Bác sĩ kê sai đơn thuốc, bé sơ sinh tử vong
Nạn nhân là bé Lê Nguyễn Phương Linh (6 ngày tuổi), con anh Lê Thanh Phong (36 tuổi) và chị Nguyễn Thị Lài (33 tuổi) trú tại xóm 4, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Anh Lê Thanh Phong bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của con gái |
Ngày 26/1, bé Linh có biểu hiện của bệnh vàng da nên gia đình đã đưa cháu Linh đến bệnh viện Nhi Nghệ An để thăm khám, điều trị. Tại đây, bác sỹ Trần Kiều Anh kết luận kết quả xét nghiệm sinh hóa máu âm tính, kết quả chụp X-Quang bé Linh bị nhiều đờm ở họng, mũi và kê đơn thuốc để gia đình đi mua rồi mang sang khoa hồi sức cấp cứu để hút đờm và tiêm thuốc.
Trong đơn thuốc mà BS Kiều Anh kê có 2 loại thuốc gồm: 1 lọ Betadine, 1 lọ Chloramphenicol (1g). Đến khoảng 16h30’ cùng ngày bé Linh được điều dưỡng Phạm Đức Tuấn trực tại Khoa hồi sức cấp cứu đến tiêm cho loại thuốc Chloramphenicol (1g) như bác sỹ Kiều Anh đã chỉ định.
Sau đó cháu Linh được bác sỹ cho về nhà hẹn 3 ngày sau quay lại để rửa rốn. Tuy nhiên, đến 0h15 phút thì cháu bé có nhiều triệu chứng bỏ bú, tím tái, khó thở, bụng trướng… được đưa đến bệnh viện Nhi Nghệ An cấp cứu nhưng đến khoảng 10h40 phút ngày 27/1 cháu Phương Linh đã tử vong.
Tại biên bản buổi làm việc giữa lãnh đạo bệnh viện và người nhà bệnh nhân xác định nguyên nhân tử vong của bé Linh là do “suy hô hấp, suy tuần hoàn, thiếu máu do dùng thuốc Chloramphenicol 1g x 1 lọ cho trẻ 6 ngày tuổi”.
Loại thuốc Chloramphenicol 1g x 1 lọ chỉ dùng cho trẻ trên 6 tháng tuối, nhưng đã được chỉ định cho trẻ mới sinh được 6 ngày, dẫn tới cái chết thương tâm của bé Phương Linh.
Đơn thuốc mà bác sỹ Trần Kiều Anh kê cho cháu Phương Linh |
Ngày 28/1, Bác sỹ Dương Công Hoạt - Giám đốc bệnh viện Bệnh viện Nhi Nghệ An cho biết, đã tạm đình chỉ hoạt động chuyên môn trên người bệnh đối với điều dưỡng viên Phạm Đức Tuấn - Khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện - người trực tiếp tiêm thuốc cho cháu Lê Nguyễn Phương Linh (6 ngày tuổi).
Bác sĩ “phán” nhầm bệnh, bé 4 tuổi tử vong
Mắc bệnh sốt xuất huyết nhưng bé gái T.M.A. (4 tuổi, ngụ tại khu phố 5, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Bình) bị bác sĩ “phán” nhiễm siêu vi, cho về nhà điều trị ngoại trú. Một ngày sau, bé liên tục sốt cao, chướng bụng, nôn ói, có mảng xuất huyết ở vùng bụng, gia đình đưa cháu trở lại bệnh viện thì mọi chuyện đã muộn.
Ảnh minh họa |
Trước đó, vào ngày 14/6/2012, thấy T.M.A có triệu chứng sốt cao, người nhà đã đưa bé đến khám tại một phòng mạch tư trên địa bàn quận Tân Phú. Tại đây bác sĩ chẩn đoán bé bị sốt siêu vi và cho thuốc về nhà uống. Tuy nhiên, tối 15/6 bé mệt nhiều và chướng bụng, trở lại phòng mạch bác sĩ đề nghị gia đình đưa bệnh nhi đến bệnh viện.
