Chạy trường, chạy chức: Biết mà không biết!?

Thứ bảy, 22/12/2012, 08:58
Để con được vào trường tiểu học mong muốn, nhiều phụ huynh tiết lộ đã dùng những cách như “trả lệ phí cao”, nhờ người quen biết và kể cả việc chuyển hộ khẩu đến nhà người thân...

Đó là kết luận từ đề tài nghiên cứu khoa học “Xu hướng chọn trường tiểu học của phụ huynh TP.HCM” do một nhóm sinh viên khoa xã hội học - công tác xã hội Trường ĐH Mở TP.HCM thực hiện trong tháng 3/2012.

chay truong
Ảnh: Tuổi Trẻ

Đề tài được thực hiện bằng cách khảo sát trên 150 phụ huynh có con đang học tiểu học ở Q.3, Q.Tân Bình và huyện Hóc Môn (mỗi nơi 50 phụ huynh).

Tuổi Trẻ cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy trong 150 phụ huynh được hỏi, tỉ lệ có con học trái tuyến chiếm gần một nửa với 45,3%. Phụ huynh lý giải việc họ phải “chạy” trường cho con học trái tuyến là do những yếu tố sau: chú trọng danh tiếng của trường, chất lượng giảng dạy của giáo viên, trường đúng tuyến chất lượng không tốt, không xin vào được trường đúng tuyến và cả “gần nơi làm việc để thuận tiện đưa đón”.

Được biết, để con mình được học tại trường trái tuyến như mong muốn, 54,4% phụ huynh khi được hỏi đã thừa nhận mình có nhờ người quen biết “chạy” trường cho con. Trong khi đó, 30,9% phụ huynh khác cho biết mình “tự nộp hồ sơ vào trường không đúng tuyến”.

Đáng lưu ý, cứ mười phụ huynh được hỏi thì có một người tiết lộ mình “phải trả lệ phí cao để được nhận hồ sơ” chạy trường cho con.

Việc “chạy” trường đã không còn xa lạ với phụ huynh khi 76% trả lời “có biết” việc này và 24% không biết. Thái độ của ông/bà đối với vấn đề “chạy” trường như thế nào? Với câu hỏi này, có đến 64,9% cho rằng đó là việc... bình thường. Còn lại 31,6% phụ huynh không đồng tình và số lượng phụ huynh đồng tình với “chạy” trường chỉ chiếm con số nhỏ, với 3,5%.

Cùng với sự phổ biến của tình trạng chạy trường, ĐB Trần Trọng Dực, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội tại HĐND TP trong ngày họp (7/12) cũng đã công bố “mức giá sàn” để có cơ hội trở thành công chức thủ đô: không dưới 100 triệu.

Ông Dực cũng chỉ rõ, đầu mối chạy chức là trưởng phòng nội vụ các quận, huyện.

Liên quan đến vụ việc này, ĐB Đỗ Văn Đương nhìn nhận, chạy chức đã tạo ra một lớp người ngu dốt, năng lực yếu, phẩm chất tồi tệ. Những người có tài, có năng lực, phẩm chất không chấp nhận chạy chức chạy quyền thì khó có thể đứng vào vị trí tốt. Hệ quả của tình trạng này rất nghiêm trọng.

Nó sẽ tạo ra một đội ngũ cán bộ công quyền thối nát, chỉ biết tham ô, hối lộ, chỉ biết vâng dạ mà không dám nói lại cấp trên, chỉ biết lo kiếm lợi cho bản thân mình.

Theo Phunutoday

Các tin cũ hơn