Học sinh vẫn thích lịch sử, chỉ không thích... học

Thứ ba, 15/01/2013, 07:26
Việc clip “Việt Nam, hình hài một chữ S” đang được hàng trăm nghìn người truy cập và hiệu ứng của clip này là xuất hiện hẳn một “Hội Những người đồng ý đổi mới phương pháp học lịch sử” trên facebook cho thấy, giới trẻ dường như chỉ đang thờ ơ với môn lịch sử trong trường học, chứ không hề quay lưng với kho dữ liệu về lịch sử dân tộc Việt Nam.

Lịch sử vẫn có sức hấp dẫn

Từ “sự kiện” clip lịch sử này, có thể thấy rằng giới trẻ hoàn toàn không quay lưng với lịch sử dân tộc dù chất lượng giáo dục môn lịch sử trong trường phổ thông đang được giới chuyên môn đánh giá là “ rất đáng lo ngại”.

“12 năm mài ghế nhà trường cũng không bằng 9 phút ngồi xem clip... Tuyệt vời!!!”, “Lịch sử dạy chúng ta cách để yêu nước, ấn tượng nhất khúc thời gian chiến tranh gần gấp đôi thời gian hòa bình và chúng ta cần phải làm gì để giữ gìn, bảo vệ và phát triển đất nước”...

Rất nhiều các ý kiến như vậy được độc giả chia sẻ trên trang thông tin cá nhân của tác giả clip -Dương Tố Đào - ĐH Công nghệ Sài Gòn. Hiệu quả có lẽ đã vượt quá trông đợi của cô, khi đồ án được bảo vệ thành công và nhận được sự hưởng ứng lan truyền mạnh trên cộng đồng mạng chỉ sau vài ngày clip được đưa lên Youtube.

lich su Viet Nam


Trong các ý kiến phản hồi với Dương Tố Đào, có cả ý kiến của những giáo viên chuyên môn. Có giáo viên khẳng định dù bản thân dạy học được 10 năm nhưng phải cố gắng học theo cách làm của tác giả để truyền tải kiến thức đến học sinh một cách đơn giản và hiệu quả hơn.

Theo nhận xét của GS Phan Huy Lê, “mặt hạn chế nặng nề nhất của giáo dục môn lịch sử là đại bộ phận học sinh không thích môn lịch sử, coi như môn học của các sự kiện và năm tháng, môn học của trí nhớ, khô khan, nhàm chán.

Thái độ đó thật đáng buồn nhưng hoàn toàn không thuộc trách nhiệm của học sinh mà là trách nhiệm của nền giáo dục và chính là biểu hiện của việc dạy và học môn sử chưa có hiệu quả. Nguyên nhân sâu xa cần tìm kiếm đầy đủ trong nội dung và phương pháp giảng dạy, trong SGK, trong chương trình môn học và trong cả công việc đào tạo đội ngũ giáo viên môn sử”.

Đổi mới không chỉ bằng clip, tranh ảnh

Trước sự hưởng ứng và mong muốn có sự đổi mới phương pháp dạy và học môn lịch sử, GS Phan Huy Lê cho rằng việc này không chỉ giới hạn trong sách giáo khoa và bốn bức tường của lớp học mà cần được mở rộng với những hình thức như tham quan bảo tàng, nhà lưu niệm, du khảo, dã ngoại... tùy theo khả năng tổ chức và kinh phí, nhất là sự hỗ trợ của giáo cụ trực quan, của công nghệ tin học.

Nguyễn Ngọc Mai, học sinh THPT cho biết, em đã xem clip này và thấy nội dung thể hiện khá hấp dẫn. “Khác hẳn với việc học lịch sử trên lớp theo sách giáo khoa. Nếu các thầy cô mà đầu tư hơn cho việc giảng dạy, để có những bài giảng lịch sử sinh động như clip thì thái độ học của bọn em sẽ khác” - Ngọc Mai chia sẻ.

Tuy nhiên, là một người trực tiếp đứng lớp, một giáo viên lịch sử dạy THCS cho rằng, dù có đổi mới phương pháp dạy học nhưng nếu vẫn cứ phải bám theo chương trình và sách giáo khoa như hiện nay thì việc đổi mới chưa thể đem lại hiệu quả như mong muốn.

“Sách giáo khoa thường cứ lặp lại hết thời kỳ này đến thời kỳ khác theo lối dàn trải mà không nêu bật được lên những thành tựu, tiến bộ tiêu biểu của mỗi thời kỳ, nên dù có đưa nhiều tranh ảnh hay phim, truyện vào cho học sinh thì các em cũng chỉ hào hứng, thích thú được một thời gian rồi sẽ lại quên thôi”.

Không nên đòi hỏi học sinh phổ thông phải yêu môn sử đến mức đua nhau chọn chuyên ngành lịch sử khi thi vào ĐH, CĐ.

Điều đó không thể có và nếu là hiện thực thì hết sức đáng buồn khi đất nước đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chỉ cần một số rất ít học sinh thi vào các chuyên ngành lịch sử nhưng đó là những học sinh thực sự yêu mến lịch sử, có năng lực về lịch sử để được đào tạo thành những tài năng trẻ về sử học chứ không phải là những học sinh tự thấy yếu kém về mọi môn học và đành chọn lịch sử như một tính toán bất đắc dĩ.

 GS Phan Huy Lê. 

Theo Laodong

Các tin cũ hơn