hỏi người dân ở đây hầu như ai cũng biết. Một phụ nữ bán quán tạp hoá gần trường cấp 3 địa phương nhớ lại: “Cô ấy hành nghề buôn bán ve chai và thường xuyên đến khu vực khai thác Titan gần biển Vinh Xuân để thu mua phế liệu. Ngoại hình cô ấy cũng ưa nhìn, chồng lại chết trẻ, nên đám công nhân thường buông lời chọc ghẹo. Ở đây ai mà chẳng biết chuyện cô ấy có lẽ vì bất hạnh nhiều, lại thiếu thốn tình cảm nên là người có nhiều mối quan hệ tình cảm nhăng nhít, phức tạp”.
Ngày ấy bầu không khí ở địa phương, đặc biệt là ở công trường lo âu, xáo động thay thế cho khung cảnh miền quê vốn tĩnh lặng yên bình. Kết quả thế nào thì mọi người không thể biết vì theo quy định của Luật Phòng chống HIV/AIDS, những số liệu về người nhiễm bệnh đều được giữ bí mật. Tuy nhiên, người làng cho rằng một công nhân trên công trường sau khi xét nghiệm về, biết mình nhiễm bệnh nên đã tìm ra biển tự vẫn.
Nhận xét về nhân cách góa phụ gieo rắc HIV/AIDS, hầu hết người dân trong thôn đều phân vân không rõ thiếu phụ này cố ý “trả thù đời” hay chỉ vô tình gây nên họa. Những người có quan niệm không thông cảm thì lập luận rằng :“Lẽ nào khi chồng qua đời, bệnh viện không thông báo và xét nghiệm cho cô ấy?”.
Trong khi đó một bộ phận tỏ ra cảm thông với nạn nhân thì biện hộ: “Có lẽ do hoàn cảnh đưa đẩy mà thôi, một phụ nữ yếu đuối làm sao đủ điều kiện nuôi hai con nhỏ ăn học. Tại sao không trách mắng mấy gã đàn ông trăng hoa kia, đáng đời cái tội “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma””.
Cha mẹ gây tội, bà cố nuôi cháu nội
Trở lại ngôi nhà nơi “tội đồ” gieo rắc HIV/AIDS từng sinh sống, ấn tượng đập vào mắt khách đến thăm là một cụ bà tóc bạc phơ, dáng người gầy còm đang lúi húi nấu bữa cơm trưa.
Cụ là Võ Thị Lớn (86 tuổi, bà nội của cặp vợ chồng đã qua đời, bà cố (phong tục miền Bắc gọi là cụ - PV) của hai đứa con trai cặp vợ chồng này để lại).
Con trai cụ Lớn, cha của cặp vợ chồng xấu số cho hay sau khi con trai và con dâu ông qua đời, ông không có khả năng nuôi các cháu nội nên mọi việc nuôi nấng các cháu nhỏ đều trông chờ vào bàn tay bà cố.
“Người thân các cháu đều đi làm ăn ở xa, thi thoảng tích cóp được đồng nào thì hỗ trợ đồng đó, chứ công việc chăm lo ăn ở cho chúng đều nhờ cả mẹ tôi. Do hoàn cảnh khó khăn đành phải tạm thời vậy rồi sau này sẽ tính tiếp”, ông rầu rĩ trình bày.
Bà cụ 86 tuổi cặm cụi nuôi hai con cho vợ chồng cháu nội.
Hôm khách đến thăm nhà, cụ Lớn chống cằm than thở khoản tiền vay mua sắm sách vở cho hai đứa cháu đầu năm học mới sao mà nhiều quá?. “Tiền trợ cấp hàng tháng chỉ trang trải đủ phần nào chi phí cuộc sống thôi. Một đứa học lớp 10, một đứa học lớp 8. Tiền sách vở, tiền học của chúng nhiều lắm. Ba bà cháu phải tằn tiện lắm mới đủ sống qua ngày. May mắn là hai đứa nó được cái ngoan hiền, biết nghe lời nên tui cũng bớt lo”, cụ Lớn mỉm cười khiến những nếp nhăn trên mặt hằn rõ hơn.
Sau ngày xóm nhỏ xôn xao vì sự kiện nêu trên, tưởng người ta “sợ đến già”, nhưng thực tế đáng buồn là thỉnh thoảng vùng quê này lại có người nhiễm HIV/AIDS.
Cách đây chưa đầy hai tháng, người địa phương lại thêm một lần bàn luận, lo âu khi một phụ nữ khác trong thôn chết trẻ cũng do nhiễm căn bệnh thế kỷ. Từ bao giờ căn bệnh quái ác HIV/AIDS lại tràn về nơi họ sinh sống, ai đã đưa bệnh dữ về làng, có phải chính cặp vợ chồng nêu trên?.
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND xã Trần Văn Đê cho biết trên địa bàn xã Vinh Xuân, phát hiện bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đầu tiên vào năm 1998. “Từ đó đến nay toàn xã đã có 10 người tử vong do mắc bệnh HIV/AIDS”, ông Đê nói. Vị chủ tịch xã lý giải thêm, căn bệnh quái ác này là do người dân trong xã đi làm ăn xa, sau đó mang về quê gieo rắc.
“Hàng năm chính quyền địa phương đều tổ chức những đợt tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân về cách thức phòng tránh, điều trị HIV/AIDS nhằm khống chế không để mầm bệnh lan rộng. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến nhóm đối tượng thường xuyên đi nơi khác làm ăn bởi đây là nguồn phát tán bệnh rất khó quản lí, theo dõi. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động nên hai năm trở lại đây trên địa bàn xã không phát hiện thêm trường hợp nhiễm bệnh nào mới”, vị Chủ tịch cho hay.
(Tên người bệnh trong bài đã được thay đổi theo quy định của Luật phòng chống HIV/AIDS)