Các chiến hạm của Hải quân Mỹ và Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản trong một cuộc tập trận chung ở biển Hoa Đông hồi tháng 11. Ảnh: AP |
AFP dẫn tin từ một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, cơ quan này sẽ gửi phi cơ săn tàu ngầm P-8, các tên lửa hành trình, các tàu ngầm lớp Virginia, tàu chiến duyên hải và các chiến đấu cơ F-35 đến các cảng và căn cứ châu Á trong những năm tới.
"Những gì các bạn đang thấy chỉ là phần nhỏ trong một nỗ lực lớn hơn, Thái Bình Dương sẽ là nơi đầu tiên đón nhận hệ thống vũ khí mới nhất", ông cho biết.
Lầu Năm Góc tuyên bố chuyển trọng tâm quốc phòng sang châu Á sau một thập kỷ tập trung cho các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Động thái này phản ánh mối quan ngại của Mỹ trước sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc, cũng như lập trường ngày một quyết đoán của nước này trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với các láng giềng.
Mỹ đã lên kế hoạch triển khai hơn một nửa hạm đội của mình đến châu Á-Thái Bình Dương và bổ sung 4 tàu chiến duyên hải được triển khai luân phiên tại Singapore.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm 18/12 cho biết, chiến đấu cơ tàng hình F-35 Joint Strike đang trong quá trình phát triển có thể được triển khai tại căn cứ không quân Iwakuni, ở tỉnh Yamaguchi của Nhật Bản vào năm 2017.
Washington cũng sẽ cung cấp cho Nhật Bạn một radar X-band mạnh khác nhằm tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa, một động thái đã được tuyên bố từ hồi tháng 9.
Quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhắc lại những cuộc hội đàm gần đây tại các thủ đô ở Đông Nam Á, cho biết các chính phủ đang theo dõi sát sao xem ban lãnh đạo chính trị và quân sự mới của Trung Quốc sẽ xử lý các tranh chấp lãnh thổ như thế nào.
"Có những mối quan ngại rõ ràng và sâu sắc" quanh những động thái gần đây của Bắc Kinh trên Biển Đông", quan chức trên nói, đề cập đến những quy định hàng hải mới từ tỉnh Hải Nam, bản đồ gây tranh cãi trên các hộ chiếu mới và việc các tàu cá Trung Quốc gây đứt cáp địa chấn của một tàu Việt Nam.
Theo VNE