Cầu vượt ở vòng xoay Hàng Xanh (TP.HCM) đang thi công ngày đêm để sớm đưa vào sử dụng. Ảnh: Thanh Hảo
|
Năm 2013 cần 15.000 tỉ đồng
Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hiền Lương, phó giám đốc sở GTVT TP.HCM cho hay, năm 2012 vốn dành cho sở GTVT là hơn 7.000 tỉ đồng (trong đó, vốn ngân sách tập trung là hơn 3.000 tỉ đồng); tính tới cuối năm, sở đã cấp phát (giải ngân) được hơn 6.910 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 98,7%.
Theo đó, trong năm 2012 đã có hàng loạt các công trình lớn, cấp bách thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ đề ra.
Tại hội nghị, ông Đinh La Thăng yêu cầu TP.HCM góp ý cho bộ GTVT nhiều hơn nữa trong công tác ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hay xây dựng các thông tư, nghị định, để các văn bản, thông tư, nghị định này sát với thực tiễn cuộc sống hơn. “Tôi yêu cầu như vậy bởi bức tranh giao thông ở TP.HCM sẽ phản ánh đầy đủ nhất các khía cạnh”, ông Thăng nhấn mạnh. |
Các công trình giao thông này, gồm cầu Rạch Chiếc, cầu Phú Long, nút giao thông Gò Dưa, đường ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đường liên tỉnh lộ 25B (giai đoạn 2), cầu Băng Ky, nhánh một cầu Đỏ, trục chính đường Bến Vân Đồn, đường Nguyễn Thị Thập… khi đưa vào sử dụng đã tạo nên diện mạo mới cho giao thông đô thị thành phố, tăng thêm diện tích mặt đường đáng kể.
Từ đây, các tuyến cầu đường lớn đã có tác dụng kéo giãn các phương tiện giao thông ra khỏi khu vực trung tâm nên các vụ ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm giảm rất nhiều so với các năm trước.
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông bộ lẫn thuỷ, theo bà Hiền Lương, trong năm 2013, sở GTVT TP.HCM đã hoàn thiện các chỉ tiêu kế hoạch vốn và tình hình đầu tư xây dựng của ngành. Theo đó, trong năm 2013, ngành giao thông có nhu cầu vốn lên đến 11.736 tỉ đồng.
Trong đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản giao cho sở GTVT là 9.561 tỉ đồng; vốn sự nghiệp duy tu, kiến thiết, kinh phí trợ giá xe buýt, chi hành chính sự nghiệp là 3.625 tỉ đồng và cuối cùng là vốn ODA với 1.550 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo dự kiến, kế hoạch vốn dành cho các công trình đầu tư theo các hình thức BT, BOT trong năm 2013 là 4.444 tỉ đồng.
Với số vốn trên, ngành giao thông TP.HCM sẽ tiến hành thi công hoàn thành 40 công trình giao thông; hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công và duyệt dự án của tổng cộng 56 công trình các loại trong năm 2013.
Những công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2013 đáng chú ý nhất có thể kể đến là dự án nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình, Gò Vấp), các cầu vượt bằng thép tại các nút giao thông lớn, cải tạo nâng cấp đường vành đai phía Đông (từ đường dẫn vào cầu Phú Mỹ đến liên tỉnh lộ 25B), cầu Rạch Tra (huyện Củ Chi, Hóc Môn).
