Rộ mốt “cắm” đồ dịp tết

Thứ tư, 06/02/2013, 13:31
Đang loay hoay với đống đồ không biết xử lý ra sao trong thời gian nghỉ tết dài đằng đẵng, một câu trêu đùa chợt lóa lên và mau chóng trở thành một trào lưu, một thứ “mốt” được đông đảo sinh viên (SV) tỉnh lẻ hưởng ứng trong vài ba năm trở lại đây: Mốt “cắm” về quê nghỉ tết.

Ùn ùn tới hiệu cầm đồ

Trước đây, nói đến chuyện cầm đồ với một số SV thì đó còn là khái niệm còn quá... “xa xỉ”, nhưng chỉ vài năm trở lại đây, nhiều người đã quá quen với việc phải “cắm ký” một vài món đồ để xoay tiền giải quyết công việc.

Bởi vậy, các tên gọi “cầm đồ”, tới “hiệu cầm đồ” không được sinh viên hiểu thiên lệch như trước chỉ với nghĩa: Người đó đang tìm vào chốn hư thân, mà đó còn là nơi “cứu tinh” cho những khó khăn về tài chính của SV, nhất là trong dịp cận tết, khi ngày về đã quá gấp gáp, mà ai nấy đều không một đồng trong túi.

Dạo qua một số đường phố tập trung đông các hiệu cầm đồ trong những ngày cuối năm như: Đường Láng, Lương Thế Vinh, Giải Phóng..., không khó để bắt gặp hình ảnh SV ra vào tấp nập.

cam do


Theo một số chủ hiệu cầm đồ trên đường Lương Thế Vinh, SV tới đây “cắm ký” nhiều nhất là máy vi tính, tivi, thậm chí là xe đạp, xe máy... với muôn vàn lý do, mà theo anh Nguyễn Văn Lượng - chủ hiệu cầm đồ số 40 đường Lương Thế Vinh - SV gửi đồ dịp tết chủ yếu nhằm hai mục đích, đó là “nhờ” hiệu cầm đồ trông giùm đống đồ trong thời gian họ nghỉ tết, đồng thời có thêm ít tiền về tết.

Trên thực tế, đó cũng là tâm sự của rất đông SV khi tìm đến các cửa hiệu cầm đồ. Bạn Nguyễn Văn Hưng - SV năm thứ hai Trường ĐH Hà Nội - chia sẻ: “Đây là năm thứ hai mình tới cầm đồ trước khi về nghỉ tết như thế này. Thú thực, nhà mình ở xa, đi lại vốn đã chật vật, nay lại mang thêm đống đồ thì không tải nổi. Mình đành ký gửi bộ máy tính để bàn lấy 3 triệu đồng dùng làm tiền xe về tết, dù biết rằng mỗi ngày gửi mình phải mất 15.000 đồng cho chủ hiệu”.

Nắm bắt nhu cầu ký gửi của SV dịp cuối năm, nhiều cửa hàng cầm đồ cũng “như nấm sau mưa”. Không chỉ ở nội thành, mà các khu vực ngoại thành lân cận tập trung nhiều trường ĐH, các cửa hàng cầm đồ cũng đua nhau mọc lên. Chỉ tính riêng trên đoạn đường dài chưa đầy 1km thuộc thị trấn Cầu Diễn cũng có tới hơn chục hiệu cầm đồ, hoạt động khá sôi động.

Theo anh Nguyễn Văn Quảng - chủ hiệu cầm đồ số 918 đường Láng - trong khoảng chục ngày trước tết, người đến ký gửi đồ tại cửa hàng anh đông gấp đôi ngày thường, trong đó có lượng khách không nhỏ là SV ký gửi đồ về quê nghỉ tết.

Muôn kiểu “cắm” đồ của sinh viên


cam do

Trên thực tế, hầu hết số đồ SV “cắm” tại hiệu cầm đồ đều được các chủ hàng định giá thấp hơn, với lý do để đảm bảo rằng người gửi không... bỏ của chạy lấy tiền. Việc định giá phụ thuộc vào hàng ký gửi, tuy nhiên, dù giá trị thế nào thì chủ hàng vẫn móc... rất sâu vào túi SV.

Nguyễn Thu Trang - SV năm thứ ba Trường ĐH Văn hóa Hà Nội - phải nài nỉ mãi mới được chủ hàng định giá 200.000 đồng cho chiếc xe mini để có đủ tiền xe về tết. Dù vậy, cô vẫn áy náy bởi: “Trong suy nghĩ của bố mẹ, trước đây mình cũng vậy, hiệu cầm đồ là nơi xấu xa và người vào đó là người hư hỏng. Nhưng hôm nay mình đã làm vậy, mình thì hiểu thoáng hơn rồi, nhưng bố mẹ mà biết thì cũng phiền lắm”.

Không rơi vào tình huống bất đắc dĩ như Trang, một số SV khác lại tự rước nợ vào thân cũng chỉ bởi do chơi bời, hoan hỉ quá đà thành ra... nhẵn túi, sạch cả tiền về quê, trong khi tết đã cận kề. Lúc đó thì cũng đành liều đem những gì có chút giá trị ra quy đổi bằng tiền. Thậm chí, không ít người còn thành con nợ của chủ hiệu cầm đồ, rồi lãi mẹ đẻ lãi con đến ngày không có khả năng chi trả mới tá hỏa vì chủ cửa hiệu dọa nạt “xử”.

Qua tìm hiểu thị trường cầm đồ SV, đối tượng SV đến cầm đồ luôn đa dạng, nhưng tập trung chủ yếu vào nhóm SV tỉnh lẻ, quê xa. Người đến cầm đồ đã vậy, vật cầm đồ còn đa dạng, phong phú hơn nhiều. Không chỉ là những vật dụng có giá trị trông thấy, mà cả những vật tưởng như bất ly thân và ít người nghĩ tới lại được SV lạm dụng để có tiền.

Theo một số chủ hiệu cầm đồ cho biết, SV còn sử dụng cả chứng minh thư, thẻ SV để cầm cố lấy tiền. Những vật dụng này thường được các chủ hàng trả giá cao hơn với giá trung bình từ 5 trăm - 1 triệu đồng. Đặc biệt, thẻ SV của các trường an ninh, cảnh sát, quân sự thì có giá hơn, bét nhất cũng được 2 - 3 triệu đồng.

Lý giải điều này, một số chủ hiệu cầm đồ cho hay thẻ học viên của họ có sự đảm bảo về bản thân cao hơn trường bình thường và khó có thể làm lại hơn trường ngoài; vì thế, khi “cắm” có uy tín hơn khi cho vay.

 Theo Laodong

Các tin cũ hơn