UBND TP HCM vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc không ủng hộ ý tưởng xây tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công, đồng thời kiến nghị Bộ tiếp tục triển khai các dự án thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2008.
UBND thành phố cho rằng qua tổng hợp ý kiến các sở, ngành chuyên gia cho thấy tuyến đê biển này sẽ không có hiệu quả chống lũ hay giảm lưu lượng lũ trong các sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ.
Nếu triển khai tuyến đê còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của rừng ngập mặn Cần Giờ, đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Các dải rừng ngập mặn chiều rộng 150-170 m từ Vàm Láng đến Tân Thành (Tiền Giang) sẽ bị biến mất, không còn nơi cho nhiều loài thủy sản cư trú và sinh sản.
|
Sơ đồ tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công. |
Cũng theo UBND TP HCM, việc xây dựng tuyến đê biển còn gây ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, cản trở đi lại của tàu thuyền tại các cảng nước sâu ở TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến đê cũng không đáp ứng được thời gian nhanh nhất cho tàu thuyền vào tránh bão.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp đã đưa ra ý tưởng xây dựng tuyến đê biển nối Gò Công - Vũng Tàu có tổng chiều dài 32 km, mặt đê rộng 50 m, nơi sâu nhất là 12 m.
Sau khi đê được xây dựng sẽ tạo hồ chứa với diện tích 56.000 ha, dung tích hồ chứa khoảng 3,3 tỷ m3. Dự án có tổng số vốn lên đến 66.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp, tuyến đê biển được xây dựng nhằm tạo vùng điều tiết nước giảm ngập úng, giảm xâm nhập mặn, ứng phó với mực nước biển dâng, đồng thời rút ngắn khoảng cách giao thông, tạo sự liên kết giữa các tỉnh miền Tây với Vũng Tàu và các tỉnh ở Nam Trung Bộ, mở rộng các khu đô thị mới cho TP HCM, Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, phát triển du lịch, điện năng...
Theo VNE