Cứ ngỡ toàn bệnh nhân với nhau thì làm gì có chuyện lộn xộn, vậy mà ở khu “xóm chạy thận” này, mấy năm nay đã phải cử ra một ông trưởng xóm. Ngồi với ông một buổi, chúng tôi chỉ thấy được một phần những bi ai, khổ cực, đau đớn muôn trùng cùng nhiều chuyện khó xử của con người nơi đây. Còn “chức danh” như đã kể của ông Nguyễn Văn Tấn có lẽ là khó tin và bi hài bậc nhất ở đất Hà thành.
Ông trưởng xóm Nguyễn Văn Tấn
|
Những mảnh đời không lối thoát
Từ 40 năm trước, Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập khoa Thận nhân tạo. Thời điểm ấy, ở khu vực ngõ Cột Cờ, đường Lê Thanh Nghị (khi đó còn là ngoại thành) cũng hình thành nên một khu xóm trọ dành cho các bệnh nhân phải đi chạy thận. Trải qua bao thăng trầm mưa nắng, đã có hàng nghìn con người từng sống qua nhiều thế hệ ở đây để “thi hành án chung thân” với bệnh viện trong suốt những năm tháng cuối đời.
Giờ đây, “xóm chạy thận” ấy nằm trong ngách 80 ngõ 121 đường Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Một buổi chiều cuối thu lành lạnh, bầu trời u ám sau cơn bão mới qua, chúng tôi tìm đến xóm.
Vừa đến đầu ngách 80, hỏi thăm một người chẳng biết là bệnh nhân hay dân trong vùng, anh này nói ngay: “Hỏi xóm chạy thận thì cứ gặp ông Nguyễn Văn Tấn là ra hết. Ông ấy là trưởng xóm ở đây!”. Xe chúng tôi vừa đến cuối ngách thì tình cờ, một người đàn ông thấp bé với những bước đi khó nhọc xuất hiện. Khi chúng tôi vừa ngỏ lời, ông liền đáp: “Tôi là Tấn, các anh muốn hỏi gì?”.
Sau khi vào nhà, ông vạch ống chân đang băng bó cho biết: “Mấy hôm trước, có phái đoàn chuyên gia y tế Singapore sang Bệnh viện Bạch Mai giới thiệu phương pháp lọc máu mới cho những bệnh nhân chạy thận. Tôi là người may mắn được các chuyên gia Singapore mổ thử nghiệm bằng phương pháp thông mạch ở chân nên mấy hôm nay đi lại có phần hơi khó khăn”.
Ông Tấn với vết băng bó ở chân sau khi mổ để thông mạch
|
Người đàn ông đã sang tuổi 72 này, quê ở Hiệp Hòa, Bắc Giang có thâm niên 8 năm sống ở đây. Cổ tay của ông có một khối thịt nhô lên, đó là hậu quả của lần cắt ven, chấp nhận lọc máu để hy vọng mình sẽ được sống tiếp quãng đời còn lại. Đến giờ thì ông lại tiếp tục là một trong 2 người đầu tiên thử nghiệm phương pháp thông mạch ở chân. Chúng tôi thấy ông chẳng lúc nào có thể gượng nở được một nụ cười cả.
Cuộc đời buồn đau của bao nhiêu con người ở cái xóm này đã ngấm vào tâm trí của ông từ suốt 6 - 7 năm qua. Quãng thời gian đó, ông chấp nhận cái chức danh khác thường nhất mà có lẽ chả ai muốn ở đây. Những trang đời đau đớn và cùng cực nhất của các bệnh nhân phải chịu cảnh chạy thận ngày ngày đã dần dần hiện ra trong lời kể xót xa của ông Tấn.
Ông ngậm ngùi: “Đã là bệnh nhân chạy thận thì ai cũng đều xác định sẽ phải “thi hành án chung thân” với bệnh viện, bởi quay về nhà là chết, có thế thôi. Tôi đã nhập xóm được 8 năm nhưng chưa là gì cả vì ở đây có nhiều người đã chạy thận suốt 16 -17 năm.
