Mệt mỏi vì dịch vụ trong nước?
Con số 1,5 tỷ USD/năm mà người dân Việt Nam chi cho việc học tập và 2 tỷ USD/năm cho khám chữa bệnh ở nước ngoài khiến không ít người tiếc đứt ruột. Nhưng vấn đề này dường như đang được "buông xuôi" và không có giải pháp.
Vụ Hành chính sự nghiệp của Bộ Tài chính dẫn số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2011 – 2012 có hơn 100.000 du học sinh mang theo khoảng 1,5 tỷ USD sang nước ngoài. Theo nhận định của các nhà giáo dục, đây là một con số quá lớn, nó tương đương với một nửa lượng lúa gạo xuất khẩu của hơn 10 triệu nông dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Chất lượng dịch vụ y tế trong nước còn kém là nguyên nhân chính khiến một lượng lớn người bệnh ôm tiền sang nước ngoài. |
Mới đây, ngành y tế lại công bố con số ước tính mỗi năm người Việt chi khoảng 2 tỷ USD cho phí dịch vụ y tế nước ngoài. Số tiền này được rút ra từ túi của khoảng 40.000 người bệnh Việt.
Theo các chuyên gia giáo dục, y tế, những người chọn dịch vụ nước ngoài là những người có điều kiện. Họ mong muốn được những dịch vụ tốt, xứng đáng nhưng các cơ sở giáo dục, y tế trong nước chưa đáp ứng được.
Chất lượng dịch vụ trong nước còn quá hạn chế về cơ sở vật chất cũng như tính chuyên nghiệp đã đẩy họ mang tiền “cho” các dịch vụ ở nước ngoài. Ngoài ra, cũng có một số người kiên quyết ra nước ngoài khám chữa bệnh, học tập là do tâm lý sính ngoại.
Chia sẻ với PV, nữ đại biểu trẻ nhất Quốc hội Vũ Thị Hương Sen cho biết, là người công tác trong ngành y tế, chị rất buồn khi các dịch vụ trong nước không giữ chân được một lượng lớn bệnh nhân, gây thất thoát số tiền lớn.
“Một số bệnh nhân nói với tôi rằng, nếu chất lượng dịch vụ y tế ở địa phương tốt thì họ sẽ không lên tuyến trung ương vì rất tốn kém. Họ vẫn lên tuyến trung ương có nghĩa là họ vẫn tin và khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế trong nước”.
Còn về lý do khiến hơn 40.000 người Việt chi một số tiền “khủng” để sử dụng các dịch vụ y tế ở nước ngoài, chị Sen cho rằng, nhu cầu khám chữa bệnh của người Việt ngày càng tăng cao và họ đòi hỏi phải sử dụng chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất, máy móc hiện đại nhất.
Trong khi đó, cơ sở khám chữa bệnh trong nước còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của một bộ phận người dân có điều kiện. Vì thế, khi có tiền họ sẵn sàng ra nước ngoài để thỏa mãn nhu cầu.
Chị Sen cũng cho rằng hiện nay trên thế giới có nhiều phương pháp điều trị mới mà Việt Nam vẫn chưa áp dụng được. Đây cũng là một nguyên nhân.
Theo ước tính của một chuyên gia y tế, nếu phân chia chất lượng bác sĩ thì chỉ có 20% tốt, 60% trung bình, 20% là rất yếu. Trong đó, đội ngũ chuyên môn giỏi chỉ tập trung ở một số bệnh viện công tuyến trên.
Không thể để "thượng đế" bị ức chế
Đồng quan điểm với nữ đại biểu trẻ nhất quốc hội Vũ Thị Hương Sen, nhà nghiên cứu xã hội học Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, không thể đổ việc người dân “chê” dịch vụ y tế, giáo dục trong nước là do tâm lý sính ngoại bởi thực tế chất lượng dịch vụ cơ bản trong nước chưa tương thích, chưa đạt được mong muốn của người Việt.
“Tâm lý sính ngoại chỉ chiếm một phần trong số đó thôi còn số người đổ của ra nước ngoài để học, chữa bệnh là do chất lượng trong nước không tốt nhiều hơn. Người ta chấp nhận giá cao nhưng dịch vụ cũng phải tốt, và vì thế người ta tin vào hàng hiệu bởi “tiền nào của nấy”.
Nếu trong 100 người Việt sử dụng các dịch vụ ở nước ngoài thì chỉ có 30 người là do tâm lý sính ngoại, số còn lại là do họ không có lòng tin vào chất lượng dịch vụ trong nước, những cơ sở giáo dục, y tế nội không khiến họ thỏa mãn”, ông Bình nói.
Nhận xét về chất lượng các dịch vụ cơ bản nói chung, y tế, giáo dục nói riêng, ông Bình đều cho rằng, xét về chất lượng dịch vụ trong nước không thua kém nước ngoài nhưng mặt bằng chung thì chúng ta chưa đạt tới và còn lẫn lộn nhiều hàng giả.
“Thực tế cho thấy thỉnh thoảng lại có vụ quên kéo, quên gạc, tiêm nhầm thuốc…và sự chịu trách nhiệm của chúng ta rất kém. Thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sĩ, cung cấp dịch vụ thiếu niềm nở, tôn trọng khách hàng. Tất cả những điều này cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, làm giảm lòng tin của người bệnh”, nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình phân tích.
Nói về mức độ chênh nhau về chi phí dịch vụ trong và ngoài nước, ông Bình cho rằng, mức chi để sử dụng dịch vụ trong nước dù thấp hơn ở nước ngoài nhưng phụ phí đi kèm thì không thể kể được. Bên cạnh đó, người sử dụng dịch vụ còn phải chịu đựng áp lực, bất bình đẳng, bất công từ người cung cấp dịch vụ.
“Những yếu tố trên không phải là căn bản nhưng nếu các dịch vụ trong nước không khắc phục được thì vẫn không thể giữ chân được một lượng lớn ‘thượng đế” và tiền tỷ vẫn trôi chảy ra nước ngoài”, ông Bình góp ý.
Theo Kienthuc