Trời lạnh tê tái, vượt dòng Ka Long xiết chảy là sang Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc. Trong góc khuất của đô thị phồn hoa Đông Hưng, Phòng Thành và Giang Bình, những cỗ bài được đánh dấu, những bộ bát đĩa được gắn chíp từ, những bộ gương liên hoàn… phục vụ công nghệ bạc bịp được các “xì thẩu” thửa từ Ma Cao, Hồng Kông “lưu lạc giang hồ” về đây.
Trên dòng sông Ka Long, những phu đò người Hoa trần trùng trục chống sào qua lại trong cái lạnh căm căm vùng biên. Những con đò chở hàng, chở người chấp chới giữa vùng cương thổ. Tiếng mái chèo gõ vào mạn thuyền như tiếng mõ trâu lốc cốc lan dài theo sóng.
Các tài chủ người Choang líu lo chạy lên chạy xuống loạn cả một khúc sông. Thi thoảng những chiếc xe tuần biên của công an Trung Quốc chạy vụt qua khiến cả cái cộng đồng phù du ấy lại như những con ốc sên thụt mình vào trong vỏ.
Qua bờ sông đã là xứ người, ngoảnh lại nhìn thấy rừng núi trập trùng, như quách như thành lừng lững một dải chạy tít tới cuối chân trời. Trong các khu nhà ổ chuột ven thành phố Đông Hưng, những con bạc vùi đầu vào những canh xì tẩy hay mạt chược thâu đêm suốt sáng.
Hàng lậu về được Việt Nam nhiều là canh bạc càng to, cuộc chơi càng dài.
A Châu, một “thần đổ bác”, cho biết tại Đông Hưng có rất nhiều bộ đồ nghề cờ bạc bịp được bán với giá cắt cổ. Chỉ có người trong đường dây mới có thể tiếp cận được. Những kẻ buôn bán hàng “độc” này tôn trọng sự bí mật hơn là lợi nhuận. Nếu công nghệ bạc bịp bị lật tẩy thì họ không chỉ tuyệt đường làm ăn mà thậm chí còn phương hại đến tính mạng.
Vừa lóc cóc trên xe lôi ở đường phố Tân Hoa, A Châu vừa kể: “Trước kia, dân cờ bạc Trung Quốc ưa đánh tài sửu (đặt cược chẵn lẻ như đánh xóc đĩa ở Việt Nam) nên công nghệ nam châm được áp dụng để bịp.
Những quân xúc xắc 6 mặt bị khoan ra, cho mạt kim loại vào rồi hàn lại như mới. Khi xóc quân bài, nhà cái chôn bệ nam châm điện dưới nền nhà. Lợi dụng cực hút, đẩy của nam châm, quân xúc xắc mặc dù được xóc kêu như “mưa rơi mái tôn” nhưng về chẵn hay về lẻ là do nhà cái điều khiển.
Dân cờ bạc Việt Nam hay đánh xóc đĩa bằng quân bài cắt từ vỏ bao thuốc lá nên áp dụng công nghệ tương tự. Những gã đại bịp bóc các lớp vỏ bao ra, cho mạt kim loại vào giữa rồi dán lại. Lợi dụng cực hút đẩy của nam châm, nhà cái cũng có thể điều khiển về chẵn hay về lẻ theo ý mình y như các “đồng nghiệp” Trung Quốc đánh tài sửu”.
Bát có gắn chíp từ, dùng trong cờ bạc bịp.
Theo dân chơi, hiện ở Đông Hưng (Quảng Tây) hay Châu Vân Sơn (Vân Nam) vẫn bán các loại công nghệ cờ bạc lạc hậu trên. Tuy nhiên không đắt khách vì “model” này có nhiều hạn chế. Thứ nhất không thể cơ động trốn tránh nhà chức trách được vì phải chôn bệ nam châm cố định.
Thứ hai là phải mua hàng trăm bao thuốc lá, bóc ra ép mạt kim loại rồi đóng lại rải khắp các hàng nước gần sới bạc để dân chơi tự tìm mua về cắt cho “khách quan” nên rất tốn kém công sức.
Thứ ba, các con bạc ngày càng tinh ranh nên cứ đánh 5 - 7 lần mở bát là đòi nhà cái thay quân do chính dân chơi vãng lai cắt. Không có quân bài “yểm” mạt sắt, bệ nam châm thành vô nghĩa. Thứ 4, quân mạt sắt dầy hơn quân bài bình thường nên khó thể qua mắt được “bạc già”...
Với những nhược điểm trên, quân máy nam châm chỉ áp dụng với những đám bạc cò con tại nông thôn. Hơn nữa, nhà cái phải vào diện máu mặt, “cả vú lấp miệng em” thì mới tránh khỏi họa đao kiếm. Để tránh hạn chế của việc bệ nam châm điện thiếu cơ động, nhiều tay bạc bịp đã gắn nam châm vào đĩa hoặc vào bát.
Tuy nhiên do quá trình sát phạt, nhiều dân chơi có sở thích mở những tiếng bạc to là phải đập bát cho “xanh chín”. Bát vỡ có nghĩa là nam châm bị lộ ra thì đám cờ bạc sẽ thành chiến trường. Do đó, công nghệ gắn nam châm vào bát chỉ được đám lưu manh, cô hồn sử dụng tại các bến xe, bến tàu để “chăn dắt” khách vãng lai.
A Châu cho biết, một bộ bát đĩa gắn nam châm được bán với giá 2 triệu đồng. Tuy nhiên, ngày càng thưa khách nên công nghệ này ngày càng mai một.
Đi qua quảng trường thành phố Đông Hưng chừng 20km là đến thị trấn Giang Bình. Đây là thị trấn cảng nên tàu than, tàu hàng tấp nập cập bến. Đặc biệt tại Giang Bình, dân chuyển than lậu từ Việt Nam sang đây rất nhiều và rủng rỉnh túi tiền.
Cũng chính nơi đây, những cú mở bát “lệch nghiệp”, “thổi bay” cả sà lan than được các tay chơi chan chát đập. Phía sau các khu phố nhỏ của Giang Bình, nơi cách xa những cuộc sát phạt bất tận, công nghệ cờ bạc bịp được lặng lẽ, bí mật “ra chiêu”.
Theo “tập quán” cờ bạc, trước khi bắt đầu, nhà cái bao giờ cũng thò tay vào xếp quân bài 4 sấp hoặc 4 ngửa (còn gọi là tứ tử). Quy luật là “đêm đen, ngày trắng” nghĩa là nếu đánh bạc ban đêm thì xếp 4 quân bài sấp, đánh bạc ban ngày thì xếp 4 quân bài ngửa. Sau khi xếp “tứ tử” trong đĩa, nhà cái bắt đầu xóc.
Loại “bột tag” này được nhà cái dùng móng tay gẩy nhẹ vào quân bài trong khi “đêm đen, ngày trắng” như trên. Đây là loại bột dính, chỉ có tác dụng sau 15 phút bôi vào quân bài và chỉ kết dính trong vòng gần một giờ đồng hồ.
Sau đó, nó tự khô đi và các quân bài lại trở lại bình thường. Như vậy, sau khi xóc được 15 phút, “bột tag” sẽ phát huy tác dụng khiến quân bài “cố định” chẵn hay lẻ chừng gần một tiếng rồi lại trở lại trạng thái bình thường. Trong khoảng thời gian đó, nhà cái có đủ thời gian cho các “con gà vào bu”…