Cá biệt có trường hợp của anh Nguyễn Văn Khai, 55 tuổi ở Sơn La đã chạy thận 20 năm nay rồi. Anh ấy giờ đã yếu đi nhiều. Sức cùng lực kiệt, tài sản gia đình cũng dần hết và chính anh ấy cũng biết mình chỉ còn sống được một thời gian ngắn nữa thôi”.
Chính vì chi phí đắt đỏ ở chốn đô thành cùng tiền viện phí cao nên ông Tấn cho biết, mình đã chứng kiến nhiều trường hợp người ta vào xóm trọ này, chạy thận được một thời gian thì hết tiền, đành phải về nhà nằm chờ chết.
Rồi ông đưa cho chúng tôi xem một bản danh sách 119 người đang ngụ cư ở cái xóm chạy thận. Những hàng tên chạy dài đến mấy trang A4 kéo theo vô vàn câu chuyện, vô vàn nỗi đau buồn của những bệnh nhân. Dừng lại ở tên một người phụ nữ mà theo ông, chị hiện là người đáng thương nhất xóm. Đó là chị Nguyễn Thị Thiết, 47 tuổi, quê ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Kể về chị, chúng tôi thấy nhiều lúc ông Tấn như muốn trào nước mắt xót thương.
Ông nhớ lại: “Sau khi nhập xóm được một thời gian, chị Thiết đã gặp tai nạn và xương tay bị gãy làm 4 đoạn. Đã phải chạy thận thường xuyên, nay lại cộng thêm bị tai nạn thì thật quá khổ. Nhưng chưa dừng ở đó, trong một lần chị đi tắm lại bị ngã tiếp và lần này thì xương đùi và xương chậu đã rời hẳn ra. Thời gian qua, chị ấy rất đau đớn và chỉ có thể nằm một chỗ. Nhà chị ấy rất khó khăn, bố là liệt sĩ, mẹ mất sớm, bản thân chị phải đi làm ô sin từ nhỏ rồi sau đó, không may mắc bệnh”.
Ông Tấn kể về hoàn cảnh người phụ nữ đáng thương ấy mà chính lòng mình thấy đau đớn. Ông cũng là bệnh nhân nên chẳng thể giúp chị ấy được gì. Ông bảo nếu không có người nhà đến chăm sóc thì trường hợp như chị Thiết phải thuê người phục vụ với giá công ít nhất cũng phải là 8-9 triệu/tháng. “ Với số tiền ấy, thử hỏi người đi làm ô sin như chị ấy lấy đâu ra để trả?” - ông Tấn nhấn mạnh.
Những mảnh đời đau khổ, cứ thế dần hiện ra cùng lời kể buồn bã của ông Tấn. Nhiều gia đình có bệnh nhân phải ra Hà Nội thuê trọ để chạy thận, đã hắt hủi người thân, không cho tiền của và mặc kệ sự sống chết của họ. Chính vì thế ở cái xóm này, nhiều người đã phải tự đi kiếm tiền để chữa bệnh.
Có người phải đi đánh giày, rửa bát thuê, một số phụ nữ lại phải vào bệnh viện bán nước để kiếm tiền. Thậm chí có trường hợp một người đàn ông ở Bắc Giang đến đây, chỉ có con nhỏ ở nhà không giúp đỡ được gì, đã phải ra bến xe Giáp Bát làm ăn xin.
Trăm việc đổ đầu ông trưởng xóm
Trực tiếp phân chia đồ từ thiện kèm theo những lời giải thích rõ ràng
|
Ngày xưa, ở xóm chạy thận không có trưởng xóm, trưởng khu, mạnh ai người đó sống, vô quy tắc, vô kỷ luật. Theo ông Tấn: “Cách đây khoảng 7 năm, ở xóm trọ này có một bệnh nhân nữ khá đặc biệt tên là N.H.C. (nay đã mất). Cô ấy khi đó đã được một số nhà báo đến viết và giúp quay một thước phim về xóm, đã được nhận 60 triệu đồng tiền từ thiện”.
