Tốn khá nhiều công sức để tìm về nơi cất giữ nét văn hóa kỳ lạ này, bởi lẽ cái tục ăn đất hiện nay chỉ duy nhất một người trong thôn còn lưu giữ. Hỏi thăm, người thì bảo “giờ làm gì còn ai ăn nữa”, có người nói “không biết giờ có còn ai giữ tục này không”.
Giờ còn rất ít người thích ăn những miếng đất ngói như thế này. |
Loanh quanh mãi ở Lập Thạch, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đến nhà cụ Khổng Văn Loa và Khổng Thị Biện - những người ăn đất cuối cùng sống tại thôn Thống Nhất, xã Xuân Hòa, thị trấn Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngôi nhà nhỏ của 2 cụ mang đến cho chúng tôi cảm giác hồi cổ với nếp nhà tranh, vách đất - cấu trúc nhà truyền thống của người Việt xưa. Cả 2 cụ năm nay đã vào tuổi 79, “cái tuổi gần đất, xa trời”. Khi gặp chúng tôi, cụ Loa niềm nở tiếp chuyện, cụ bảo: “Bây giờ không mấy ai ăn đất nữa, chỉ còn mỗi nhà tôi thôi, bà nhà tôi hôm nay đi chợ bán đất, chắc cũng sắp về rồi”.
Cụ Biện, có lẽ là một trong những người "ăn đất" cuối cùng. |
Chờ khoảng 30 phút thì cụ Biện đi chợ về. Cụ Biện chia sẻ, đồi Vàng nhà cụ là nơi có nhiều đất ngói nhất. Để lấy được loại đất ăn được, phải đào một hố sâu khoảng 3-4m, lật hết lớp đất màu vàng bên trên mới đến lớp đất ngói này.
Đất ngói đào lên, đem phơi khô, sau đó chẻ thành những miếng nhỏ theo thớ đất, cạo hết lớp ken đất bên ngoài sẽ còn lại miếng đất trắng tinh như thạch cao. Khi ăn sẽ “chế biến” cho hương vị của miếng đất thêm thơm bằng cách riêng của nơi đây.
Cụ Biện hào hứng đi vào góc nhà, mang ra một túi đất ngói đã được phơi khô, từng miếng đất trắng như thạch cao. Cụ bảo: “Đây là đất chưa “hun”, đào được từ mấy ngày trước, tôi cất đi, khi nào muốn ăn sẽ mang hun”. Hiện tại, đồi Vàng nhà cụ vẫn còn 2 cái hố sâu, dấu vết của việc đào đất ngói.
Cụ Biện bên hố đào đất ngói. |
Chúng tôi được chứng kiến tận mắt các công đoạn “chế biến” món đất ngói của cụ Biện. Đất ngói sau khi phơi khô, chẻ thành từng miếng nhỏ sẽ được đặt trên một chiếc rổ thưa.
Cụ Biện lưng đã còng vì tuổi tác nhưng vẫn khá nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Cụ đi lên đồi, ngay ở đằng sau nhà hái một ít lá sim còn tươi, quay về rút một nắm rơm khô cầm trong tay, cụ vào bếp nhóm lửa, sau đó để rổ đất lên cho miếng đất quyện với làn khói lá sim. Khoảng 15 phút, miếng đất được hun ngả sang màu vàng và có mùi thơm đặc trưng do khói lá sim đã quyện vào.
Cụ Biện ra vườn hái một ít lá sim. |
Hun cho miếng đất quyện mùi khói lá sim. |
Cụ Biện hào hứng với những miếng đất thơm vàng vừa hun xong, cụ cầm nhai ngon lành và không quên mời chúng tôi cùng ăn thử. Cụ chia sẻ: “Ngửi mùi khói đã thấy thèm rồi, miếng ngói mùi thơm, vị bùi bùi, càng nhai càng ngon”.
Cụ Loa kể: “Ăn cái này nhiều người còn nghiện đấy, nhất là các bà bầu ngày xưa đi chợ cứ phải ngồi xuống hàng đất ngói đầu tiên, mua vài miếng ngồi nhai rồi mới đi đâu thì đi”.
Cụ kể, ngày xưa, có người thèm quá còn ra những nơi có đất ngói, nhặt những mảnh vụn rồi cứ thế ăn mà không cần chế biến.
Cụ Biện bùi ngùi chia sẻ thêm với chúng tôi: ngày xưa mới có nhiều người ăn, bây giờ chả còn ai ăn đất nữa, “Trẻ con có nhiều bánh, kẹo ngon hơn nên không đứa nào thèm ăn đất nữa”, cụ tỏ vẻ luyến tiếc.
Hiện tại, thỉnh thoảng cụ vẫn đi chợ bán, nhưng không mấy người mua nữa, số người "ăn đất" nay còn lại rất ít, hoặc bán cho khách du lịch mua về làm kỷ niệm.
Tục ăn đất được coi là một nét văn hóa độc đáo đang dần mất đi. Hình ảnh cụ ông, cụ bà cầm miếng đất nhai bỏm bẻm chả mấy nữa sẽ không ai còn được bắt gặp.
Theo Vietnamnet