Các tàu tuần tra của cảnh sát biển Trung Quốc. Ảnh: Cqzg |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh đưa ra lời giải thích về phạm vi hoạt động nói trên vào ngày 31/12/2012, đúng một ngày trước khi quy định này có hiệu lực, Press TV cho hay.
Cùng ngày, người phát ngôn Trung Quốc cũng nhắc lại lập trường của nước này cho rằng cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp lãnh thổ là đàm phán.
Hồi tháng 11, chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ban hành quy định cho phép cảnh sát trên tàu tuần tra của Trung Quốc được phép lục soát và trục xuất các tàu nước ngoài đi vào khu vực được cho là lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông, trong bối cảnh nước này có tuyên bố chủ quyền với các nước láng giềng trong khu vực.
Sau khi được công bố, Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á bày tỏ nghi vấn và lo ngại trước quy định này của Trung Quốc. Ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN, gọi đây là việc làm "vô cùng nghiêm trọng, làm gia tăng mức độ lo lắng và quan ngại giữa các bên".
Theo các nhà phân tích, tỉnh Hải Nam được chính phủ Trung Quốc cho phép chủ động xây dựng các quy định của mình. Tỉnh này là một trong các nhân tố thể hiện tuyên bố của Trung Quốc với các quần đảo tranh chấp. Một nhân tố khác là lực lượng tuần duyên và thậm chí là các tập đoàn năng lượng.
Tuần trước, chủ tịch tỉnh Hải Nam cũng tuyên bố chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt kế hoạch đầu tư 10 tỷ nhân dân tệ (1,6 tỷ USD) để xây dựng cơ sở hạ tầng cho cái gọi là thành phố Tam Sa trên Biển Đông. Hai ngày sau đó, Trung Quốc cũng tuyên bố điều tàu tuần tra thế hệ mới nhất, có sân bay trực thăng, ra hoạt động tại đây.
Biển Đông là được cho là khu vực giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên và nằm trên tuyến đường vận tải quan trọng của thế giới. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông và có nhiều hành động thể hiện quyền với các đảo tranh chấp trong khu vực, khiến các nước láng giềng phản đối. Ngoài Trung Quốc, các nước ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cũng có các tuyên bố chủ quyền tại đây.
Theo VNE