Chuyện phân chia tiền nong lúc đó cũng xảy ra nhiều lộn xộn, người chia tiền và kẻ nhận tiền đều cảm thấy bức xúc và buồn chán. Trong tình cảnh ấy, một số người đã có lời nhờ ông Tấn đứng ra giúp xóm một số việc.
Được lòng tín nhiệm từ mọi người, ông Tấn từ đó chính thức trở thành “trưởng xóm chạy thận”. Đây có lẽ là chức danh không chính thức chứa đầy những nỗi niềm bi ai nhất ở chính mảnh đất Hà thành này.
Theo ông: “Đã là xóm chạy thận thì chỉ có người chuyển đến, chứ không có người chuyển đi. Nếu có đi thì chắc chắn là về nhà nằm chờ chết. Với những người chuyển đến thì đều phải kê báo vào danh sách do tôi quản lý để giải quyết vấn đề chia quà, tiền từ thiện sau này, hoặc sẽ được thăm hỏi khi ốm đau, cấp cứu”. Danh sách bệnh nhân ở xóm chạy thận này luôn luôn thay đổi và con số 119 trong tay ông Tấn hiện là con số cập nhật mới nhất.
Cách đây một năm, ông Tấn có thành lập CLB Đạo tràng niệm phật, với hơn 40 người tham gia (đều đặn là trên 20 người) từ 20 - 21 giờ 30 mỗi ngày nhằm nâng cao sức khỏe, tĩnh tâm, cũng là cách chữa trị phù hợp với bệnh nhân chạy thận.
Do đặc thù là một xóm chỉ gồm toàn các bệnh nhân chạy thận, nên có rất nhiều nhà hảo tâm đến làm từ thiện. Nhiều khi, bệnh nhân cứ ra đầu ngõ đứng, nếu thấy ai đến làm từ thiện thì lại vạch tay ra. Khi ấy nếu ai biết đó là bệnh nhân chạy thận thì họ cho ít tiền, quà gì đó. Nhưng điều đó kéo dài dẫn đến tình trạng lộn xộn, những người ở bên trong không được tiền liền thắc mắc.
Từ ngày ông Tấn lên giữ chức trưởng xóm, mọi việc đã đi vào quy củ. Chúng tôi đã chứng kiến cảnh có một nhóm học sinh trường Hà Nội Amsterdam mang những hộp cơm đến xóm làm từ thiện. Đầu tiên, các em tìm đến ông trưởng xóm, nhờ ký nhận.
Cũng chính ông lại mang cơm đi phân phát cho mọi người. Ngay mỗi lần có cơm hay mì tôm từ thiện như thế, ông lại phải lê từng bước khó nhọc với cái chân đau đến từng nhà để gọi mọi người ra chia. Có những dãy nhà ở xa, ông phải gọi điện thoại nhưng nhiều khi cũng chẳng được nên ông lại lê bước đến tận nơi mà gọi.
Gọi được mọi người ra rồi, ông lại phải tận tay chia mì tôm, cơm hộp cho từng người và giải thích rõ để ai cũng hiểu. Dù ông đã vừa nói, vừa làm vậy mà chúng tôi thấy vẫn có rất nhiều người thắc mắc chuyện được ít, được nhiều này kia. Chứng kiến cảnh đó, chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi vất vả của ông trưởng xóm.
Rồi khi xong việc, ông lại phải đại diện dân trong xóm gọi điện cảm ơn các nhà hảo tâm cũng như các cháu học sinh kia.
