Ngày 24/1, HĐND TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (gọi tắt là Dự thảo). Cùng ngày, CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM cũng tổ chức lấy ý kiến trong các thành viên của CLB. Tại hai cuộc góp ý này, nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo còn nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ.
Có nhiều tiến bộ
Hiến pháp 1992 có 12 chương, 147 điều. Dự thảo có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp 1992, Dự thảo giảm 1 chương, 23 điều; giữ nguyên 13 điều; sửa đổi bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới.
Nhiều ý kiến đánh giá Dự thảo có nhiều tiến bộ so với Hiến pháp 1992. Trong đó có việc dự kiến thành lập một số cơ quan hiến định mới như Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước (điều 120, 121 và 122), không coi kinh tế Nhà nước là chủ đạo (điều 54) cũng là một sự tiến bộ.
Ngoài ra, luật sư Trần Quốc Thuận, ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá: “Dự thảo bổ sung quy định về quyền con người để phù hợp với nội dung các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã hàng chục năm qua là một sự kiện đáng hoan nghênh so với Hiến pháp hiện hành”. Tuy nhiên, cũng theo ông Thuận, cách thể hiện của Dự thảo có chỗ chưa rõ.
Bác Hồ đã nói: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân”. |
“Tôi đề nghị các quy phạm quy định về nhân quyền - quyền công dân phải rõ ràng, minh định, như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền hội họp, quyền lập hội, quyền biểu tình...” - ông Thuận góp ý.
Thể hiện ý chí chung của toàn dân
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; nguyên phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng điều 4 Dự thảo quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đó là khẳng định đúng đắn.
Tuy nhiên, Đảng lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Tối cao... như thế nào thì cần được xác định bằng một số điều trong Hiến pháp.“Có thể dành một chương riêng, chứ chỉ có điều 4 thì chưa đầy đủ”- ông Trực nói.
Cũng góp ý cho điều 4 Dự thảo, ông Lê Văn Oanh, Chủ nhiệm Khối Trí thức CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM, đặt câu hỏi: Tổ chức quyền lực cao nhất của nước ta là Quốc hội hay Ban Chấp hành Trung ương Đảng?
Theo ông Oanh, Hiến pháp quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng thực chất QH chỉ là tổ chức hợp thức hóa các nghị quyết, đường lối, chính sách, chỉ thị của Đảng. “Đó là một nghịch lý” - ông Oanh nói.
Để giải quyết nghịch lý này, ông Oanh đề nghị Hiến pháp cần quy định Tổng Bí thư sẽ kiêm luôn Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch nước phải là Tổng Bí thư, đồng thời là đại biểu Quốc hội.
"Có thể dành một chương riêng về Đảng, chứ chỉ có điều 4 thì chưa đầy đủ" |
Nhìn chung, các đại biểu tham gia góp ý mong muốn Dự thảo sẽ được hoàn thiện và Hiến pháp mới khi có hiệu lực sẽ bảo đảm một số tiêu chí.
Thứ nhất, Hiến pháp phải thể hiện ý chí của toàn dân, thể hiện sự đồng thuận của nhân dân để thành lập chính quyền.
Thứ hai, Hiến pháp phải có mục tiêu kiến tạo hạnh phúc, tự do, công bằng, đoàn kết, loại bỏ mọi sự chia rẽ hay áp bức, hướng tới sự phát triển bền vững của dân tộc.
Thứ ba, về mặt pháp lý, Hiến pháp phải được xây dựng theo các nguyên tắc pháp luật phổ thông của thế giới văn mimh, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Nhiều đại biểu góp ý quân đội ta có tên Quân đội Nhân dân Việt Nam mà Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định là trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam thì chưa ổn. Bác Hồ đã nói: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân”. Các ý kiến đề nghị nên học tập Bác Hồ trong vấn đề này. |
Theo NLĐ