Vợ chồng mù chữ thành nhân viên ngân hàng

Thứ hai, 14/01/2013, 17:26
Trong căn phòng trọ rộng khoảng 10m2, hai vợ chồng Nguyễn Vũ Trường Giang đang ngồi chụm đầu vào cuốn sách giáo khoa lớp 1 đánh vần. Giang là người thợ hồ cách đây gần hai năm dũng cảm lao ra giữa dòng sông Sài Gòn cứu cô gái tự tử.

Chuyện ấy bây giờ

Vợ chồng mù chữ thành nhân viên ngân hàng

Vừa đi làm về đến nhà, chị Hứa Thị Lượm - vợ anh Giang - đã lôi cuốn sách giáo khoa lớp 1 trên kệ bếp đặt xuống nền gạch và gọi anh Giang cùng ngồi học.

"Ở tuổi này người ta học thạc sĩ, tiến sĩ nhưng hai vợ chồng tui giờ mới học đánh vần. Ðôi lúc cũng ngại, nhưng mình mang tiếng làm trong một ngân hàng lớn mà không viết nổi tên mình thì người ta cười cho", anh Giang chia sẻ.

Con người chất phác 

"Giang là một người làm việc rất có trách nhiệm và luôn hoàn thành tốt công việc được giao.

Từ lúc được nhận vào làm đến nay, Giang đã thật sự tiến bộ, thể hiện là một người biết vươn lên trong cuộc sống".

Năm 2005, Giang tròn 15 tuổi, hoàn cảnh gia đình túng thiếu, thương mẹ già ốm đau thường xuyên nên anh theo một đoàn ca nhạc đi khắp nơi phụ việc mong kiếm được nhiều tiền gửi về phụ giúp gia đình.

Nhưng cuộc sống nay đây mai đó, không đủ tiền trang trải nên cuối cùng anh chọn nghề phụ hồ ở Sài Gòn để mưu sinh.

Suốt hai năm quần quật làm việc và tích cóp, cuối cùng anh gom được 2 triệu đồng mang về nhà.

"Tui còn nhớ như in ngày tui đưa xấp tiền cho mẹ, bà đã khóc như một đứa trẻ phần vì tui còn nguyên vẹn trở về, phần vì số tiền đó là quá lớn so với hoàn cảnh gia đình tôi lúc ấy" - anh Giang nhớ lại.

Cũng sau chuyến về thăm quê lần đó, chị Lượm đã phải lòng anh Giang, người nhỏ thó, tính tình chất phác đậm chất miền Tây. Lượm theo anh lên Sài Gòn lăn lộn trên khắp công trường xây dựng.

Hằng ngày vợ làm phụ hồ, chồng làm thợ xây. Cuộc sống nơi phồn hoa đô hội với bộn bề lo toan, hai vợ chồng chỉ đủ đắp đổi qua ngày.

Rồi con đầu lòng ra đời, hai vợ chồng không đủ điều kiện gửi con vào nhà trẻ nên đành mang con đến các công trường. Những lúc bố mẹ bận làm, đứa con gái bé nhỏ lủi thủi chơi ở các đống cát, bãi đất ngay trong công trường.

Không đủ tiền thuê nhà trọ, gia đình anh Giang thường chọn những bãi đất trống dọc các dòng kênh, dòng sông dựng lều tạm làm chỗ che mưa trú nắng.

Cuộc sống du mục phần vì chính quyền địa phương cấm, phần vì phải "chạy" theo các công trình nên từ khi lên Sài Gòn, gia đình anh đã "xây cất" được 6-7 căn lều như thế. Có những đêm mưa, muỗi bay vào đầy trong lều, rắn cóc cũng bò vào "tá túc" chung với ba người khốn khó.

Thợ hồ thành nhân viên ngân hàng

Giờ được ngồi trong căn phòng trọ sạch sẽ trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP.HCM), vợ chồng anh Giang vẫn chưa tin mình lại có hôm nay, hoặc chí ít cũng không nghĩ nó lại đến sớm như vậy.

"Người ta nói vợ chồng tui có công ăn việc làm ổn định như hôm nay chính là sự trả ơn của cuộc đời, nhưng tui nghĩ cuộc đời này có rất nhiều người tốt sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh như tụi tui" - anh Giang tâm sự.