Ông tâm sự: “Mệt lắm chứ chả đùa, riêng về vấn đề tiền và quà từ thiện, khi có là tôi luôn họp xóm lại để phân chia ngay, tất cả đều công khai cho mọi người biết. Nhưng đâu chỉ có thế, ở xóm này đã có nhiều doanh nghiệp, cá nhân từng tự làm từ thiện theo cách của họ từ 3-4 năm rồi nên khi phân phát cũng có những chuyện phức tạp…”.
Ông bảo, có nhiều người nhận được quà, tiền từ thiện một lần rồi chả có ý kiến gì, thậm chí một lời cảm ơn cũng không, làm như vậy theo kiểu qua cầu rút ván thôi thì cũng xong nhưng với ông, việc ghi nhận tấm lòng tốt của các nhà hảo tâm và cả “nghệ thuật” giữ mối quan hệ với họ là rất cần thiết. Có như thế mới thuyết phục được họ khi đã làm một lần rồi sẽ quay lại lần khác với xóm.
“Có anh Tuấn ở Công ty Trường An đã làm từ thiện cho xóm này mấy năm nay rồi, không chỉ cho tiền mà còn nấu cơm từ thiện. Vào những ngày lễ Tết, tôi lại đến gặp anh ấy cùng gia đình để cảm ơn, chúc Tết…” - ông Tấn cho biết.
Trăm việc đổ đầu ông trưởng xóm, đúng là bất cứ việc lớn, việc bé gì ở đây cũng đều đến tay ông Tấn cả. Ông còn phải tự đi xin các doanh nghiệp, cá nhân được 14 triệu để lập quỹ với mục đích sẽ trích tiền đó ra thăm hỏi bệnh nhân khi họ ốm đau hoặc phải đi cấp cứu.
Còn nếu ai mất thì xóm sẽ cử người tới cúng viếng. Dù là trực tiếp đi xin, nhưng ông cho biết tiền quỹ trước nay đã phân công cho một chị tên Ngọc cầm, chứ bản thân ông không cầm để tránh mọi điều tiếng không hay.
Còn những tiền lặt vặt như photo, in ấn, điện thoại, đi đến nhà một số người làm từ thiện để cảm ơn… đều là tiền túi của ông phải bỏ ra. Ông bảo: “Bệnh nhân ai cũng khổ như nhau, mình đến cho tiền thì được chứ bảo họ đóng để làm quỹ chi vào việc của xóm thì khó lắm, không được. Tôi biết vậy nên đành bỏ tiền của mình ra để lo cho xóm vậy!”.
Những con số ° Đã phải chạy thận thì 100% phụ nữ không còn khả năng sinh đẻ, còn ở nam giới là chỉ còn 30% có khả năng được làm bố. Biến chứng của chạy thận nhân tạo là làm tăng hoặc tụt huyết áp dẫn tới đột quỵ, xuất huyết não, hoặc gây tai biến mạch máu não dẫn đến tử vong với tỷ lệ 80%. Mỗi năm, một bệnh nhân chạy thận phải vào bệnh viện lọc máu trung bình là 156 lần (13 lần/tháng) ° Tỷ lệ về số nam và nữ bệnh nhân ở xóm chạy thận khá cân bằng (58 nữ/61 nam) với người cao tuổi nhất là 73 tuổi. Theo ông Tấn, bình quân tiết kiệm lắm thì một tháng mỗi bệnh nhân ở xóm cũng phải mất hơn 3 triệu đồng gồm: 700 ngàn tiền nhà, điện nước, 1,5 triệu tiền ăn, 500 ngàn viện phí và từ 500 ngàn đến 1 triệu tiền thuốc bổ… Những lứa đôi Ở xóm chạy thận đã có nhiều đôi tình nguyện đến sống với nhau, chăm sóc nhau trong quãng đời cuối cùng. Đã từng có một đám cưới của bệnh nhân Mai Anh Tuấn và chị Phùng Thị Nghĩa không bị bệnh và họ sinh được một người con gái. |