Clip sốt xình xịch của nữ sinh, chuyên gia nói gì?

Thứ bảy, 12/01/2013, 17:40
"Chúng ta nên khuyến khích các sản phẩm mang tính sáng tạo như vậy của sinh viên" - PGS Phạm Xanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) phát biểu.

Sau khi có những ý kiến cho rằng, clip “Việt Nam hình hài một chữ S” của nữ sinh ĐH Công nghệ Sài Gòn có những nội dung chưa chính xác về mặt lịch sử, PV đã liên hệ với các chuyên gia tìm hiểu về vấn đề này.

Trao đổi với PV, PGS.TS Phạm Xanh (Khoa Lịch sử, ĐHQGHN) cho biết đã xem qua clip lịch sử “Việt Nam hình hài một chữ S” trên mạng.

hinh chu S

PGS.TS Phạm Xanh chỉ ra những sai sót về nội dung clip "Việt Nam hình hài một chữ S".

PGS Phạm Xanh cho rằng, trong đoạn clip có nội dung chưa chính xác về mặt lịch sử(phần này trong clip đăng kèm, VTC News đã chủ động cắt bỏ).

“Tôi cho rằng không nên nói vùng đất Nam Bộ trước kia là lãnh thổ của Campuchia mà thời điểm đó cần phải phân vùng này ra ra là Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp.

Lục Chân Lạp là đất Campuchia bây giờ. Thủy Chân Lạp là vùng Nam Bộ bây giờ.

Vùng đất Thủy Chân Lạp (tức Nam Bộ -pv)  là nơi chính quyền Lục Chân Lạp không với tay tới được. Vùng đất Thủy Chân Lạp khi đó là do cư dân của rất nhiều dân tộc khác nhau đến khai phá. Ở trên vùng đất đó có người Khơ Me, người Việt và người Hoa đến khai phá vùng đất đó.

Vào thời điểm đó, Vương quốc Lục Chân Lạp không quản lý vùng Thủy Chân Lạp”, PGS Phạm Xanh giải thích.

Vì vậy, như dữ liệu đưa ra trong clip của em nữ sinh ĐH Công nghệ Sài Gòn là không chính xác, tác giả của clip cần có sự chỉnh sửa.

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Xanh cũng cho rằng những sai sót này là của sinh viên và học sinh nên có thể thông cảm được. Em sinh viên này đã lựa chọn vấn đề về cương vực và lãnh thổ là một vấn đề nhạy cảm, đang có nhiều tranh luận ngay trong chính các nhà khoa học.

PGS Phạm Xanh cũng cho rằng, tác giả nên dựa vào các bộ chính sử của Việt Nam để có những thông tin cung cấp một cách chính thống và nên chỉnh sửa, hoàn thiện clip của mình.

Đánh giá về hình thức thể hiện của clip, GS Phạm Xanh cho biết, các sự kiện lịch sử được thể hiện dưới hình thức đồ họa là một cách làm tốt cần được nhân rộng.

“Theo tôi, tôi cho đó như là một kênh để hiểu biết về lịch sử. Kênh đó đôi khi sẽ rất thú vị với học trò phổ thông. Chúng ta nên khuyến khích các sản phẩm mang tính sáng tạo như vậy của sinh viên. Ở đây, sinh viên và học sinh đã tìm ra những cách tiếp cận mới về lịch sử”, PGS Phạm Xanh chia sẻ.

hinh chu S

"Chúng ta nên khuyến khích các sản phẩm mang tính sáng tạo như vậy của sinh viên" - PGS. Phạm Xanh

 

Cũng đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia lịch sử cho rằng,nội dung clip còn nhiều vấn đề vì việc hiểu đúng lịch sử và trình bày đúng lịch sử lại là những việc khác nhau.

Nó cũng chứng minh một điều rằng không phải các bạn trẻ không quan tâm đến lịch sử. Qua việc này, chúng ta nên hiểu được trách nhiệm về giáo dục lịch sử là phải làm sao để các bạn trẻ hiểu được lịch sử đúng hơn.

Những bạn trẻ làm được vấn đề này thì cấn được biểu dương. Chúng ta phải quan tâm đến thế hệ trẻ và xem họ có thể đóng góp được gì về công nghệ.

Trong khi đó, PGS.TS Đào Tuấn Thành, Trưởng khoa lịch sử ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ rằng, đã có xem về clip lịch sử “Việt Nam hình hài một chữ S” gây xôn xao cư dân mạng và theo ông việc một nữ sinh học về công nghệ làm được một clip lịch sử thú vị như vậy là điều hết sức đáng quý dù có những sai sót cần sửa chữa.

Theo VTC

Các tin cũ hơn