Phân loại nhà thầu Liên quan đến chất lượng của không ít công trình giao thông thời gian vừa qua, như các phương tiện truyền thông phản ánh, là “vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp”, theo ông Thăng, tới đây bộ GTVT sẽ ban hành văn bản phân loại từng chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát. Theo đó, sẽ quy định loại nào vào công trình nào chứ không thể cứ để các công ty chỉ có vốn một vài tỉ đồng lại tham gia đấu thầu công trình vài trăm tỉ đồng, để rồi xảy ra hệ luỵ bán thầu hay thi công quá chậm. “Việc này bộ GTVT sẽ cương quyết làm. Như bóng đá còn phân ra hai ba hạng thì tại sao các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát lại không bị phân loại. Làm được như vậy tôi tin chắc việc đầu tư xây dựng trong ngành giao thông sẽ dần minh bạch và người dân sẽ hưởng ứng mạnh mẽ”, ông Thăng nói. |
Ngoài ra, TP.HCM còn mở rộng tuyến quốc lộ 1 (đoạn từ nút giao thông Tân Kiên đến ranh Long An), tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2 – thuộc huyện Nhà Bè), nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ Trần Xuân Soạn đến cầu Phú Xuân – thuộc quận 7)…
Các công trình dự kiến khởi công đáng chú ý gồm xây dựng cầu Nam Lý thay thế đập Rạch Chiếc (thuộc quận 2 và 9), xây dựng đường nối từ Thái Văn Lung đến Tôn Đức Thắng (quận 1), xây dựng mới cầu Bưng (quận Tân Phú và Bình Tân)…
Đặc biệt, trong năm 2013, sở GTVT sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng trung tâm Điều khiển giao thông thành phố (chủ đầu tư khu Quản lý giao thông đô thị số 1), nâng cấp mở rộng đường Trường Chinh (từ Cộng Hoà đến Âu Cơ – quận Tân Bình, Tân Phú), sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), mở rộng đường Tân Kỳ – Tân Quý (từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hoà), xây dựng cầu Rạch Chiếc (2) trên đường vành đai phía đông…
Đừng quá trông chờ vào nguồn vốn ODA, ngân sách
Tuy đề ra kế hoạch cụ thể như vậy, nhưng bà Hiền Lương cũng lo ngại liệu nguồn vốn có đủ để bố trí hay không, trong khi Chính phủ vẫn đang tiếp tục duy trì thực hiện cắt giảm đầu tư công.
“Trong năm 2012, vốn đầu tư công tiếp tục hạn chế nên nhiều công trình của ngành chưa được bố trí vốn đầu tư kịp thời nên không đáp ứng nhu cầu tiến độ đề ra”, bà Hiền Lương báo cáo.
Từ đây, để đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu đề ra trên, sở GTVT TP.HCM đưa ra hàng loạt các kiến nghị.
Cụ thể, sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nội dung: cho phép UBND thành phố được quyền tự quyết hình thức lựa chọn nhà đầu tư lập dự án, đàm phán hợp đồng, khi thực hiện theo hình thức BT, BOT, PPP; hỗ trợ cơ chế tạo vốn để đầu tư khép kín đường vành đai 2.
Đặc biệt, kiến nghị Chính phủ ưu tiên tập trung các nguồn lực (đặc biệt là nguồn ODA) để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm cấp bách và hệ thống đường sắt đô thị;…
Liên quan đến những kiến nghị trên, nhất là chuyện vốn ODA, ngân sách và cơ chế đặc thù, bộ trưởng bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, TP.HCM không nên quá trông chờ vào nguồn vốn ODA cũng như vốn ngân sách.
“Để tìm vốn thì phải xã hội hoá, TP.HCM mà không xã hội hoá được thì các địa phương khác không thể làm được. Bởi TP.HCM có lợi thế là địa phương có nền kinh tế lớn nhất cả nước, tiềm lực dồi dào”, ông Thăng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thăng, là địa phương đi đầu, TP.HCM phải đưa ra ý tưởng về cơ chế chính sách mang tính đột phá, tạo ra cách làm riêng của mình chứ không thể kiến nghị bộ ngành liên quan hay Chính phủ tìm cơ chế chính sách cho mình.
Và theo ông Thăng, để giải bài toán vốn cùng các cơ chế chính sách mang đặc thù riêng của TP.HCM, thì nội trong tháng này (tức tháng 1.2013), bộ GTVT sẽ có buổi làm việc với chính quyền thành phố để xem xét thấu đáo cũng như thống nhất cách làm.
Chấm dứt việc xây dựng đề án hạn chế xe cá nhân Đó là chia sẻ của ông Đinh La Thăng, bộ trưởng bộ GTVT đối với chính quyền thành phố. Theo ông Thăng, qua thời gian nghiên cứu cũng như qua phản hồi của dư luận thì rõ ràng việc hạn chế phương tiện cá nhân xem ra không ổn, nên bộ GTVT đã quyết định chấm dứt việc xây dựng đề án này. Tới đây, bộ GTVT sẽ chuyển qua xây dựng đề án mới để làm sao phát triển phương tiện vận tải một cách hợp lý mà không cần phải hạn chế. |
Theo SGTT