Quảng Nam: Tiền dành dụm mấy chục năm đem làm cầu cho dân đi

Thứ bảy, 22/12/2012, 09:17
“Vì thấy người dân đi làm đồng vất vả qua cầu tre nguy hiểm nên tôi lấy số tiền để dành mấy chục năm của mình ra làm cầu để người dân đi cho an toàn”.

Đó là tâm sự của người đã dành hết tiền của và công sức làm cây cầu phục vụ người dân quê mình.

Sau hơn hai tháng thi công, sáng 21/12, chiếc cầu phao với gần 150 thùng phuy, mặt cầu là ván gỗ đã được đua qua bên kia sông Vu Gia để hàng ngàn người dân hai xã Đại An và Đại Cường (huyện Đại Lộc) cùng hàng trăm em học sinh đi lại cho an toàn.

 tu thien

Cầu phao chuẩn bị đưa qua sông

Quệt mồ hôi trên khuôn mặt rám nắng, ông Lê Tất Dũng (48 tuổi, trú thôn Phú Lộc, xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) - chủ nhân của cây cầu - tâm sự: “Làm được cây cầu cho bà con đi, tôi vui cái bụng lắm chú à. Dù chưa hoàn chỉnh nhưng từ nay người dân ở các thôn xung quanh đây đi làm đồng và học sinh đến trường không phải qua cầu tre hay đi đò nữa”.

Ông Dũng cho biết, đây là cây cầu do ông tự nghĩ ra và tự làm gồm 146 thùng phuy bằng sắt, 1,8 tấn sắt, 4 khối gỗ để làm mặt cầu. Tổng giá trị khoảng 280 triệu đồng. “Đây là số tiền tôi để dành mấy chục năm vốn định để làm nhà. Tôi sống một mình không có vợ con gì nên tôi lấy số tiền đó làm cầu cho bà con đi, như vậy thì ý nghĩa hơn”, ông Dũng tâm sự.

 tu thien
 Cây cầu vừa được nối đôi bờ sông Vu Gia vào sáng 21/12

Đoạn sông Vu Gia cắt ngang các thôn 4, 8, Nghĩa Nam, Phú Lộc của hai xã Đại An và Đại Cường của huyện Đại Lộc với hàng ngàn dân qua lại mỗi ngày. Cây cầu với tổng chiều dài 78m, chiều rộng mặt cầu là 2m và trọng tải 750kg. Đây là cây cầu thay cho cây cầu tre tạm bợ có từ hơn 10 năm nay với bao hiểm họa rập rình.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, trước đây tôi làm thợ máy ở Đà Nẵng. Hai năm nay tôi về nhà mở quán sửa xe máy. Nhiều lần chứng kiến cây cầu tre bắc qua đoạn sông này người dân đi xe máy qua cầu rớt xuống sông, may mà không có người chết. Hơn nữa mỗi mùa lũ về là chiếc cầu bằng tre bị trôi nên việc làm lại cũng tốn nhiều tiền của”, anh Dũng lý giải khi mình quyết định dùng số tiền tiết kiệm để làm cây cầu này.

 tu thien

Người dân vui khi có cây cầu mới

Ông Dũng cũng tâm sự: "Số tiền để dành đã làm hết cầu, còn đường dẫn và hai mố cầu tốn khoảng 100 triệu nữa tôi đang vay mượn để làm tiếp. Nếu có ai hỗ trợ thì tốt quá".

Khi được hỏi ông có định thu phí của người dân qua lại không, ông Dũng nói: "Tôi chưa nghĩ đến chuyện lấy tiền của người dân để lấy lại số tiền đã làm cầu. Tôi chỉ nghĩ làm cầu cho bà con đi cho an toàn thôi!".

Đặt chân trên cây cầu vừa được ông Dũng nối đôi bờ sông Vu Gia, ông Huỳnh Hóa (50 tuổi, nông dân ở thôn 8, xã Đại An) hồ hởi: “Từ nay đi làm đồng khỏi sợ té ngã nữa, người dân chúng tôi vui lắm”. Theo ông Hóa, từ khi ông Dũng làm cầu người dân ở đây cũng phụ giúp công cán cho ông mỗi khi rảnh rỗi.

 tu thien

Ông Dũng tiếp tục hoàn thiện cây cầu

Ông Ngô Văn Năm (48 tuổi, nông dân thôn Nghĩa Nam, xã Đại An) cũng phấn khởi không kém: "Nông dân chúng tôi từ bên này sông qua bên kia làm đồng vất vả lắm. Lúc trước có cầu bằng tre nhưng đi thì sợ bị té, gánh phân với giống qua lúc nào cũng sợ lọt sông. Giờ có cây cầu này rồi thì chở phân và giống đi vô tư".

Trưởng Ban thôn Phú Lộc (xã Đại An), ông Nguyễn Văn May cho biết: "Bà con rất ủng hộ ông Dũng làm cầu. Tiền thì không có nhưng người dân chúng tôi ủng hộ công để giúp ông Dũng làm cầu".

Ông Dũng bên căn nhà xập xệ của mình. Số tiền dành định làm nhà ông đã mang đi xây cầu hết

Về việc ông Dũng làm cầu cho dân đi, Phó Chủ tịch UBND xã Đại An (huyện Đại Lộc), ông Đỗ Văn Hòa nói: “Chủ trương của xã thống nhất để ông Dũng làm cầu vì đất sản xuất của xã trên 30ha nằm bên kia sông. Bao nhiêu năm nay người dân đi làm qua cầu hay ghe rất nguy hiểm, nếu có cầu để người dân đi thì tốt hơn”.

Hỏi UBND xã có ủng hộ tiền để hỗ trợ ông Dũng làm cầu không? Ông Hòa cho biết: Nếu có hỗ trợ gì cho ông Dũng thì xã phải họp thường trực ủy ban mới thống nhất được.

Theo Dantri

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn