Người trẻ chỉ cần "tồn tại và duy trì nòi giống"!

Thứ tư, 30/01/2013, 07:22
Suy cho cùng, con người luôn có hai nhiệm vụ chính là "tồn tại và duy trì nòi giống" như bao nhà triết học từ cổ chí kim đã khẳng định.

Tìm đường không khó

Đúng là giới trẻ Việt Nam ngày nay đang đứng trước những thay đổi chóng mặt của cuộc sống và xã hội. Trong hoàn cảnh đó, muốn tìm cho mình một hướng đi, một con đường là không dễ. Song bình tĩnh suy ngẫm, tôi tin người trẻ cũng không khó để tìm được con đường phù hợp.

Thời đại hiện nay là thời đại của thông tin; thông tin bùng nổ đa chiều, con người có thể tiếp cận được thông tin và kiến thức mọi lúc, mọi nơi. Điều này khác xa so với thời chúng tôi: chỉ được cung cấp thông tin rất hạn chế và theo một chiều nhất định. Riêng về mặt này, thế hệ chúng tôi phải "ghen tỵ" với các bạn trẻ bây giờ.

Yếu tố này không cản trở quá trình lựa chọn. Lý do là bởi khi tiếp cận được nhiều thông tin, những người tỉnh táo và có trình độ nhất định sẽ sàng lọc được cho bản thân những thông tin bổ ích, tích lũy kho kiến thức, kinh nghiệm mà các thế hệ đi trước từng phải mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm, chắt lọc.

Giá trị cũ có lụi tàn?

Không gian vật chất đang biến đổi nhanh chóng so với trước, điều này ai cũng dễ dàng nhận ra. Nhưng các giá trị cũ như đạo đức, luân lý, đạo làm người, v.v... có vì thế mà suy tàn theo? Tôi cho rằng, xét trên tổng thể là không.

Hiện nay xã hội xảy ra những hiện tượng khiến chúng ta đau lòng, bàng hoàng: con giết cha mẹ; học sinh chửi thầy cô giáo, đánh bạn bè; nạn cướp bóc trắng trợn, chỉ vì một chiếc iPhone rẻ tiền mà chém lìa tay người khác, v.v... Nhưng nếu thống kê lại, số thanh niên lệch lạc, phạm pháp ấy chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với giới trẻ hiện nay.

Còn biết bao câu chuyện cảm động khác về giới trẻ cũng đã được truyền thông đưa tin. Từ việc đơn giản nhất là nhường ghế xe buýt cho người già, đến việc hiến máu cứu người, nấu cơm làm từ thiện ở bệnh viện... Những việc làm tốt đẹp như vậy chắc chắn nhiều gấp bội những việc xấu mà giới trẻ gây ra.

Đó là ngoài xã hội. Còn trong gia đình, hầu hết các bạn trẻ vẫn là con ngoan, có lòng biết ơn cha mẹ sinh thành, ơn tổ tiên. Tôi thấy hầu hết các bạn sau khi đi làm, được tháng lương đầu tiên đều nghĩ đến ông bà, cha mẹ. Bản thân tôi chứng kiến rất nhiều người rưng rưng cảm động khi nhận phần quà của con, cháu trích từ tháng lương nhỏ bé đầu tiên.

chay chuc

Ảnh minh họa

Chỉ cần tồn tại và duy trì nòi giống

Trong giới trẻ hiện nay, có một bộ phận chọn cho mình cách sống không giống ai. Liệu có phải các bạn muốn tự thể hiện mình thật sự khác người?

Nhưng nếu bình tâm suy nghĩ, các bạn thấy mình có thể khác mọi người ở điểm nào? Chỉ số IQ cao hơn rất nhiều người khác, ngang thiên tài Einstein hay thần đồng âm nhạc Moza chăng? Thế nên phải ầm ĩ, bất thường để được cả thế giới tung hô, thậm chí gây quỹ lấy tên mình như giải Nobel chăng?

Thiết nghĩ, chúng ta là con người bình thường, cũng chỉ nên chọn cho mình một cách sống bình thường như mọi người khác?

Suy cho cùng, con người luôn có hai nhiệm vụ chính là "tồn tại và duy trì nòi giống" như bao nhà triết học từ cổ chí kim đã khẳng định. Vậy phải làm việc để duy trì sự tồn tại của bản thân và tìm kiếm bằng được "nửa kia" để có con bồng, con bế. Có niềm vui nào sánh được với lần đầu tiên có đứa trẻ gọi mình là bố, mẹ.

Sao phải chen chân "chạy" công chức?

Có ý kiến nêu ra muốn vào cơ quan nhà nước phải "chạy" công chức tốn kém, gây mất niềm tin cho giới trẻ. Nhưng theo tôi biết, hiện số lao động làm việc trong cơ quan nhà nước chỉ chiếm khoảng 5% số lao động cả nước.

Nếu lựa chọn làm việc ở các doanh nghiệp, chúng ta có thể đường hoàng đến phỏng vấn tuyển dụng hoặc thi mà không hề phải chạy chọt, nhờ vả. Vậy thì cớ gì người trẻ không tự thể hiện mình bằng cách đường đường chính chính thi tuyển vào nơi mình muốn làm việc?

Về thu nhập, nếu tính trên mức lương tối thiểu hiện nay, nếu làm ở nhà nước, một cử nhân mới ra trường được gần 2,5 triệu đồng/tháng. Còn ở doanh nghiệp, với mức lương tối thiểu là 1,55 triệu, quy ra lương hàng sẽ là trên 3,6 triệu đồng, gấp gần 1,5 lần làm nhà nước.

Ngoài ra, làm việc trong doanh nghiệp, người lao động còn được hưởng thêm các khoản khác tùy theo năng lực. Như vậy, mức thu nhập hàng tháng dao động khá rộng từ khoảng 5 triệu đến 20 triệu đồng/tháng.

So sánh trên con số có thể thấy chênh lệch rất rõ giữa nhà nước và tư nhân. Thế nhưng, tại sao rất nhiều người lại nhất định phải chạy chọt để vào làm nhà nước? Phải chăng những người chạy chọt ấy năng lực rất hạn chế, dù đi phỏng vấn ở doanh nghiệp cũng chẳng... trượt?

Tôi tin rằng những người trẻ có năng lực và lòng tự trọng sẽ không chạy chọt để có một "chân" nhà nước. Nếu muốn, họ sẽ thi cử đàng hoàng, và thực tế mấy năm gần đây rất nhiều bạn trẻ mới ra trường đã thi đỗ vào các cơ quan nhà nước.

Một thực tế đáng buồn khác là sau khi đã "lọt" cửa cơ quan nhà nước, không ít bạn trẻ một thời gian sau lại xin ra. Lý do cơ bản là thu nhập không đủ sống, cộng thêm những "truyền thống" kiểu ma cũ bắt nạt ma mới, rồi người mới phải lay lắt pha chè, quét dọn, muốn được thăng chức, cất nhắc phải chờ sống lâu lên lão làng, phải có "ô dù". Để thời gian trôi đi như vậy có phải là quá hoài phí?

Vì thế, nếu có "gan", hãy tự "bơi" vào các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội, hoặc tự khởi nghiệp. Nếu mang khát vọng khởi nghiệp, muốn tự đứng ra tổ chức sản xuất kinh doanh, hãy nghiên cứu kỹ và mạnh dạn thực hiện sớm. Chẳng phải đã có rất nhiều bạn trẻ thành đạt trên con đường lập nghiệp khi chưa đến 30 tuổi sao?

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn