"Không phải tự chúng tôi nghĩ ra quy định"

Thứ năm, 24/01/2013, 16:41
Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong đã nói như thế tại cuộc gặp với báo chí sáng 23/1 về các quy định đang bị phàn nàn tính khả thi trong thông tư 30 của Bộ Y tế về điều kiện với cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống và thực phẩm đường phố.
Hàng rong, an toàn thực phẩm
Ông Nguyễn Thanh Phong

Rất nhiều câu hỏi trong cuộc gặp này, nhưng thông điệp chung trong câu trả lời là “có quy định, nhưng không phải ngày một ngày hai là thực hiện được”!

Ông Nguyễn Thanh Phong nói: Trong những ngày qua, báo chí nói nhiều về sự cần thiết, tính khả thi, ai giám sát khi thực hiện các quy định (người sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm đường phố phải khám sức khỏe, có chứng nhận đã tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, có đủ nước sạch...) trong thông tư 30.

Đừng nghĩ “hóa đơn chứng từ” ở đây là hóa đơn tài chính hay hợp đồng kinh tế.

Đương nhiên quy định hiện hành là mua bán trên 200.000 đồng phải có hóa đơn tài chính, không thực hiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Còn mua bán dưới 200.000 đồng thì chỉ cần hai bên mua bán có cái hóa đơn bán lẻ, mua bán cho ai, số lượng bao nhiêu... cái đó không khó thực hiện. Những quy định trong thông tư 30 không phải tự chúng tôi nghĩ ra, mà trên cơ sở, căn cứ khoa học.

* Thưa ông, ở đây chúng tôi không nói quy định này là sai, mà nói về tính khả thi. Thực tế những quy định này đã được triển khai từ năm 2001, nhắc lại vào năm 2005 mà nay vẫn phải lặp lại vì chưa thực hiện được?

- Ông Nguyễn Thanh Phong: Năm 2001, văn bản số 3199 đưa ra 10 tiêu chí để đảm bảo vệ sinh thức ăn đường phố. Đến thông tư 41 năm 2005 là văn bản pháp quy.Thông tư 30 có hiệu lực từ 20/1/2013 cơ bản gần giống thông tư 41, thực tế những nội dung này đã thực hiện trên năm năm.

Qua ngần đó thời gian thực hiện, có thể nói nếu không có thông tư 41, hầu như những tủ kính ở các quầy hàng thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống, bàn ăn cao hơn mặt đất 60cm, người kinh doanh được khám sức khỏe... như hiện nay hầu như là không có.

Nếu không có quy định, hậu quả sẽ lớn hơn. Ví dụ như sử dụng phụ gia thực phẩm phải trong danh mục thì trước năm 2005 kiểm tra thấy rất nhiều giấm dùng loại axit bị cấm, nhưng nay thì ít hơn nhiều.Tất nhiên không phải là tốt hết, nhưng không có quy định thì còn kém hơn, sẽ không có những mô hình điểm tốt ở Đà Nẵng hay một số xã phường ở Hà Nội, TP.HCM.

* Thực tế vẫn xảy ra hiện tượng người bán hàng rong, thực phẩm đường phố gặp khó khăn khi họ muốn khám sức khỏe, đăng ký tập huấn kiến thức, ghi hóa đơn chứng từ... Ý kiến các ông ra sao?

- Ông Trần Quang Trung (cục trưởng Cục An toàn thực phẩm): Ở đây không cần hiểu máy móc là phải có giấy xác nhận được tập huấn kiến thức mới được bán hàng, mà quan trọng là chuyển tải được cho người bán thực phẩm những kiến thức về an toàn, vệ sinh.

Tới đây, chúng tôi sẽ cấp nhiều đĩa DVD về các xã phường, các xã phường có thể mở để bà con bán thực phẩm đến xem, nghe chứ chưa cần ngay phải có giảng viên đến tập huấn. Họ thay đổi về ý thức mới là quan trọng.

* Ai sẽ giữ nhiệm vụ xử phạt nếu phát hiện sai phạm không thực hiện thông tư 30, thưa ông?

- Ông Nguyễn Thanh Phong: Việc xử phạt giao cho UBND cấp xã phường. Đúng là xử phạt tại xã phường thời gian qua còn ít, cái này đã được phát hiện và yêu cầu khắc phục. Thời gian tới đây phải quyết liệt hơn để cấp xã phường làm được nhiệm vụ này.

Có ý kiến bắt hàng rong làm theo quy định là tốn kém, như kẹp gắp thức ăn, bao tay nilông thì có tốn kém, nhưng không tốn nhiều.Có lúc chúng tôi đã mua hàng trăm ngàn bao tay nilông cấp miễn phí nhưng người bán hàng không dùng, vấn đề là ý thức, thói quen chứ không phải chi phí.

Có thể thực hiện nghiêm quy định này sẽ khó khăn cho một số người, nhưng chúng tôi vẫn quan niệm đảm bảo sức khỏe là tiên quyết.

Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn