Ám ảnh nữ tù nhân bị cưỡng hiếp trong trại giam

Thứ bảy, 19/01/2013, 00:15
Năm năm sau lần đầu tiên bị cưỡng hiếp trong nhà tù, người phụ nữ này mới có đủ can đảm để phơi bày tội ác đáng khinh bỉ.

Tiến thoái lưỡng nan

Kimberly Yates, bang Kentucky (Mỹ) là một trong số những tù nhân hiếm hoi khiến cho kẻ cưỡng hiếp mình - một quản giáo - phải đối mặt với luật pháp.

Năm 2001, Yates bị tuyên án 15 năm tù vì tội buôn bán ma túy. Sau nhiều lần thuyên chuyển trại giam, năm 2004, cô được đưa tới Trại giam liên bang thuộc Philadelphia. 

Đây cũng là lúc cô bắt đầu phải chịu đựng những cuộc "ân ái" ngoài ý muốn với một quản giáo tên là Theodore Woodson.

Yates kể lại rằng, Woodson dẫn cô đến kho hàng ở tầng hầm của trại và ép cô phải quan hệ tình dục với hắn.

“Sau lần đầu tiên, hắn dọa nếu tôi hé răng nói cho người khác về chuyện này, hắn sẽ không để gia đình và các con tôi được yên. Tôi rất lo sợ, nên không nói với bất kì ai. Và hắn cứ đe dọa như thế mỗi lần giở trò đồi bại với tôi".

nu tu nhan
Kimberly Yates trái và Troy Issac - người cũng sống sót sau nhiều lần bị lạm dụng tình dục tại nhà tù liên bang

Lần cuối cùng bị cưỡng hiếp, vùng kín của Yates chảy máu và bị nhiễm trùng nặng đến nỗi cô đã được đưa tới phòng cấp cứu.

Báo cáo y khoa cho biết cô bị xâm hại tình dục nghiêm trọng. Lấy hết can đảm, cô đem tất cả mọi chuyện trình bày với quản giáo trưởng và thật may mắn, ông tin cô.

“Thái độ của quản giáo trưởng rất quan trọng, bởi nếu ông ấy không tin tôi, hoặc thậm chí là đổ hết lỗi lên đầu tôi, thì có lẽ mọi chuyện sẽ rẽ theo một hướng khác”, Kimberly Yates chia sẻ.

Ngay sau đó, Theodore Woodson bị đuổi ra khỏi nhà tù và chờ bị điều tra. Để tránh gây điều tiếc, Yates và những phụ nữ này cũng được chuyển qua một phòng giam khác, nhưng không hề được quan tâm hay theo dõi như trước.

“Nhân viên tư vấn mà họ sắp xếp cho tôi không hề giúp tôi được điều gì. Thực tế, các nhân viên này còn nói với chúng tôi về những gì xảy ra với Theodore Woodson, nhằm đe dọa chúng tôi, làm cho chúng tôi cảm thấy tội lỗi và lo sợ để không còn tiếp tục báo cáo về việc bị cưỡng hiếp nữa”, Yates vẫn chưa khỏi bàng hoàng.

“Các nhân viên của trại giam đối xử với chúng tôi tệ hơn trước, bởi họ nghĩ rằng, việc chúng tôi đem chuyện kể cho quản giáo trưởng là điều không hề đúng đắn chút nào".

Sự bao che

Mãi tới sau này, Yates mới biết rằng, cô không phải là trường hợp đầu tiên báo cáo về hành vi đồi bại của Woodson lên Cục nhà tù liên bang.

Theodore Woodson đã cưỡng hiếp ít nhất 4 nữ tù nhân khác, và một người trong số họ đã tố cáo ông ta từ hơn một năm trước khi cô bị xâm hại, nhưng kết quả chỉ là con số không, bởi chẳng có cuộc điều tra nào được tiến hành. Vụ việc đã bị lờ đi và vẫn tiếp tục để Woodson làm việc yên ổn tại vị trí đó.

Mãi cho đến khi đơn của Yates gửi đi, cùng với sự thúc ép của gia đình cô và quản giáo trưởng, nhà chức trách mới buộc phải vào cuộc.

"Người bạn tù của tôi, Martha Steward, động viên tôi dũng cảm nói ra sự thật, và sau đó có một số nữ tù khác đứng về phía tôi, bởi họ và tôi cùng chung một hoàn cảnh".

Yates vẫn chưa hết bức xúc khi nhắc về thái độ thờ ơ của nhà chức trách đối với những người như cô: "Tất cả những gì họ cần làm lúc đó phải là một cuộc điều tra toàn diện để ngăn chặn Woodson lặp lại hành vi này với những tù nhân khác".

“Nếu Cục nhà tù liên bang tích cực điều tra Woodson ngay từ bản báo cáo của gia đình tù nhân một năm trước, có lẽ cũng không đến lượt tôi bị xâm phạm tình dục như thế".

Sau này, viên quản giáo Woodson bị kết án hình sự. Anh ta thừa nhận đã thực hiện hành vi tình dục cưỡng ép với ba tù nhân nữ, song chỉ phải ngồi tù 4 tháng ít ỏi.

“Ban đầu tôi rất phẫn nộ với kết quả của phiên tòa này, có lẽ vì chúng tôi chỉ là những tù nhân. Nhưng dù sao, Woodson cũng đã phải nếm trải cảnh sống trong tù là như thế nào”, Yates bày tỏ.

Sau những đêm kinh hoàng tại trại giam ở Philadelphia, Yates từng phải trải qua những chấn thương nghiêm trọng về cả tinh thần và thể chất. Cô suy sụp vì nỗi ám ảnh rằng mình từng là nạn nhân của một kẻ cưỡng dâm.

Yates thậm chí đã từng thu mình lại, trốn tránh người thân, đặc biệt là con cái, vì cảm thấy tủi nhục, ê chề. Sau khi quay trở về nhà, cô bắt đầu công việc kinh doanh hợp pháp của mình.

Yates tâm sự: “Cục nhà tù liên bang phải là nơi an toàn để tôi và những tù nhân khác sám hối sau tội lỗi của mình, chứ không phải là để họ cưỡng hiếp chúng tôi. Ngay cả khi tôi bị tống giam, tôi vẫn là một con người, vẫn có cảm xúc và vẫn có thể bị tổn thương".

Tuy nhiên, sự lạc quan và nghị lực của người phụ nữ 15 năm sống trong trại giam cùng đủ mọi loại người, trải qua không ít nghịch cảnh đã giúp Yates vượt qua nỗi ám ảnh. 

Giờ đây, cô đã bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới và một công việc kinh doanh hợp pháp của riêng mình.

Theo VTCnews

Các tin cũ hơn