Ông Nguyễn Văn Thành. |
Thưa ông, nhiều người lo ngại vé tàu Tết đã bán hết qua mạng. Lượng vé bán trực tiếp tại ga không nhiều. Hành khách mất công xếp hàng vẫn không mua được vé.
Vé bán trực tiếp tại ga bao gồm số vé còn lại và vé ghế phụ. Trong dịp Tết năm ngoái, có hơn 10% vé đặt qua mạng chuyển sang bán trực tiếp (gần 10 nghìn vé).
Năm nay, theo dự báo, số vé đặt nhưng không mua chiếm tỷ lệ khá lớn. Riêng vé ghế phụ hiện nay chưa có kế hoạch nhưng dự kiến số lượng chiếm 10% vé Tết (khoảng 10.000 vé) nên hành khách vẫn còn nhiều cơ hội mua được vé tàu Tết.
Hiện nay, vé tàu đi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc trong các ngày cao điểm vẫn còn khá nhiều. Chỉ có vé đi các tỉnh Miền Trung đã hết hoặc còn rất ít.
Nhiều chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng chọn phương thức đặt chỗ qua mạng là không khôn ngoan. Thực tế đã chứng minh nhu cầu mua vé tàu Tết quá lớn, dù có nâng cấp đường truyền, máy chủ lên gấp nhiều lần cũng khó đảm bảo không bị nghẽn mạng?
Mọi người cùng dồn vào một con đường để đi thì nguy cơ ùn tắc xảy ra. Mạng cũng vậy. Hàng chục nghìn người truy cập cùng một thời điểm, website www.vetau.com.vn bị hacker tấn công thì nghẽn mạng là tất yếu. Nhưng nếu không bán qua mạng thì chọn phương thức nào?
Nhiều người chất vấn ngành đường sắt và lãnh đạo GSG tại sao không cho xếp hàng mua vé trực tiếp? Mấy năm trước chúng tôi đã áp dụng rồi nhưng thấy hành khách (HK) xếp hàng mua vé khổ quá. Xếp hàng lấy số thứ tự rồi, vào ga mua vé lại xếp hàng tiếp, rất nhiêu khê.
Việc giải quyết nhu cầu tối thiểu trong lúc xếp hàng như ăn uống, vệ sinh, … rất khó khăn, bất tiện. Đó là chưa nói xếp hàng ròng rã, đến lượt HK thì vé cần mua đã hết.
Nhắn tin đặt chỗ cũng đã áp dụng cách đây vài năm nhưng cũng có nhiều hạn chế như: HK không biết vé nào còn, vé nào hết, nhắn tin nhiều thì mất tiền nhiều nhưng chưa chắc đã có vé nên hiện nay chúng tôi không triển khai nữa, chỉ làm phương thức dự phòng của hình thức đặt chỗ qua mạng.
Hành khách mua vé tàu Tết tại Ga Sài Gòn. Ảnh: LT. |
Vì sao không thực hiện song song hai phương thức vừa bán qua mạng, vừa bán trực tiếp tại ga?
Làm như vậy sẽ không công bằng với người xếp hàng mua vé trực tiếp. Để công bằng và giảm phiền hà cho HK thì chỉ còn cách đưa hết lên mạng. Trước khi bán đại trà, chúng tôi đã giải quyết bán vé tập thể cho các đơn vị, bán cho các đối tượng chính sách, sau đó mới bán qua mạng, bán trực tiếp.
Rất nhiều HK phàn nàn không biết lên mạng, lướt web, việc bán vé qua mạng là gây khó khăn, thậm chí đánh đố hành khách?
HK không biết vào mạng có thể đến bất kỳ đại lý Internet nào, thuê máy và nhờ người khác hướng dẫn. Chi phí không nhiều. Ngoài ra, GSG còn vé dự phòng, ghế phụ và sẽ bán trực tiếp tại ga cho hành khách từ ngày 20-12 nên HK có thể yên tâm.
Ngày đầu tiên đặt chỗ mua vé Tết qua mạng, lợi dụng nhiều HK không truy cập vào mạng được, một số cò vé vào phòng vé của ga để mời chào, níu kéo. Ông có biết việc này?
Đó là những cò vé mới hành nghề nên lực lượng công an, bảo vệ ga chưa biết mặt. Những cò vé đã quen mặt sẽ bị chặn ngay từ cổng.
Cò vé công khai mời chào, níu kéo, viết biên nhận, thu chứng minh nhưng tôi đảm bảo là sẽ không có vé để giao. HK cần hết sức bình tĩnh. Nếu đặt mua vé của cò sẽ có nguy cơ vừa mất tiền vừa mất CMND.
Năm ngoái, ga Sài Gòn phối hợp công an phường 9 (quận 3) bắt một vụ vé giả quy mô lớn, thu giữ 55 vé giả, được làm hết sức tinh vi.
Nếu không có vé giao, thất hứa, lừa đảo, cò vé chỉ làm ăn được một mùa nhưng tại sao lại tái diễn hết năm này sang năm khác. Phải chăng, nhiều cò vé cấu kết với nhân viên đường sắt tuồn vé thật ra ngoài chợ đen?
Trước khi bán vé Tết, nhân viên nhà ga đã ký cam kết với Trưởng ga, nếu để vé lọt ra ngoài sẽ bị kỷ luật buộc thôi việc. Khi tổ chức bán vé tàu Tết qua mạng, nhân viên nhà ga cũng không có vé.
Chúng tôi quản lý bằng hệ thống. Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn là người quản lý hệ thống, đưa chỗ lên mạng, tiếp nhận đặt chỗ. Còn GSG chỉ giữ vé “trắng”. Chỉ khi nào chỗ trên tàu có người đặt và thanh toán, nhân viên ga Sài Gòn mới in được vé hợp lệ (có code vé).
Nhân viên ga không thể tự lấy và bán vé có code trên mạng. Và cũng không ai dại gì đánh đổi công việc ổn định để lấy vài vé tàu bán ra ngoài thu vài trăm nghìn đồng.
Nếu phát hiện vé “trắng” trùng chỗ với vé có code trên tàu, căn cứ thời gian in vé, chúng tôi dễ dàng xác định nhân viên nào vi phạm và buộc thôi việc.
Cò nói vé do nhân viên đường sắt, nhân viên nhà ga tuồn ra để lừa những HK cả tin. Có trường hợp, cò vé lên mạng đặt chỗ và cũng chỉ đặt mua được một vài vé thôi. Còn hầu hết là lừa đảo. Cò làm ăn lâu dài là nhờ bán vé thanh toán.
Họ cạo sửa vé cũ và bán lại cho một số người khác có nhu cầu làm chứng từ để về cơ quan thanh toán. Nếu bỏ chế độ thanh toán tiền tàu xe thì cò vé hết đường làm ăn.
Cám ơn ông!
Theo Tienphong