Dự án thả chuột diệt rắn dự kiến bắt đầu vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới, trong đó những con chuột con đã chết sẽ được tẩm acetaminophen, hoạt chất chính trong các thuốc giảm đau phổ biến với con người nhưng là độc hại với rắn cây nâu.
Theo NBC News, chuột sẽ được thả từ trực thăng xuống các khu rừng rậm nơi loài rắn này tập trung nhiều nhất. Mục tiêu đầu tiên sẽ là khu vực lân cận căn cứ không quân Andersen, nơi được bao quanh bởi một thảm thực vật dày đặc.
Rắn cây nâu ở đảo Guam |
Loài rắn cây nâu vô tình được đưa tới Guam vào khoảng cuối Thế chiến II trên những tàu quân sự Mỹ. Hơn 60 năm qua, chúng trở thành nguyên nhân chính làm tuyệt chủng dần một loài chim bản địa trên đảo.
Hiện ở Guam có khoảng hai triệu con rắn cây nâu. Chúng không chỉ phá hoại môi trường hoang dã mà còn cắn người dân, thậm chí phá hỏng các đường dây điện, điện thoại. Chúng nhả nọc độc vào con mồi nhưng không gây tử vong cho con người.
Rắn cây nâu thường dài khoảng hơn một mét, nhưng cũng có thể phát triển đến độ dài 3 mét.
"Tình trạng ở Guam đúng là độc nhất vô nhị", William Pitt, một nhà sinh vật học của Trung tâm Nghiên cứu Động vật hoang dã Quốc gia ở Hawaii, thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết. "Không có nơi nào trên thế giới lại gặp phải vấn đề về rắn như Guam".
Giới chức về động vật hoang dã lo ngại rằng loài rắn không có đối thủ tự nhiên nào trên đảo này một ngày nào đó sẽ lan đến các đảo khác ở Thái Bình dương, nhất là Hawaii, cách Guam gần 6.400 km về phía đông, qua con đường máy bay.
Một nghiên cứu năm 2010 của Trung tâm Nghiên cứu Động vật hoang dã Quốc gia cho hay, loài rắn cây nâu có thể gây thiệt hại kinh tế từ gần 600 triệu đến hơn 2,1 tỷ USD mỗi năm, nếu chúng sinh sôi ở Hawaii với mức độ như ở Guam.
Theo ông Pitt, khoảng 2.000 con chuột sẽ được đưa ra làm mồi nhử rắn cây nâu. Mục tiêu của dự án này không phải là xóa sổ mà là ngăn chặn và kiểm soát số lượng rắn cây nâu trên đảo Guam.
Theo VNE