Đại học, cao đẳng tư than khóc!

Thứ năm, 20/12/2012, 09:20
80 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ thu hẹp một phần, thậm chí đóng cửa vì không tuyển được sinh viên.

Ngày 19/12, lãnh đạo các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngoài công lập đã họp bàn về kế hoạch tuyển sinh năm 2013.

Tuyển sinh đại học
 Trường Đại học FPT là trường ngoài công lập hiếm hoi tuyển sinh đủ chi tiêu

Sinh mà không dưỡng

GS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, bày tỏ đau xót khi Bộ GD-ĐT “đẻ” ra các trường ngoài công lập nhưng lại không chăm sóc, nuôi dưỡng.

“Mình sinh ra một đứa con, dù có bị suy dinh dưỡng thì cũng phải tìm mọi cách nuôi dưỡng chứ không thể bỏ rơi” - GS Nhĩ ví von.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), hỏi: “Không hiểu sao tuyển sinh nước mình lại khó thế?”. Tuy nhiên, chính vị hiệu trưởng này đã tự trả lời rằng chỉ tiêu các trường công lập tăng nên họ phải “vét” đến tận đáy khiến các trường tư không thể tuyển được.

Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông (Hà Nội), thừa nhận nếu con mình bằng điểm sàn thì cũng sẽ cho vào trường công để đỡ tốn tiền.

“85% sinh viên hiện nay đang học ở các trường công lập, nếu họ tuyển dư 10% hệ số an toàn thì ngoài công lập không thiếu mới lạ” - ông Dụ nói.

Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, cho rằng Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều phương án cải tiến nhưng thực chất là “cải lùi” như cho kéo dài thời gian xét tuyển, điểm nguyện vọng sau không cần cao hơn nguyện vọng trước...

“Bộ GD-ĐT cho kéo dài thời gian không hạn chế tuyển sinh, các trường công lập hạ xuống sàn, vậy thì em nào chịu vào ngoài công lập khi học phí quá cách xa nhau?” - ông Nghị đặt vấn đề.

Hai điểm sàn là miệt thị trường tư

Để cứu các trường ngoài công lập thoát khỏi “cái chết được báo trước”, GS Trần Xuân Nhĩ đề xuất khi các trường còn chỗ, còn thầy thì cho tuyển đủ chỉ tiêu để tránh lãng phí cơ sở, giáo viên. Về việc bảo đảm chất lượng, các trường có thể yêu cầu thí sinh vào học hệ dự bị, sau đó tổ chức một kỳ kiểm tra rồi cho vào học chính thức.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tạo, Hiệu trưởng Trường CĐ ASEAN, cho rằng không nên quá quan ngại về chuẩn đầu vào, nếu thí sinh có điểm dưới sàn thì nhà trường có thể bổ túc vài tháng cho các em trước khi vào học chính thức.

Lãnh đạo không ít trường kiến nghị mùa tuyển sinh năm 2013, nếu chưa bỏ “3 chung” và cho các trường tự tổ chức tuyển sinh thì Bộ GD-ĐT nên xây dựng 2 điểm sàn, 1 cho các trường công lập và 1 cho ngoài công lập. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hùng lại cho rằng đưa ra 2 điểm sàn là miệt thị các trường ngoài công lập.

Theo ông Bùi Thiện Dụ, Bộ GD-ĐT đổ lỗi cho các trường là không có thương hiệu nhưng có người để chọn thương hiệu nữa hay không là một câu hỏi khó trả lời vì bấy lâu nay bộ không hề công bố phổ điểm từng môn cũng như phổ điểm 3 môn/khối.

“Bộ GD-ĐT yêu cầu chúng tôi phải công khai minh bạch thì phải công bố phổ điểm cho chúng tôi được biết” - ông Dụ nói.

Ông Phan Trọng Phước, Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam, cho rằng giải pháp hữu hiệu để nguồn tuyển dồi dào là đề thi có phổ điểm tốt.

“Đề thi mà phổ điểm 3 môn đa số rơi vào 7 như hiện nay thì không phải đề thi tốt, trong khi điểm sàn lại tới 13. Bộ GD-ĐT nên tổng kết đánh giá việc ra đề, nếu ra đề sao cho số lượng thí sinh được 13 điểm không phải 400.000 em mà là 700.000 thì mới đủ nguồn tuyển” - ông Phước nói.  

Vài ba năm nữa sẽ “chết”

Ông Lê Viết Khuyến, Trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, khẳng định vài ba năm nữa, các trường này sẽ tự “chết” nếu vẫn tuyển sinh như bây giờ.

Bà Nguyễn Thị Hà, Trường ĐH Thành Đông, đề xuất Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải có những buổi đối thoại mở với Bộ GD-ĐT để được trình bày những vấn đề vướng mắc.

 

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn