Phát biểu tại buổi gặp, ông Thanh lưu ý cán bộ làm trong ngành LĐ-TB-XH phải có cái tâm thật sáng, không để đồng tiền lấn át, làm mụ mẫm nhân cách: "Lãnh đạo sở phải theo sát các trung tâm trực thuộc, không được lơ là kiểm tra. Nếu lơ ra mấy anh này thụt két là chết ngay.
Anh nào lấy tiền dành cho các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội mà ăn là không thể tha thứ, phải xử lý mạnh tay. Nếu muốn làm giàu thì nên đi làm kinh doanh, chứ đừng vào ngành này mà kiếm chác, cắt xén thì mất nhân tâm lắm, không được đâu".
Ông Thanh cũng căn dặn lãnh đạo các trung tâm phải tập trung chú ý, rà soát và có chính sách linh hoạt dành cho người nghèo, hộ đặc biệt nghèo.
"Tui thấy chỗ ban quản trang, ai giàu nghèo mấy anh biết liền chớ chi, nhất là khi trong gia đình họ có người chết. Nghĩa tử là nghĩa tận, cái này quan trọng lắm, đừng cào bằng, mà phải biết người nghèo khó thì phải giảm kinh phí, hỗ trợ sao để người ta an lòng. Cái này cũng là tích đức, tích thiện, làm được điều này thì bà con hoan hô chứ lo chi", ông Thanh tâm sự.
"Nếu muốn làm giàu thì nên đi làm kinh doanh, chứ đừng vào ngành này mà kiếm chác, cắt xén thì mất nhân tâm lắm..." Ông Nguyễn Bá Thanh |
Ông Thanh kể câu chuyện mà theo ông là cực khó cho dạy nghề: "Ở quê tui có cái ông nớ, ổng không chịu làm chi. Bữa kêu ổng đi trồng sắn, ổng cứ lấy hom ra mà cắm ngược. Chỉ tổ khổ thân người khác phải hành xác đi làm lại từ đầu.Ở nông thôn bây giờ cũng còn nhiều người như vậy lắm.
Bởi vậy, nói thì dễ nhưng làm mới khó. Chúng ta hay nói với nhau cho sang là đã mở được chừng này khóa, dạy được chừng này người, nhưng phải nói thiệt, dạy nghề cho vùng nông thôn là cực khó, không đơn giản", ông Nguyễn Bá Thanh đưa ra cái nhìn thực tế về vấn đề dạy nghề ở nông thôn.
Đối với những người bạo hành gia đình, ông Thanh nói thẳng: "Mấy trường hợp này phải bắt bỏ tù ngay, đơn giản rứa thôi, chứ đừng nhẹ nhàng sẽ hư thêm".
Theo Thanhnien