Ngày 16/6, gia đình chuyển bé đến bệnh viện Nhi Đồng 1, sau khi khám và làm xét nghiệm máu bác sỹ chẩn đoán bé A. nhiễm siêu vi sau đó cho về điều trị ngoại trú. Tối 17/6 bé tiếp tục sốt cao, bụng chướng, có mảng xuất huyết ở vùng bụng, đùi kèm theo nôn ói,… Gia đình đưa cháu trở lại bệnh viện. Mọi nỗ lực cứu chữa của bệnh viện Nhi Đồng 1 đều trở nên vô nghĩa. Đến rạng sáng ngày 20/6, bé đã tử vong.
Siêu âm sai, bé gái chết oan
Sau khi bỏ thai, đưa đi chôn, thai phụ mới phát hiện con mình còn sống và không dị tật như kết quả siêu âm. Dù được đưa vào bệnh viện cứu chữa nhưng cháu bé không qua khỏi.
Cháu bé lúc còn sống tại bệnh viện |
Cháu bé xấu số là con của chị Nguyễn Thị Thu T., ở xã Ia Plang, huyện Chư Sê, Gia Lai. Người nhà của cháu bé cho biết do kết quả siêu âm trước đây tại một phòng khám ở huyện Chư Sê và tại một cơ sở ở TP.HCM đều xác định thai nhi bị dị tật và khuyên gia đình nên phá thai.
4 giờ sáng 13/5/2012, chị T. phá thai tại một cơ sở y tế tư nhân ở huyện Chư Sê. Đến 6 giờ, người nhà định đưa cháu bé xấu số đi chôn cất nhưng phát hiện cháu vẫn còn sống và thấy cháu bé không hề bị dị tật như thông báo từ các cơ sở siêu âm trước đó nên vội vã đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu lúc 9 giờ 30 cùng ngày.
Cháu bé tại bệnh viện (ảnh chụp lúc bé còn sống) |
Theo bác sĩ Phan Vương Quân - khoa hồi sức cấp cứu nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, khi nhập viện cơ thể bé gái không có biểu hiện dị tật, nặng 2,2kg, rốn chưa được kẹp, tình trạng sức khỏe yếu, thở rên, da tái, phản xạ kém, tim, phổi bình thường, nhiệt độ cơ thể thấp 35 độ C.
Ngày 31/5, Thanh tra Sở Y tế Gia Lai đã ra quyết định xử phạt hành chính bác sĩ Chu Thanh Hưng, người đã thực hiện phá thai cho chị T., mức 25 triệu đồng về hành vi hành nghề không có chứng chỉ, cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động.
Bác sĩ “lỡ tay” cắt nhầm bàng quang bé trai
Bệnh nhi T.A.Đ (21 tháng tuổi) là nạn nhân của vụ cắt nhầm bàng quang. Trước đó, ngày 23/10/2012, cháu bé được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh, bác sĩ chỉ định mổ với chẩn đoán thoát vị bẹn. Trưa 25/10 bé được phẫu thuật, vài giờ sau bụng trướng dần lên, không tiểu được. Chiều hôm sau, bệnh nhi được chuyển đến bệnh viện tỉnh.
Sức khỏe Bé T.A.Đ. bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau ca mổ cắt nhầm bàng quang |
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa nhận định, kíp mổ của Bệnh viện khu vực Cam Ranh "đã cắt nhầm hơn nửa bàng quang của cháu bé, gây tổn thương nặng bàng quang, làm nước tiểu ứ trong khoang bụng, gây tai biến nghiêm trọng". Bệnh viện tỉnh chỉ mổ cấp cứu để giải quyết tình trạng nguy kịch trước mắt cho cháu bé. Sau đó bé được đưa lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.
Bé A.Đ được chuyển vào Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP. Hồ Chí Minh ngày 28/10, phải mổ lần 3 để ổn định thông tiểu, chờ phẫu thuật tái tạo bàng quang…
Chiều 29/11, Hội đồng kỷ luật, Sở Y tế Khánh Hòa quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với BS chuyên khoa I Phạm Văn Toàn, Trưởng khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Cam Ranh, người mổ chính trong kíp mổ ngày 25/10 đã cắt nhầm bàng quang của cháu T.A.Đ.
Theo BS Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Bệnh viện Cam Ranh, ngoài hình thức kỷ luật cảnh cáo, BS Phạm Văn Toàn còn bị Bệnh viện Cam Ranh cắt 6 tháng thu nhập tăng thêm, không cho mổ chính trong các ca phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, phải đi học thêm về chuyên môn ngoại tổng quát.
Theo TTVN