GS-TS Nguyễn Anh Trí viết: Qua theo dõi những ý kiến comment, chúng tôi thấy những ý kiến phản đối tập trung chủ yếu nhất là sợ bị đánh mất bản sắc dân tộc, sợ bị Tây hóa. Dù có thể dưới cách biểu thị từ tốn, bình tĩnh hoặc dưới cách biểu thị bực bội, nóng nảy, tôi nghĩ tất cả ý kiến các quý vị đều có lý và thể hiện tình cảm sâu sắc với dân tộc, với đất nước.
Xin được trân trọng cảm ơn! Như vậy chúng ta cùng chung tình cảm đấy chứ! Tuy nhiên, tôi xin phép được bàn luận thêm như sau:
Dịp Tết tây nghỉ dài ngày, còn Tết ta nên co ngắn ngày nghỉ. |
1. Chúng tôi đề xuất nghỉ dài hơn vào Tết dương lịch (vào dịp từ 26-12 đến 5-1 năm sau), còn nghỉ Tết âm lịch ngắn hơn, (vào dịp từ 30 tháng Chạp đến mùng 1 hoặc 2 tháng Giêng). Cần lưu ý là chúng tôi dùng từ “vào dịp” và có nói là dài ngắn mấy ngày là do Nhà nước quy định cho hợp lý.
Năm nay chúng ta đang được nghỉ làm 2 lần: Tết dương 4 ngày và Tết âm 9 ngày kể cả nghỉ bù. Đề xuất của chúng tôi cũng như vậy, chỉ khác về số ngày nghỉ Tết âm và nghỉ Tết dương là khác với cách nghỉ Tết hiện nay.
2. Chúng tôi cũng đề nghị không bỏ đi, mà phải giữ gìn, phát huy tất cả những gì thuộc về “cổ truyền” của chúng ta, như các ngày giỗ chạp của gia đình, dòng họ, làng xã, ngày Giỗ tổ Hùng Vương…tất cả đều diễn ra bình thường.
Đón giao thừa vào Tết âm, hay Tết dương tùy theo từng gia đình, miễn sao đầm ấm, linh thiêng là được. Tết ông Công, ông Táo xin cứ làm đúng ngày 23 tháng Chạp (lâu nay các mẹ, các chị vẫn làm mà có phải đợi Nhà nước cho nghỉ đâu nào!).
3. Có ý kiến cho rằng, dịp Tết dương lịch chưa có tiết Xuân? Tôi không là chuyên gia về vấn đề này, nhưng tôi thấy “tiết Xuân” là một khái niệm rộng. Nó khác nhau ở từng quốc gia, từng vùng miền, và cả với từng năm nữa.
Lịch thì có ghi một ngày nào đó cố định, nhưng trên thực tế nhìn vào cây cối: Có năm ra hoa chính xác, có năm muộn hơn, có năm sớm hơn. Xin cứ xem cây nhãn, cây vải, cây cau, cây khế… thân thuộc ngay trong vườn nhà mình mà xem.
Người miền Bắc sợ không có cái rét tháng Giêng, sợ nấu thịt đông không được… Xin thưa, năm nào mà ở miền Bắc không lạnh vào từ đêm Noel! Ví dụ năm nay, Tết dương lịch miền Bắc lạnh lắm rồi đấy chứ.
Bây giờ tôi ngồi viết những dòng chữ này, chưa đến Tết âm lịch mà miền Bắc đã lạnh từ 15 đến 5 độ đây này. Còn thịt đông, tôi thấy bây giờ không đợi đến Tết mới có; mà do biết cách nấu và có tủ lạnh thì hầu như lúc nào cũng nấu được đấy thôi!
Mặt nữa, tiết xuân thì chủ yếu là thụ hưởng qua cảm nhận từ sắc trời, cây cối, hoa lá, gương mặt người, hình ảnh của quê hương, đất nước… Tất cả những cái đó đều thực hiện được khi đang làm công việc khác. (Có ai ngồi một chỗ nào đó để ngắm và thụ hưởng “tiết Xuân” suốt vài ngày đâu!).
Còn hoa đào, hoa mai? Ai cũng thấy, không phải năm nào cây cũng nở đúng vào dịp Tết âm lịch! Với lại bằng kỹ thuật bây giờ, những người trồng hoa có thể cho hoa nở vào bất cứ dịp nào mình muốn cơ mà!
"Nhiều gia đình đã ăn Tết ngay cả những ngày không phải là Tết." |
4. Có một ý kiến rất hay, cho rằng cần phân biệt 2 khái niệm “nghỉ Tết” và “ăn Tết”. Đây là 2 khái niệm mà chúng ta cần thấy có thể xảy ra đồng thời, có thể xảy ra không đồng thời.
Trước đây, đất nước còn khó khăn, kinh tế còn hạn hẹp, nên thông thường chỉ ăn Tết khi nghỉ Tết. Còn nay thì nhiều gia đình đã ăn (như) Tết ngay cả những ngày không phải là Tết.
"Chúng tôi cũng đề nghị không bỏ đi, mà phải giữ gìn, phát huy tất cả những gì thuộc về “cổ truyền” của chúng ta, như các ngày giỗ chạp của gia đình, dòng họ, làng xã, ngày Giỗ tổ Hùng Vương…tất cả đều diễn ra bình thường". GS-TS Nguyễn Anh Trí |
Theo VTC