Sau hành động cứu người của Giang, vợ chồng anh nhận được nhiều lời động viên và những món quà từ nhiều người quan tâm. Một số công ty, doanh nghiệp đã mời hai vợ chồng anh về chỗ họ làm. Trong số đó có ông Nguyễn Kiện, giám đốc chi nhánh quận 7, TP.HCM Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (nay đã chuyển công tác), cũng mời hai vợ chồng cùng về làm tại chi nhánh này.

Từ đó Giang làm bảo vệ, còn vợ anh làm tạp vụ ở đây. Mỗi tháng hai vợ chồng dư được ít tiền gửi về quê nuôi cha mẹ già và con nhỏ đang gửi ông bà nội trông nom.

Nghĩ đến tương lai nên phải học

"Trước đây do không có điều kiện nên cả hai vợ chồng tui không được đi học. Giờ có đồng lương ổn định thì việc học lại quá trễ so với tuổi tác, nhưng được nhiều anh chị trong ngân hàng động viên, giúp đỡ nên chúng tôi ráng học để biết đọc biết viết" - anh Giang nói đầy quyết tâm.

Vừa lật được khoảng mười trang sách đầu tiên, Giang dừng lại và nhìn qua vợ nói như hai người bạn cùng lớp: "Hôm qua mình đọc đến vần gì rồi?", rồi vợ chồng lại cặm cụi đánh vần từng chữ cái.

Dưới ánh đèn leo lét, người vợ chăm chú dõi theo ngón tay của chồng chỉ từng chữ cái trên trang sách và đọc theo, còn người chồng vẫn chưa kịp cởi bộ đồng phục ra khỏi người, miệt mài đọc, ghép chữ.

Thỉnh thoảng, vài người trong dãy trọ chạy vào phòng chỉ cho hai vợ chồng những chữ cái khó đọc. "Tụi bay phải sắm cây bút chì và cuốn tập trắng để khi đọc đến chữ nào thì viết chữ đó vào giấy, chứ học vẹt vậy lâu thuộc lắm" - chị Hiền, một người hàng xóm, mách nhỏ.

Anh Giang cho biết mình từng đi học thêm một thời gian tại một trường bổ túc nên giờ biết được nhiều chữ hơn. Còn chị Lượm chỉ học lỏm theo chồng nên mới biết vài chữ đơn giản.

Vào giờ giải lao, Giang thường được các anh em bảo vệ trong ngân hàng tận tình chỉ cách đọc, cách ghép vần. Chị Lượm cũng hồ hởi khoe với chúng tôi: "Các chị em lao công trên chỗ làm của tui cũng rất nhiệt tình hướng dẫn tui học chữ. Mấy chị còn chỉ tui mua sách và mang theo lên mấy chị dạy vào lúc rảnh".

"Nhiều lúc tui cũng có ý định bỏ cuộc, không học nữa, nhưng nghĩ đến tương lai tui lại có động lực để cố gắng hơn" - anh Giang nói.

Ý định của anh Giang là sau khi kiếm được một số vốn, hai vợ chồng sẽ về quê Kiên Giang sống cùng cha mẹ già và con nhỏ, chồng chạy xe ba gác, còn vợ mở một quán nước nhỏ trên mảnh đất mà họ đã mua được từ số tiền của các nhà hảo tâm gửi tặng.

Cô gái nhảy cầu: Ráng sống lạc quan

Chị N.T.K.T., người nhảy cầu Thủ Thiêm tự tử vào buổi chiều 26/2/2011, hiện theo đuổi công việc trang điểm cô dâu tại Vũng Tàu. T. cho biết, cô giờ “chạy sô” theo yêu cầu của tiệm và khách hàng chứ chưa có chỗ làm ổn định, do đó thu nhập cũng bấp bênh. Chuyện buồn trước đây vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng T.

“Mọi khó khăn rồi cũng sẽ vượt qua, tuy nhiên những chuyện buồn và ký ức đau lòng vẫn còn theo tui mãi. Nó như một vết thương lòng khiến tui khó quên” - T. tâm sự.

Tuy nhiên, T. khẳng định dù cuộc sống có khó khăn đến mấy, dù chuyện buồn vẫn cứ ám ảnh và đeo bám nhưng chị sẽ ráng sống lạc quan và cố gắng thật nhiều trong công việc để đạt được ước mơ, kiếm đủ vốn để mở tiệm trang điểm cô dâu.

Đó không chỉ là món quà cho cuộc sống mà còn là lời cảm ơn thiết thực nhất đối với vị ân nhân, anh Nguyễn Vũ Trường Giang, đã xả thân cứu đời mình.

Theo Tuổi trẻ

Các tin cũ hơn