Điểm nhấn chính trị 2012

Thứ năm, 20/12/2012, 08:15
TƯ ban hành Nghị quyết về phê bình, tự phê bình; QH nhất trí chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm... là những điểm nhấn chính trị trong năm 2012.

1. Hội nghị TƯ 6

Từ ngày 1-15/10, Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XI đã họp hội nghị lần thứ 6 để thảo luận, cho ý kiến các báo cáo, đề án về Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, quyết định việc thành lập Ban Kinh tế TƯ.

Lần đầu tiên, TƯ bàn và ra Nghị quyết về xây dựng quy hoạch Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Cũng tại hội nghị này, lần đầu tiên, Ban chấp hành TƯ thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. 

Hội nghị TƯ 6
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước kỳ họp QH

TƯ đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến về kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Gặp gỡ cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, tinh thần nghiêm túc của Hội nghị TƯ 6 cơ bản đạt yêu cầu nhưng chưa phải là xong. Việc phê bình, kiểm điểm sẽ làm lâu dài, thường xuyên, "làm như rửa mặt hàng ngày".

2. Nghị quyết TƯ 4 về phê bình và tự phê bình

Ngày 16/1, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết TƯ 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", trong đó nhấn mạnh đấu tranh phê bình và tự phê bình, với kỳ vọng tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết được đánh giá là rất cụ thể và thiết thực, đáp ứng được những đòi hỏi bức xúc của cán bộ và nhân dân.

Tiếp xúc với cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tinh thần "nhân văn" của Nghị quyết là "đấu tranh có lý có tình để tất cả cùng tiến lên chứ không cốt kỷ luật nhiều thì mới tốt". 

Mục tiêu của Nghị quyết trước hết là cảnh tỉnh, sau đó là cảnh báo nguy cơ, là răn đe và ngăn chặn. Ý nghĩa của bản Nghị quyếtgiống như việc nhóm lên một bếp lò vậy.

Theo ông Trọng, việc học tập và làm theo Nghị quyết không chỉ riêng ở một nhiệm kỳ mà còn phải tiếp tục làm ở các nhiệm kỳ sau, bởi đây là một nhiệm vụ quan trọng, có liên quan đến sự sống còn và tồn vong của chế độ. 

3. Nghị quyết bỏ phiếu tín nhiệm

Kỳ họp thứ 4, QH khóa 13 đã thông qua Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, thực hiện từ năm 2013, đem lại nhiều kỳ vọng cho cử tri về đổi mới công tác cán bộ. 

Bỏ phiếu tín nhiệm
QH sẽ lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm 49 cán bộ cấp cao từ 2013. Trong ảnh: đại biểu QH Dương Trung Quốc 

Chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm để loại khỏi bộ máy những cán bộ tha hóa, mất uy tín với Đảng với dân vốn đã được luật hóa 10 năm nay song chưa từng được thực hiện, làm mai một niềm tin của người dân với quyền năng của QH. 

Trước đòi hỏi của người dân về một tiến trình dân chủ trong công tác cán bộ, việc QH thông qua bản nghị quyết được xem như việc "không thể không làm" bởi sức ép của đổi mới. Hiện Thường vụ QH đang soạn thảo quy chế hướng dẫn để QH tiến hành lấy phiếu đánh giá 49 chức danh chủ chốt ngay năm 2013.

4. Sửa Hiến pháp sau 20 năm

Sau thời gian rục rịch chuẩn bị, tại kỳ họp thứ 4, lần đầu tiên QH đã bàn việc sửa Hiến pháp 1992, một bản "đạo luật gốc" có ý nghĩa quan trọng. Nhiều đại biểu đã chia sẻ cảm giác đang làm một việc rất hệ trọng và nếu bản Hiến pháp sửa đổi được thông qua trong nhiệm kỳ QH khóa 13 thì đây có thể xem là một nhiệm kỳ QH đặc biệt.

Chặng đường 20 năm đổi mới của đất nước vừa qua đã đủ để đúc rút không ít bài học kinh nghiệm thành công lẫn thất bại. Không ít người kỳ vọng việc sửa đổi Hiến pháp trong thời điểm chín muồi hiện nay sẽ là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá lại những hạn chế, tạo ra bước phát triển mới cho đất nước.

