Quán bún mộc Thanh Mai, đầu đường Trương Ðịnh, quận 1, lúc nào cũng đông khách. (Hình: Văn Lang) |
Sài Gòn ngày nay không còn sự “thống trị” của hàng hóa quốc doanh nữa, kinh tế thị trường giúp cho sự mua bán được dễ dàng, mau chóng, nhưng vẫn có “hiện tượng” phải xếp hàng chờ ăn, chờ mua... Ðiều này có được là do phẩm chất, uy tín của nơi bán hàng, và để có được “hiện tượng” xếp hàng trong bối cảnh kinh tế thị trường quả là không phải dễ.
Ðầu tiên có lẽ phải kể tới quán “Ngon” tại Sài Gòn, thời quán mới ra đời, lúc đó tại đường Nam kỳ khởi nghĩa, gần cổng hội trường Thống Nhất, khách Tây, khách Ta, khách Việt kiều... đều phải xếp hàng ngay tại cổng chờ nhân viên phục vụ xếp bàn. Vì quán tuy khá rộng nhưng lượng khách quá đông nhất là vào những chiều cuối tuần...
Trong một lần xếp hàng chờ tới lượt như vậy, một thực khách Việt Nam có lẽ vì quá nóng ruột, hay do “quán tính” chen lấn di truyền lại từ thời bao cấp nên đã vội vã “vượt hàng”. Kết quả là bị một ông Tây già lớn tiếng “chửi”.
Trong số những người đang đứng xếp hàng bữa đó có cô N.H. đang là giáo sư chính trị tại Mỹ, cô N.H. đã lên tiếng “mắng” lại ông Tây già, đại ý là người ta không biết thì nói cho người ta hiểu, chứ sao lại đi “chửi” người ta như vậy?
Ở đây chúng tôi không có ý định bàn là xem ai đúng ai sai, mà đưa ra hiện tượng này để cho thấy là quán xếp hàng đông tới mức mà Tây cũng phải... “chửi thề”!
Hiện nay quán Ngon tại Sài Gòn đã “phân hóa” ra đời một quán mới lấy tên là “Quán Ăn Ngon” do chủ cơ sở tự “tách ra” vẫn nằm tại đường Nam kỳ khởi nghĩa, còn chủ quán cũ thì dời quán về đường Pasteur và dĩ nhiên vẫn lấy tên cũ là “Ngon”, thực khách vẫn đông tuy không bằng ngày trước.
Tiệm bánh mì Huỳnh Hoa khách mua phải xếp hàng chờ tới lượt. (Hình: Văn Lang) |
Quán Ngon lúc sau này cũng đã mở thêm chi nhánh tại thủ đô Nam Vang của Campuchia, làm ăn rất xôm tụ.
Một “thời vang bóng” về sự ngon và đông khách ở Sài Gòn phải kể tới khu bánh xèo Ðinh Công Tráng, gần chợ Tân Ðịnh. Luôn luôn có khách chờ, một người khách đứng lên thì đã có một khách khác vội vã ngồi xuống.
Theo dòng thời gian cho tới nay thì khu này tuy vẫn đông nhưng lượng khách cũng “loãng” dần, lý do vì có quá nhiều quán mới mở ra, không phân biệt được đâu là cũ đâu là mới. Hơn nữa khu này bây giờ không chỉ bán riêng bánh xèo mà bán đủ thứ, như có lần người quen rủ tới khu Ðinh Công Tráng nhưng lại không kêu bánh xèo mà kêu cá lóc nướng cuốn bánh tráng, rau sống, vì theo anh bạn Việt kiều này thì khu Ðinh Công Tráng bán cá lóc nướng là... “năm-bờ-oan”!
Một anh bạn là dịch giả, kể là có ông nhà thơ Việt kiều từ bên Pháp về rủ đi ăn quán bún mộc Thanh Mai, đầu đường Trương Ðịnh, xéo xéo phía bên hông chợ Bến Thành hay từ bên khách sạn New World đi qua cũng tiện. Ngon miệng anh chàng dịch giả cũng còn trẻ, sung sức “đá” luôn hai tô bún mộc loại to, buông đũa xuống còn khen “ngon quá!”
Ông nhà thơ Việt kiều thấy vậy mới lên tiếng “trách” là ở Sài Gòn mà không biết quán bún này thì “tệ” quá! Nghe kể, hào hứng chúng tôi đi ăn thử, quả nhiên là ngon, “bí kíp” của quán cũng không có gì đặc biệt, nhưng món mắm tôm để thực khách thêm vô tô bún thì ngon tuyệt.
Chị của cô chủ quán cũng là người quản lý quán cho chúng tôi biết là món mắm tôm là “hàng đặt” được mối giao tận nơi, chứ không phải là thứ hàng “linh tinh”, “lang tang” đi mua ngoài chợ. Nếu bún mọc của quán này mà thiếu đi món mắm tôm thơm “chảy nước miếng” thì kể như sức hấp dẫn đã giảm đi mất 50%.
Quán Thanh Mai chỉ bán buổi sáng tới quá trưa một chút, chiều tối quán nghỉ bán. Sáng thứ bảy, chủ nhật đông không có chỗ gởi xe, chủ nhật trưa quán nghỉ sớm để quét dọn và rửa quán, sau một tuần phục vụ lượng khách đông đảo. Quán chưa đông tới mức phải chầu chực xếp hàng (trừ sáng thứ bảy và chúa nhật), ngày thường chờ bàn trống và ghế trống phải đợi một chút.
Buổi chiều muốn ăn bánh mì ngon cũng phải xếp hàng chờ, dù Sài Gòn có vô số tiệm và xe bánh mì. Tiệm bánh mì phải “chờ” này có tên là tiệm Huỳnh Hoa nằm trên đường Lê Thị Riêng.
Thường quán bán từ 3 giờ rưỡi chiều cho tới 12 giờ đêm, nhưng cũng có khi tiệm bận hoặc vì lý do gì đó thì treo bảng thông báo là bắt đầu bán vào lúc 5 giờ chiều. Lần đó, khi chúng tôi tới tiệm đã hơn 4 giờ 30 chiều nhưng các nhân viên tiệm mới đang sửa soạn chứ chưa thấy bán buôn gì, đành phải chờ, hỏi thăm chừng nào mới bán thì cũng chẳng ai thèm trả lời, trả vốn gì.
Một ông khách Hàn Quốc chắc chờ lâu cũng nóng ruột, nên vừa ra dấu vừa nói với cô nhân viên của tiệm bánh mì: “Oan, oan...” ý chắc là muốn mua một ổ bánh mì, cô kia cự lại: “Oan oan cái con ‘khỉ’, thấy bao nhiêu người còn xếp hàng kia không?” Ông khách Hàn có lẽ không biết tiếng Việt, nhưng thấy thái độ và cử chỉ của cô nhân viên kia ông ta cũng chỉ biết đứng nhìn tiu nghỉu và... xụi lơ.
Theo baomoi