Với Trung Quốc nổi lên là một cường quốc kinh tế dẫn đầu châu Á, một cơ quan phân tích của chính phủ Trung Quốc cho rằng xung đột của nước này với Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là điều không thể tránh vào thời điểm khi mối quan hệ song phương đang thay đổi, cũng vì lý do tranh chấp biển đảo.
Cơ quan phân tích của Trung Quốc cho rằng nếu xung đột quân sự Nhật-Trung xảy ra, một phần là do "trục xoay" của Mỹ. |
Trong báo cáo hàng năm mang tên “Báo cáo về phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) cũng cho biết mối quan hệ giữa hai nước sẽ bước vào một giai đoạn sóng gió lớn.
Một mặt cho rằng cuộc xung đột Senkaku/Điếu Ngư có thể kéo dài, Trung Quốc hiện đang theo dõi sát động thái của chính phủ mới của Nhật, do Thủ tướng Shinzo Abe lãnh đạo.
Báo cáo cũng chỉ rõ sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đang gây ra những lo ngại cho các nước láng giềng, buộc họ phải có những biện pháp đề phòng và khiến họ chấp nhận “điều chỉnh lại” cán cân quyền lực.
Với vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, báo cáo cho rằng các nhóm cánh hữu của Nhật, nhóm đã củng cố được sức mạnh trong suốt 2 thập niên kinh tế chậm chạp của nước này, coi chính sách chuyển hướng sang châu Á của Mỹ là cơ hội tốt nhất để quốc hữu hóa quần đảo. Hồi tháng 9 vừa qua, Nhật đã mua 3 trong số 5 hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư từ một người chủ tư nhân.
“Việc Nhật quốc hữu hóa Điếu Ngư đã phá hủy khung duy trì cân bằng, khung ngăn chặn một cuộc xung đột”, một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Báo cáo gần đây của CSIC cũng cho rằng sự can dự mạnh mẽ của Mỹ vào khu vực từ lâu đã được dự đoán là sẽ có những hậu quả xấu, như sẽ ủng hộ cho các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa cứng rắn ở cả hai bên.
“Dấu hiệu phản ứng có thể cứng rắn đã được thấy”, báo cáo CSIS cho biết. “Trục xoay sang châu Á của Mỹ đã châm ngòi cho tâm lý chống Mỹ ở Trung Quốc, từ đó sẽ gia tăng áp lực lên các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đứng lên trước Mỹ. Những tiếng nói dân tộc chủ nghĩa đang kêu gọi biện pháp đối phó quân sự trước sự củng cố quân sự của Mỹ ở khu vực và những chiến lược quân sự mới của Mỹ”.
CSIC cũng cáo buộc vai trò của Mỹ trong cuộc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và các cuộc tranh chấp lãnh thổ khác ở châu Á không phải là trung lập mà là Mỹ đang theo đuổi một lập trường hiếu chiến bằng cách mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực cùng tăng cường hợp tác với các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc, nhằm ngăn chặn sự “vươn lên của Trung Quốc với tư cách cường quốc thế giới”.
Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc hồi tháng 10 vừa qua đã cảnh báo Mỹ đang dùng Nhật làm công cụ chiến lược trong kế hoạch tăng cường quân sự của mình ở châu Á Thái Bình Dương, nhằm “kiềm tỏa” Trung Quốc và đang làm tăng cao căng thẳng Trung-Nhật.
Ông Chen Jia, người từng giữ vị trí là Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc, cáo buộc Mỹ đang khuyến khích Nhật Bản đáp trả bằng quân sự.
“Mỹ đang kêu gọi Nhật Bản đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực về lĩnh vực an ninh chứ không chỉ là lĩnh vực kinh tế như hiện nay”, ông cho hay. Cụ thể, có hai yếu tố chính củng cố cho điều này.
Thứ nhất Washington đã tái cam kết trách nhiệm của họ đối với hiệp ước bảo vệ quân sự chung với Nhật, khẳng định sẽ can thiệp quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột. Thứ hai, Washington coi Trung Quốc là một cường quốc đang lên và đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và sẽ “chiếm” vị trí thống trị của họ trên thế giới.
Theo giới phân tích, các nhà kỹ trị ở Washington thích gọi tất cả những điều trên là “duy trì ổn định”. Tuy nhiên, thực tế nhiều khi hoàn toàn khác so với từ ngữ được dùng. Và một điều chắc chắn là Washington sẽ không định để quyền lực của mình bị suy yếu.
Theo Dantri