Các chuyên gia trên khắp thế giới trong đó có đội ngũ các nhà khoa học hùng hậu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng như Tòa thánh Vantican hoàn toàn phủ nhận ngày trái đất diệt vong vào ngày 21/12/2012.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa địa cầu được an toàn tuyệt đối trong tương lai xa, bởi vẫn tồn tại hàng loạt mối nguy tiềm tàng đang rình rập trái đất.
Sao chổi tối lao vào trái đất
Tính tới thời điểm hiện tại, sao chổi tối là mối nguy duy nhất từ không gian có khả năng đe dọa sự tồn tại của trái đất mà các nhà khoa học không thể phát hiện. Giáo sư Jocelyn Bell Burnell, nhà vật lý thiên văn hàng đầu thế giới tin rằng, sao chổi tối là vật thể bay duy nhất tiến sát trái đất mà các thiết bị khoa học tiên tiến không phát hiện được.
Theo định nghĩa khoa học, sao chổi tối chứa rất ít băng tuyết và được bao quanh bởi bụi, gây cản trở toàn bộ quá trình phát hiện quỹ đạo di chuyển của nó. Trên thực tế, quỹ đạo của những sao chổi lang thang trong hệ mặt trời được theo dõi rất chặt chẽ bởi nhằm có phương án xử lý kịp thời trước khi chúng gây đe dọa tới trái đất. Tuy nhiên, chưa một sao chổi tối nào được các nhà khoa học ghi nhận.
Mang theo số lượng bụi khổng lồ lang thang khắp không gian phần nào cho thấy kích thước của sao chổi tối. Trong trường hợp nó lao vào trái đất, bầu khí quyển mỏng manh của chúng ta không đủ sức đốt cháy toàn bộ những khối đá khổng lồ, dẫn tới vụ va chạm kinh hoàng, đủ sức hủy diệt toàn bộ sự sống trên trái đất.
Trong trường hợp trái đất không bị phá hủy, lượng bụi khổng lồ tạo ra trong quá trình va chạm sẽ che phủ cả địa cầu khỏi ánh nắng mặt trời, dẫn tới sự diệt vong muôn loài.
Siêu núi lửa phun trào
Bên cạnh mối nguy từ không gian, địa cầu còn phải đối mặt với sự trỗi dậy hàng loạt của những siêu núi lửa, vốn ngủ yên từ hàng trăm ngàn năm trước. Nằm dưới Công viên Quốc gia Yellowstone của Mỹ là siêu núi lửa cùng tên với chu kỳ hoạt đông khoảng 800.000 năm/lần. Trong lịch sử hình thành trái đất, mỗi lần những siêu núi lửa như Yellowstone tỉnh giấc là cả địa cầu lại biến đổi.
Dù con người chưa một lần có cơ hội chứng kiến siêu núi lửa thức giấc nhưng nếu so sánh với những ngọn núi lửa bình thường, sức tàn phá của những địa ngục như Yellowstone mạnh gấp hàng chục ngàn lần. Lượng tro bụi và dung nham của siêu núi lửa tung ra cũng tỷ lệ thuận với sức tàn phá của nó.
Khối lượng khổng lồ dung nham trào lên mặt đất do siêu núi lửa thức giấc không chỉ thiêu rụi toàn bộ sự sống phía trên bề mặt mà nó còn gây ra sự hoán đổi địa chất lớn, đủ sức làm nứt gãy và di chuyển các mảng lục địa.
Lượng tro bụi khổng lồ bay lên trong quá trình siêu núi lửa phun trào đủ sức bao phủ và tồn tại hàng thiên niên kỷ phía bên khí quyển trái đất. Những đám mây bụi sẽ góp phần ngăn cản mặt trời sưởi ấm trái đất, gây ra sự hủy diệt sự sống trên diện rộng.
Nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu
Ngoài những mối đe dọa từ mẹ thiên nhiên, trái đất còn đứng bên bờ vực diệt vong do chính những tác động xấu tới môi trường mà con người đang gây ra. Trong những thập niên gần đây, khái niệm nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu đều trở thành tâm điểm của những hội nghị mang tầm quốc tế.
