Theo Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố Hà Nội sẽ từng bước đóng cửa 6 nghĩa trang: Yên Kỳ 1, Sài Đồng, Mai Dịch 1, Hà Đông, Xuân Đỉnh, Văn Điển (đã đóng cửa hung táng từ tháng 7/2010) trước năm 2015.
Cùng với đó, Thành phố sẽ sử dụng nghĩa trang tập trung mới. Ở khu vực phía Bắc sông Hồng sẽ sử dụng nghĩa trang Xuân Nộn (Đông Anh), nghĩa trang Thanh Tước (Mê Linh); Riêng nghĩa trang Minh Phú (Sóc Sơn), ngoài phục vụ đô thị Sóc Sơn, còn phục vụ nhu cầu cải táng và quy tập mộ di chuyển của các đô thị phía Bắc và Đông Hà Nội khi hết quỹ đất ở nghĩa trang Thanh Tước và Đông Anh.
Nghĩa trang Yên Kỳ 1, dự kiến hết quỹ đất vào năm 2013
Ở phía Đông sông Hồng, đô thị Long Biên, Gia Lâm sẽ chuyển đến nghĩa trang Trung Màu (Gia Lâm). Ở phía Nam, mộ di dời và chôn mới sẽ chuyển đến nghĩa trang Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) cho đến khi nghĩa trang này hết khả năng mai táng, sẽ chuyển lên mai táng ở nghĩa trang Vĩnh Hàng, Yên Kỳ 2 (Ba Vì). Ở phía Tây và đô thị trung tâm, chuyển đến nghĩa trang Mai Dịch 2 (Thạch Thất), Vĩnh Hằng, Yên Kỳ 2 (Ba Vì) và nghĩa trang huyện Chương Mỹ.
Các nghĩa trang tập trung huyện phục vụ khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn huyện. Không kể nghĩa trang Quốc gia Mai Dịch 2, Hà Nội có 8 nghĩa trang thành phố và 10 nghĩa trang huyện. Có 4 cơ sở hỏa táng là Văn Điển, Thanh Tước, Đông Anh, Chương Mỹ. Tổng nhu cầu đất xây dựng nghĩa trang nông thôn đến năm 2050 là 144ha.
Theo giai đoạn quy hoạch dự báo nhu cầu phát triển nhà tang lễ xây mới đến năm 2020 là 32 nhà tang lễ, năm 2030 là 38 nhà tang lễ và đến năm 2050 là 44 nhà tang lễ.
Dự toán kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống nghĩa trang, nhà tang lễ các giai đoạn là hơn hơn 29.715 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động từ vốn ODA, ngân sách, vay vốn thương mại và mở rộng các hình thức BOO, BOT, PPP.