Sáng 27-1, TP.HCM tổ chức lễ thông xe hai cầu vượt bằng thép đầu tiên tại ngã tư Thủ Đức và vòng xoay Hàng Xanh. Tiếp đó, ngày 5-2, TP tiếp tục khởi công xây dựng cầu vượt bằng thép thứ ba tại giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ - Trường Sơn.
Giải quyết 60%-75% ùn tắc
Cầu vượt tại ngã tư Thủ Đức dài 570 m, rộng 16 m, cho phép cả xe tải nặng, xe container lưu thông trên bốn làn xe. Cầu vượt tại vòng xoay Hàng Xanh dài 390 m, rộng 16 m cho bốn làn ô tô có tải trọng dưới 10 tấn lưu thông hai chiều theo hướng đường Điện Biên Phủ.
“Việc thông xe hai cầu vượt sẽ giúp giải quyết 60%-75% tình trạng ùn tắc tại hai giao lộ trên và cho trục đường xa lộ Hà Nội - Điện Biên Phủ” - ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (chủ đầu tư), nhận định.
Cầu vượt bằng thép tại vòng xoay Hàng Xanh sắp được thông xe. Ảnh: HTD
Theo ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT, cầu ở Hàng Xanh đã vượt tiến độ một tháng rưỡi, còn cầu tại ngã tư Thủ Đức vượt ba tháng. So với các cầu vượt bằng thép ở Hà Nội, hai cầu vượt bằng thép ở TP có thể sử dụng vĩnh cửu và cho phép các loại xe lớn lưu thông (cầu thép ở Hà Nội chỉ cho phép xe dưới ba tấn lưu thông).
Ông Cang cho biết thêm thời gian tới TP sẽ làm tiếp cầu thép bốn làn xe tại ngã tư Thủ Đức, song song với cầu thép vừa hoàn thành. Sở GTVT cũng nghiên cứu xây hầm chui theo hướng đường Lê Văn Việt - Võ Văn Ngân. “Khi các hạng mục trên hoàn thành, tại ngã tư Thủ Đức sẽ có cầu vượt, hầm chui và vòng xoay qua nút giao hoàn chỉnh. Tình trạng ùn tắc kéo dài từ nhiều năm qua sẽ được giải quyết căn bản” - ông Cang khẳng định.
Xây cầu thứ ba trong dịp tết
Theo ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, ngày 5-2 (nhằm 25 tháng Chạp) sẽ khởi công xây dựng cầu vượt bằng thép thứ ba qua giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ - Trường Sơn. Đây là thời điểm nhiều người về quê ăn tết, mật độ xe lưu thông trên các tuyến đường giảm nên việc dựng rào chắn để xây cầu vượt không gây ùn tắc giao thông.
Lực lượng thi công sẽ tập trung làm trước những hạng mục choán nhiều diện tích như ép cọc, đổ bê tông các trụ mố cầu… để kịp hoàn nguyên mặt đường vào ngày 24-2 (15 tháng Giêng). Những ngày qua, Khu 1 đã cho mở rộng đường Hoàng Văn Thụ đoạn từ giao lộ Lăng Cha Cả đến đường Nguyễn Văn Trỗi từ 16 m lên 20,5 m. Tất cả cửa ra vào của hội chợ tết Công viên Hoàng Văn Thụ năm nay cũng chỉ mở ra phía sân vận động Quân khu 7.
Theo thiết kế, cầu vượt Lăng Cha Cả dài 240 m, đường dẫn hai đầu cầu dài 160 m hướng từ đường Cộng Hòa về đường Hoàng Văn Thụ. Cầu này chủ yếu cho xe hai bánh, xe buýt và ô tô dưới chín chỗ lưu thông. Tổng kinh phí đầu tư 110 tỉ đồng, thời gian thi công 130 ngày.
“Cầu vượt Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa - Trường Sơn được TP xếp vào dự án cấp bách nhằm sớm giảm ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở ngay cửa ngõ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Toàn bộ hệ thống cáp điện và viễn thông dọc trục đường này sẽ được ngầm hóa” - ông Thắng nói.
Làm tiếp hơn 10 cầu
Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ, Sở GTVT, thông tin thêm: Năm 2013, TP ưu tiên xây các cầu vượt bằng thép tại các nút giao thường xuyên bị ùn ứ từ ba đến bốn chớp đèn trở lên. Các nút chỉ ùn ứ vào giờ cao điểm sáng, chiều sẽ không ưu tiên.
Cụ thể, trên đường Võ Thị Sáu sẽ xây cầu vượt cho xe máy tại các ngã tư Hai Bà Trưng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và cầu vượt qua Công trường Dân Chủ “hạ” xuống đường Ba Tháng Hai. Trên đường Ba Tháng Hai có thể làm cầu vượt hai chiều cho xe máy và ô tô con tại ngã tư Thành Thái - Nguyễn Tri Phương, Lê Đại Hành, Lãnh Binh Thăng. Tại bùng binh Cây Gõ, trong khi chờ dự án mở rộng vòng xoay, có thể làm trước cầu vượt hình chữ Y.
Ngoài ra, TP cũng dự kiến làm cầu vượt tại các giao lộ Cộng Hòa - Trường Chinh, Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ, ngã sáu Nguyễn Tri Phương. Trên trục Điện Biên Phủ có thể làm cầu vượt cho xe máy tại các ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng.
Làm cầu vượt bộ hành bằng thép Theo ông Bùi Xuân Cường, TP cũng sẽ lắp ráp nhiều cầu vượt bộ hành bằng thép thay cho cầu bê tông như lâu nay. Trước mắt, ưu tiên lắp ráp một số cầu trên xa lộ Hà Nội để người đi bộ qua lại và về lâu dài là phục vụ cho các nhà ga của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tương tự, trên các tuyến đường lớn như Điện Biên Phủ, Trường Chinh… sẽ có nhiều cầu tương tự. |
Theo PLTP