Đi máy bay như... đi xe đò

Thứ tư, 30/01/2013, 11:51
Khách nôn nóng về quê đoàn tụ, khách bế theo con nhỏ hoặc không biết sử dụng các tiện nghi trên máy bay… có thể vô tình vi phạm những quy định về an ninh trên các chuyến bay.

Chính sách vé rẻ của các hãng hàng không nội địa triển khai mạnh mẽ gần 2 năm nay giúp ngày càng có nhiều người dân thu nhập trung bình tiếp cận phương tiện giao thông này.

Trong dịp Tết, tính “bình dân” càng tăng hơn khi hạ tầng sân bay quá tải, mỗi hành khách mang thêm nhiều hành lý và số lượng người già, trẻ em trên máy bay cũng đông hơn so với ngày thường.

Đi máy bay như... đi xe đò
Các chuyến bay Tết thường có nhiều trẻ em dưới 2 tuổi

Mở cửa thoát hiểm đi… tiểu

Trên máy bay tuy không bán ghế phụ nhưng lượng hành khách lại đông hơn bình thường vì không có ghế trống và nhiều chuyến bay luôn đạt mức tối đa số lượng hành khách là em bé dưới 2 tuổi (tỉ lệ em bé trên mỗi chuyến bay là không quá 10% so với tổng số chỗ).

Những hành khách nhí này không chiếm diện tích về chỗ ngồi (được ngồi chung với bố mẹ) nhưng lại có thể khuấy động cả hàng trăm người vì hay quấy khóc, đặc biệt là khi thay đổi áp suất do cất, hạ cánh.

Cận Tết năm 2012, hành khách trên một chuyến bay của Vietnam Airlines đã phát hoảng khi thấy có con dao bằng kim loại, cán dài rơi trên sàn máy bay. Người đem vũ khí lên máy bay là một bà mẹ trẻ bế theo con nhỏ 2 tháng tuổi, dắt dao vào tã cho con để làm vía.

Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết trong dịp Tết cũng rất dễ xảy ra các vi phạm về mở cửa thoát hiểm, hút thuốc lá, giật áo phao. Những hành vi này hay xảy ra đối với khách đi máy bay lần đầu. Đối với những hành khách này khi lên máy bay thường không chú ý nghe hướng dẫn của tiếp viên hoặc nghe nhưng không hiểu rồi máy móc làm theo.

Có một số trường hợp nghe hướng dẫn về sử dụng áo phao nhưng không hiểu là áo phao chỉ sử dụng trong trường hợp hạ cánh khẩn cấp trên biển. Do đó, tiếp viên chưa dứt lời, khách đã lấy áo phao dưới ghế thổi phồng lên.

Cách đây vài tháng, cũng có hành khách cao tuổi định mở cửa thoát hiểm nhưng được tiếp viên ngăn chặn kịp thời. Ông khách này cho biết đang mót tiểu, thấy cửa thoát hiểm ghi dòng chữ “Chỉ mở cửa trong trường hợp khẩn cấp”, nghĩ phù hợp với hoàn cảnh của mình nên mở.

Đồ đạc quá khổ, thức ăn cũng mang theo người

Vào thời điểm này, các hãng hàng không đã sẵn sàng quy trình phục vụ bay cao điểm. Trước giờ bay 12-15 phút, tổ tiếp viên phải ôn lại quy trình cho nhuần nhuyễn để sẵn sàng phục vụ khách. Số lượng tiếp viên tương ứng với hành khách trên máy bay, 1 tiếp viên phục vụ tối đa 50 người và được yêu cầu vận dụng “kỹ năng mềm” để vừa bảo đảm an ninh, an toàn mà không làm khách phật ý.

“Bay Tết rất mệt mỏi, khách đông, mang theo nhiều hành lý nên chúng tôi yêu cầu tiếp viên trong quá trình giao tiếp với hành khách phải rất chuyên nghiệp, đúng quy trình nhưng linh hoạt, mềm dẻo để bảo đảm chất lượng dịch vụ” - đại diện đoàn tiếp viên của Jetstar Pacific nói.

Theo vị này, khó nhất vẫn là ngăn khách mang đồ đạc lỉnh kỉnh, quá khổ lên máy bay hoặc mang giò chả và thức ăn chế biến sẵn dễ gây mùi vị khó chịu.

Nếu không cho khách mang đồ lên, thế nào cũng gặp phản ứng đại loại: “Tôi đi các hãng khác người ta cho mang lên sao hãng này lại không cho?” hoặc “Đồ của tôi có trăm ngàn đồng, gửi hành lý mất vài trăm ngàn đắt quá không đủ tiền”…

Đã có trường hợp một nữ hành khách mang theo 3 túi đồ lỉnh kỉnh lên máy bay, nhân viên mặt đất đề nghị quay lại gửi bớt thì cự cãi. Người đi bên cạnh bênh “thấy người ta nhà quê định bắt nạt à. Trong túi tôi có bom có đi được không”, vô tình phạm vào lỗi tung tin có bom và bị cấm bay.

Chất lượng các chuyến bay Tết không chỉ phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ là hãng hàng không mà còn ở ý thức chấp hành của người đi máy bay.

Các chuyến bay Tết không đơn thuần là khách đi công tác, du lịch mà còn mang tính chất đoàn tụ nên nhiều hành khách bất chấp sức khỏe để đi bằng được, đe dọa tính mạng của bản thân và làm ảnh hưởng đến hàng trăm hành khách.

Cách đây 1 tháng, có hành khách cao tuổi đến làm thủ tục trong tình trạng mệt mỏi, người nhà nói là chỉ say taxi. Khi lên máy bay, khách nôn ra sàn, không ngồi dậy được, hãng hàng không phải nhờ trung tâm y tế hỗ trợ cho hành khách xuống. Chuyến bay đã bị chậm hơn 40 phút để chờ dỡ hành lý và đưa khách xuống.

Sự cố nhà vệ sinh

Đại diện đoàn tiếp viên hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết do đặc thù là hàng không giá rẻ, khách bình dân đi nhiều nên hay gặp sự cố ùn tắc lối đi, trục trặc khi sử dụng nhà vệ sinh.

Mặc dù được tiếp viên hướng dẫn, nhiều hành khách vẫn gặp khó khăn khi tìm ghế ngồi làm ùn tắc ở lối đi trong lúc lên, xuống máy bay.

Đặc biệt, khi sử dụng nhà vệ sinh, khách không có thói quen chốt cửa hoặc không ấn nút xả gây nhiều tình huống dở khóc dở cười và nhiều khi còn ảnh hưởng đến vệ sinh chung.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn