Dân ngân hàng thất thu
Chỉ mới 1 năm trước đây, “làm ở ngân hàng” còn là một cụm từ đảm bảo sự ổn định của cuộc sống và khá giả của thu nhập. Cứ đến cuối năm, các “tin đồn” về chuyện thưởng “khủng” của ngân hàng lại được dân công sở mang ra xôn xao bình luận và suýt xoa ao ước. Thưởng tết dương mấy triệu, thưởng tết âm gần chục tháng lương, thật đúng là: “Chẳng biết đến bao giờ mình mới được như anh/ cô ấy”?
6 tháng cuối năm, ngân hàng bước vào thời kỳ khủng hoảng, giảm cho vay, giảm lãi suất, thanh tra liên tục. Nhân viên ngân hàng ngay ngáy lo lắng mỗi khi có đợt tinh giảm nhân sự.
Tình hình thực tế là thế, nhân viên ngân hàng như ngồi trên đống lửa, ( Diệp Thanh - 25 tuổi - Chuyên viên khách hàng cá nhân S. Bank) ngậm ngùi: “Cái này là tận mắt thấy ở chỗ tớ. Lên danh sách cắt giảm, phỏng vấn lại nghiêm túc, một hai tháng lại tổ chức thi nghiệp vụ. Lãnh đạo, nhân sự thì chia lại tùm lum, bản thân thì bị điều chuyển từ hội sở sang chi nhánh.
Tớ cũng chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa, cầu trời cho qua cái giai đoạn này cho dễ thở tý. Chứ còn thưởng tết, tớ cũng chẳng dám hy vọng nhiều”.
Khi được hỏi về dự đoán cho khoản thưởng tết năm nay, Thanh cười hóm hỉnh: “Chắc cũng chỉ có tháng lương thứ 13 thôi, tớ năm nay đón tết bớt vui rồi”.
Nói về chuyện thưởng Tết, Linh, nhân viên một công ty thuộc Ngân hàng Vietinbank cho biết: "Nếu như mọi năm tết Dương lịch mỗi người được một tháng lương thì năm nay chẳng có gì luôn. Nhân viên phàn nàn thì sếp chỉ bảo do làm ăn khó khăn. Tết Âm lịch năm nay cũng chưa thấy hứa hẹn gì. Dù không bằng mọi năm nhưng chắc cũng sẽ có tiền tiêu Tết, vì đến thời điểm này bọn chị mới chỉ nhận được 70% tổng quỹ lương".
Sau nhiều năm người lao động tại các doanh nghiệp khác nhìn thưởng Tết ngân hàng mà so bì và mơ ước, có lẽ năm nay là lần đầu tiên người ta không còn ước ao công ty mình thưởng nhiều bằng ngân hàng này ngân hàng nọ.
Truyền thông khó khăn
Theo thống kê sơ bộ, cuối năm 2012, Việt Nam có 21% dân số sử dụng smart phone, 6% dân số sử dụng máy tính bảng. Chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh là bạn có thể vừa làm việc, vừa lướt web, vừa chơi trò chơi, vừa xem phim, thậm chí có thể tiện thể truy cập các ứng dụng thương mại điện tử để chọn món, đi chợ.
Hòa nhịp cùng sự phát triển đó, các công ty truyền thông mọc lên như nấm sau mưa. Dù là thời điểm cận tết, các tin tức tuyển dụng truyền thông vẫn được cập nhật trên các mạng tuyển dụng. Nhân sự của các công ty truyền thông thường trẻ trung và làm việc rất cống hiến, nhiệt tình. Chắc hẳn cuối năm, mức thưởng tết cũng sẽ tương ứng với sự cố gắng đó?
Chỉ còn một tháng nữa là tết, Thu (nhân viên của một công ty truyền thông tại Hà Nội) không giấu được thất vọng: "Tết Dương vừa rồi, công ty mình miễn thưởng tết. Chính sách này mà vẫn được áp dụng cho Tết Âm thì cả nhà mình “treo niêu”."
Thưởng tết eo hẹp, Thu chỉ dám ngắm chứ không dám sắm
Vừa kết thúc đợt đi Phú Quốc "tránh rét", Quân (24 tuổi - Công ty truyền thông VMG) vừa cười vừa chia sẻ: “Thật ra năm ngoái mới là thời điểm vàng son công ty. Bình thường mỗi ngày doanh thu ở chỗ mình phải được cả tỉ, năm nay giảm hơn một nửa rồi. Năm ngoái nhân viên bình thường như mình được thưởng 3 tháng lương, năm nay chưa chắc đã có. Tuy nhiên, mình vẫn vui vì vừa thoát khỏi “sóng thần” là đợt cắt giảm nhân sự của công ty. Thế nên tự thưởng cho mình một chuyến vi vu cho đỡ căng thẳng”.
Tạm quên khó khăn để đi du lịch
Càng về cuối năm, các doanh số, chỉ tiêu càng bị siết mạnh. Nhân viên các công ty truyền thông thường phải làm việc over time để đạt chỉ tiêu đề ra. Lương làm ngoài giờ không có, nhưng chị Hằng (Nhân viên thiết kế đồ họa) vẫn tươi cười: “Cố gắng đạt đủ doanh số thì mình sẽ có thêm tiền thưởng riêng cho dự án.
Thưởng Tết thì năm nào cũng 1 tháng lương chẳng thay đổi gì. Năm nay kinh tế ở đâu cũng khó khăn cả. Gia đình cũng đã chuẩn bị tinh thần cắt hết các khoản chi tiêu không cần thiết vào dịp tết”.
Nhìn chung, dân công sở năm nay không quá hy vọng vào tiền thưởng tết. Cùng với việc "rỉ tai" nhau xem công ty này được thưởng bao nhiêu, nhân viên kia được thưởng bao nhiêu thì dân công sở cũng rất nhiệt tình chia sẻ các bí kíp để "sống chung với lũ".
Một lời khuyên quan trọng dành cho bạn là không những phải sống chung với khó khăn, mà còn phải đối mặt với nó. Hãy luôn luôn phải nhắc nhở mình phải "giữ lửa" trong công việc.Thị trường và nền kinh tế luôn luôn biến động, khó khăn như cơn gió mạnh, và việc giữ lửa là tối cần thiết. Bạn cần giữ lửa để luôn luôn tiến lên, giữ lửa để khơi nguồn sáng tạo, giữ lửa để bản thân luôn mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn.
Mặt khác, bạn cũng cần nhạy bén hơn, biết cách "tiếp thị bản thân". Ngoài việc làm nhân viên chính thức ở một nơi, bạn nên "tỏa rộng" mối quan hệ của mình ra. Nếu bạn là một thiết kế, người bán trà đá đầu ngõ cũng phải biết bạn biết thiết kế.
Nếu bạn là một dịch giả, hãy luôn luôn nói điều này với mọi người ngay cả khi đi cà phê tán gẫu. Công việc sẽ từ các mối quan hệ mà tìm đến bạn. Lúc đó, bạn càng có cơ hội thử thách hơn, quen biết rộng hơn và đương nhiên thu nhập nhiều hơn. Không những thế, vị thế và khả năng của bạn ở công ty chính cũng sẽ được cải thiện. Khi ấy, bạn hoàn toàn có thể hướng đến một khoản thưởng "khá khẩm".
Cùng với việc tăng khả năng, mở rộng mối quan hệ thì việc có thêm một... tài lẻ cũng đáng được lưu tâm. Vào những lúc rỗi rãi, hãy relax bằng cách đi học belly dance, học guitar hay dance cover. Nghệ thuật và âm nhạc sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng, yêu đời, sáng tạo. Không những thế, nó còn giúp bạn... tỏa sáng một cách thú vị. Ngoài việc miệt mài cống hiến, chúng ta còn phải trải nghiệm và tận hưởng nữa, đúng không?
Theo TTVN