Trong lần sửa đổi này, nhiều vấn đề mới đã được đặt ra như bổ sung chương riêng về quyền con người, bổ sung các nội dung về kiểm soát quyền lực... Sau khi được QH cho ý kiến lần đầu, bản dự thảo sẽ còn tiếp tục được hoàn thiện. 

5. Bắt nguyên Cục trưởng Dương Chí Dũng

Ngày 18/5, cơ quan điều tra khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng với ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải về hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Thời điểm nhà chức trách tống đạt các quyết định trên, ông Dũng đã chạy trốn. Sau hơn 3 tháng bị truy nã, ông Dương Chí Dũng đã bị bắt vào ngày 4/9.

Sự kiện trên gây không ít quan ngại trong dư luận về các vấn đề như quy trình điều chuyển với cán bộ đang bị sai phạm, trách nhiệm quản lý nhà nước khi để xảy ra thất thoát ở một tập đoàn kinh tế lớn (Vinalines)... 

Trước sai phạm, thất thoát của hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn, Chính phủ đã có nhiều động thái để "siết" hoạt động của các "quả đấm thép", như chấm dứt thí điểm một số tập đoàn, cam kết với các nhà tài trợ cũng như trước QH sẽ "tăng cường giám sát".

6. Thay đổi mô hình BCĐ phòng chống tham nhũng

Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi được QH thông qua tại kỳ họp thứ 4 đã điều chỉnh một nội dung quan trọng nhất, đó là lập BCĐ TƯ phòng chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư đứng đầu. Tổ chức, hoạt động của Ban sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng, bảo đảm nguyên tắc Đảng không làm thay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. 

Chống tham nhũng
QH đã thông qua luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi

Hàng loạt vụ việc thất thoát tại các "ông lớn" trong thời gian qua đặt ra vấn đề về hiệu lực của bộ máy phòng chống tham nhũng. Vì vậy, việc thay đổi mô hình ban chỉ đạo cùng với việc tái lập Ban Nội chính TƯ được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá mới trong kiếm soát "quốc nạn". Tại diễn đàn QH, nhiều đại biểu thậm chí còn đề xuất lập cơ quan độc lập tại QH chuyên trách điều tra các vụ án lớn.

7. Tiên Lãng và cú sốc cuối dồn vào luật Đất đai sửa đổi

Ngay trước Tết Nguyên đán đầu năm nay, tâm điểm dư luận hướng về Tiên Lãng (Hải Phòng), nơi vừa xảy ra vụ án cưỡng chế đất đai của chính quyền Tiên Lãng với gia đình ông Đoàn Văn Vươn.

Vụ án thu hút dư luận Việt Nam vì đây được coi là đỉnh điểm về xung đột đất đai, của những bất cập về cả pháp luật đất đai, việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương và là một bài học về công khai thông tin.

Việc thu hồi đất sau đó đã được hủy bỏ. Ngoài việc một số người dân bị bắt và khởi tố, một số lãnh đạo địa phương sau đó đã bị đình chỉ công tác và cách chức.

Ngay sau vụ Tiên Lãng và vụ cưỡng chế ở Văn Giang (Hưng Yên), cơ quan quản lý không thể làm ngơ trước thực trạng các vụ khiếu kiện kéo dài, đông người và căng thẳng nhất đều xoay quanh câu chuyện đất đai. Xung đột chỉ có thể hóa giải khi những vấn đề mấu chốt nhất được xử lý như chuyện giá đất, đền bù, chế độ sở hữu...

Sau nhiều lần trì hoãn, dự thảo luật Đất đai sửa đổi đã chính thức được trình QH tại kỳ họp cuối năm và sẽ được lấy ý kiến người dân vào đầu năm sau.

Tuy nhiên, dự án luật vẫn chưa làm hài lòng các nhà hoạch định chính sách cũng như người dân bởi còn né nhiều vấn đề cốt tử. Ban soạn thảo sẽ còn phải tiếp tục hoàn thiện bổ sung để xây dựng một dự án luật chi tiết, mới mẻ hơn, với tầm vóc phải xứng với "một bộ luật giống như Bộ luật Dân sự".

8. Thông qua luật Biển Việt Nam sau hơn 10 năm chuẩn bị

Ngày 21/6, QH đã thông qua luật Biển Việt Nam sau quá trình "thai nghén" suốt ba nhiệm kỳ QH. 

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định với báo giới: "Với việc thông qua luật Biển Việt Nam, lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta".

 

Theo VNN

Các tin cũ hơn