Sự ra đời, phát triển và hưng thịnh của máy móc kéo theo sự tàn phá không thương tiếc của con người đối với chính môi trường mà mình đang sống. Sau vài thế kỷ phát triển tràn lan, nhân loại đang phải hứng chịu những hậu quả mà mình đã gieo hạt. Khí hiệu ứng nhà kính do khí thải gây ra làm thủng tầng ozone mỏng manh, gây ra hiệu tượng nóng lên toàn cầu, đe dọa làm tan chảy lượng băng khổng lồ trên các địa cực.
Băng tan kèm theo sự tăng lên đột ngột của mực nước biển, nhấn chìm nhiều khu vực xuống đáy đại dương. Thậm chí, sự biến đổi khí hậu còn tạo ra các kiểu thời tiết cực đoan, quay lại tấn công chính cuộc sống của con người. Năm 2012 cũng chứng kiến những trận đại hạn và siêu bão trên khắp thế giới, cướp đi mạng sống của hàng chục ngàn người.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đang lo ngại những vụ rò rỉ khí metan ở những khu vực nằm sâu dưới đáy biển. Khi metan gây ra hiệu ứng nhà kính, khiến trái đất nóng lên nhanh gấp 20 lần so với khí thải carbon dioxide đang từng ngày sưởi ấm trái đất. Đặc biệt, những vụ lở đất dưới đáy đại dương, có khả năng làm thủng lớp vỏ bọc những mỏ khí metan khổng lồ dưới đáy biển hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của con người.
Vũ khí hủy diệt hàng loạt, dịch bệnh lạ
Bên cạnh những mối đe dọa khách quan, con người đang tạo ra sự hủy diệt cho chính tương lai nhân loại. Vũ khí hủy diệt hàng loạt bao gồm vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và vũ khí sinh học đang tạo ra một cuộc chạy đua quy mô toàn cầu, bởi hàng loạt quốc gia coi đó là bảo bối phòng thân hay vũ khí răn đe nước khác.
Trên thực tế, vũ khí hạt nhân chỉ được Mỹ sử dụng lần đầu tiên và duy nhất trong Thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, một phần lượng bom và đầu đạn hạt nhân mà Mỹ, Nga và các cường quốc quân sự khác trên thế giới đang sở hữu đủ sức thổi bay trái đất cũng như toàn bộ sự sống đang tồn tại bên trong nó. Không ít tổ chức quốc tế lo ngại, chiến tranh hạt nhân nổ ra sẽ kéo theo sự diệt vong của trái đất.
Bên cạnh vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh – hóa học cũng là mối đại họa đe dọa nhân loại. Dù những công ước cấm sử dụng những loại vũ khí chết người hàng loạt này được cộng đồng quốc tế chấp thuận nhưng nguy cơ từ nó vẫn không được loại trừ, nhất là trong bối cảnh thế giới đang hết sức hỗn loạn.
Bên cạnh vũ khí, những dịch bệnh lạ, với sức lây lan nhanh chóng cũng đang đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Năm 2002 – 2003, toàn thế giới đều thực sự rúng động khi xuất hiện một loại virus lạ, gây ra Hội chúng Hô hấp cấp tính nặng (SARS). Với sức lây lan nhanh và hết sức dễ dàng trong khi không có phương pháp điều trị chuyên dụng, đại dịch SARS nhanh chóng cướp đi mạng sống của 813 người, tương đương 9,6% số người nhiễm bệnh.
Tuy dịch SARS nhanh chóng bị khống chế nhưng không có gì đảm bảo một dịch bệnh tương tự nhưng khó kiểm soát hơn lại không bùng phát. Không ít người lo sợ sự xuất hiện của một loại virus mới nào đó, gây ra căn bệnh khó chữa, thời gian ủ bệnh lâu như HIV/AIDS nhưng lây lan nhanh và dễ dàng như virus SARS. Khi đó, sự tồn tại của loài người trên trái đất sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo Infonet