Lương thấp sao giữ được nhân tài?

Thứ tư, 30/01/2013, 08:04
Chế độ lương thưởng, nhà cửa để an cư, cơ chế để phát huy ý tưởng... vẫn là những rào cản trong việc thu hút trí thức, Việt kiều, nhà khoa học về làm việc trong nước.

Lương thấp sao giữ được nhân tài?
Cần có cơ chế, chính sách thu hút và giữ chân người tài trong lĩnh vực công nghệ cao - Ảnh: Mai Vọng

Đây cũng là nội dung hội thảo được tổ chức tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) vào hôm qua 29/1, với sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, trường đại học và một số chuyên gia trí thức Việt kiều.

Ông Nguyễn Duy Sơn - Phó trưởng ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM - cho biết: “Khu nông nghiệp công nghệ cao được thành lập cách nay 3 năm thì cả 3 năm phải đối mặt với xu hướng chảy máu chất xám do thu nhập trong khu vực nhà nước thấp hơn nhiều so với bên ngoài.

Cơ chế quản lý đối với các đề tài nghiên cứu còn nhiều bất cập, không tạo động lực cho nhà khoa học chân chính đam mê nghiên cứu. Nhiều người xem Khu nông nghiệp công nghệ cao là chỗ dừng chân trước khi tìm được một bến đỗ mới tốt hơn. Đã có 3 tiến sĩ, 7 thạc sĩ và 22 cử nhân các ngành xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc để ra làm bên ngoài".

TS Dương Văn Xô - Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM - cho biết từ ngày thành lập trung tâm đến nay là 8 năm, đã có 60 người xin nghỉ việc, riêng năm 2012 con số này là 22 người. Nguyên nhân chung quy là do trung tâm chưa xây dựng xong cơ sở vật chất và do đồng lương quá thấp, các chuyên gia, trí thức không thể chấp nhận đồng lương còm cõi.

GS-TS Đặng Lương Mô (Trung tâm nghiên cứu và đào tạo vi mạch - ICDREC - Đại học Quốc gia TP.HCM) cho hay khi trung tâm mới bắt đầu thành lập, có 10 sinh viên giỏi mới ra trường say mê lĩnh vực thiết kế vi mạch đã đến, nhưng giờ chỉ còn lại 1 người trụ lại.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng nguyên nhân của tình trạng chảy máu chất xám hay chưa thu hút được đội ngũ chuyên gia trí thức tài giỏi trong và ngoài nước, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia trí thức Việt kiều, là do chưa có một cơ chế, chính sách đủ sức thuyết phục.

Cần xây nhà cho chuyên gia

"Khu nông nghiệp công nghệ cao được thành lập cách nay 3 năm thì cả 3 năm phải đối mặt với xu hướng chảy máu chất xám...

Đã có 3 tiến sĩ, 7 thạc sĩ và 22 cử nhân các ngành xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ để ra làm bên ngoài".

Ông Nguyễn Duy Sơn, Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM

TS Dương Văn Xô nói rằng lĩnh vực công nghệ sinh học đối với Việt Nam còn mới, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, lực lượng cán bộ khoa học giỏi, có trình độ cao trong lĩnh vực này còn thiếu rất nhiều.

Mặc dù đã có chủ trương của TP.HCM gửi đi đào tạo ở nước ngoài để chủ động xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, nhưng vấn đề tiếp theo là sau khi họ được đào tạo trở về nước, làm sao giữ được lực lượng cán bộ khoa học này yên tâm làm việc lâu dài; làm sao thu hút được cán bộ khoa học có trình độ cao trong khi trung tâm vẫn vận hành theo cơ chế hưởng lương của một đơn vị sự nghiệp khoa học do ngân sách cấp. Ngoài tiền lương cơ bản và thu nhập tăng thêm, không có thêm một chế độ phụ cấp đặc biệt nào.

Ông Dương Minh Tâm - Phó ban quản lý SHTP - thì cho rằng yếu tố đầu tiên là phải có nhà ở để các chuyên gia an cư lạc nghiệp. Bởi khi về nước họ phải mang cả gia đình, cho nên cần phải có các khu nhà ở chuyên gia. Các nước trên thế giới hiện nay đang hướng tới xây dựng các khu đô thị khoa học.

TS Phan Bách Thắng (Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM) "cụ thể hóa" khi đề xuất trong 2 năm tới, TP.HCM cần phải có khu nhà ở cho chuyên gia, không chỉ cho các chuyên gia nước ngoài, Việt kiều mà cho cả những người trí thức trẻ trong nước.

Ông nói, đây là lần thứ ba ông dự hội thảo về nội dung này, kể từ năm 2010, nhưng lần này đã nhìn quyết tâm của lãnh đạo thành phố và ông mong muốn thấy quyết tâm này được cụ thể hóa.

Từ thực tế của mình, TS Nguyễn Đình Uyên (Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ sau 5 năm về Việt Nam làm việc, ông nhận thấy có những khó khăn trong vấn đề cơ chế và môi trường làm việc đối với trí thức trẻ. Chúng ta không có những chính sách để có thể phát triển những ý tưởng, những sản phẩm nghiên cứu ra thị trường.

GS-TS Từ Trung Chấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP công nghệ nano Phát Sáng (Napotec) lại đặt câu hỏi, tại sao không đưa chất xám lên hàng quốc sách khi phải từ con người rồi mới có khoa học công nghệ và công nghệ thì phải làm chủ được công nghệ nguồn thì mới thành công.

"Việt kiều có ở khắp nơi trên thế giới, chỉ cần 1% về nước sẽ mang lại cơ hội rất nhiều cho đất nước. Người này về sẽ giới thiệu những người khác về. Tại sao chúng ta không có một trung tâm giới thiệu nguồn nhân lực công nghệ cao này?", ông nói.

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM - khẳng định qua cuộc hội thảo này, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo về cơ chế, chính sách này để trình lên lãnh đạo TP xem xét.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn